Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Điều hành xuất khẩu gạo “lỗi nhịp”: Nông dân chịu thiệt!
01 | 06 | 2009
Để tránh những “lỗi nhịp” trong điều hành xuất khẩu gạo khiến chúng ta mất đi cả bạc tỷ, mà bài học cuối năm 2008 đã cho thấy rõ, nhà quản lý cần tính toán linh hoạt và đặc biệt cần có thông tin, dự báo chính xác...

Giá gạo thị trường thế giới những ngày qua đang có xu hướng giảm và theo dự báo của các chuyên gia sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới. Việc giá gạo tăng hay giảm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, do vậy việc linh hoạt trong công tác điều hành xuất khẩu gạo sẽ giúp doanh nghiệp và nông dân tránh được những thiệt thòi. Tuy nhiên, để làm được điều này, thông tin thị trường và công tác dự báo cần được quan tâm để sát với thực tế hơn.

Phải thừa nhận việc xuất cảng hơn 2,7 triệu tấn gạo tính đến 22/05/2009 của các doanh nghiệp Việt Nam là khôn ngoan, khi giá bán bình quân đạt trên 409 USD/tấn, thu về kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ 134 triệu USD.

Theo các chuyên gia, trong điều kiện “đoàn tàu xuất khẩu” của nước ta đang tụt dốc rất mạnh do giá thế giới rơi tự do thì việc xuất khẩu gạo và các mặt hàng nông sản tăng đã góp phần không nhỏ hạn chế tình trạng tụt dốc này. Thắng lợi trong xuất khẩu gạo vừa qua là ở chỗ chúng ta bán được giá cao, thay vì hiện nay giá gạo đang dần giảm mạnh. Từ tháng 4, giá gạo thế giới chỉ còn đạt xấp xỉ 57% cùng kỳ năm ngoái và sắp tới sẽ còn giảm nữa…

Điều này càng cho thấy việc tính toán thời điểm xuất bán là vô cùng quan trọng. Còn nhớ, cuối năm 2008 do thiếu linh hoạt trong điều hành xuất khẩu gạo đã khiến chúng ta thiệt hại bạc tỷ khi tạm ngưng xuất khẩu đúng vào thời điểm giá gạo thế giới kịch trần. Ngừng xuất khẩu gạo được lý giải nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Lẽ ra Chính phủ nên giải quyết bằng cách phân công cho các doanh nghiệp Nhà nước thu mua đủ lượng gạo cần dự trữ, còn bao nhiêu cho xuất khẩu. Đằng này, lệnh tạm ngưng được ban ra, và như thế chẳng khác gì bắt người trồng lúa phải gánh vác vấn đề an ninh lương thực của quốc gia!?

Theo con số của Hiệp hội lương thực Việt Nam đưa ra, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo đến thời điểm này là 3,8 triệu tấn, với giá khá cao. Tuy nhiên, việc ra thông báo tạm ngừng xuất cảng cho đến hết tháng 7 của Hiệp hội cũng khiến dư luận quan tâm.

Hiện tại, ĐBSCL đang vào mùa thu hoạch lúa với năng suất và sản lượng cao. Việc ra thông báo tạm ngưng xuất khẩu gạo cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ không mua lúa vào, và đương nhiên kéo theo đó là giá lúa giảm. Và khi giá lúa gạo trong nước bị giảm xuống, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ “đè” doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp cung ứng lại giảm giá mua gạo từ thương lái, và thương lái đương nhiên đặt gánh nặng đó vào vai nông dân – những người chẳng thể ép được ai.

Tất nhiên, theo lý giải của Hiệp hội Lương thực, việc ký hợp đồng xuất khẩu gạo hiện cũng bất lợi vì giá gạo thế giới đang xuống thấp, thêm vào đó, các hợp đồng đã ký vẫn còn nhiều mà hàng chưa xuất cảng. Việc tạm ngưng đến cuối tháng 7 một phần nguyên nhân là do năng lực xuất hàng qua cảng của Việt Nam chỉ đạt 300.000 – 400.000 tấn/tháng, nghĩa là từ nay đến hết tháng 7 mới đủ thời gian xuất hết lượng hàng đã ký.

Theo một quan chức Chính phủ, điều này cũng rất quan trọng vì bài học trong công tác xuất khẩu gạo năm 2002 cho thấy, nếu giao hàng muộn không đúng cam kết trong hợp đồng, phía đối tác sẽ đòi đền bù và như vậy, thiệt hại sẽ không nhỏ.

Còn phía nhà nông, nếu Chính phủ đồng ý với đề nghị của Hiệp hội Lương thực nâng hạn mức xuất khẩu gạo năm 2009 lên 5,2 triệu tấn, thì từ nay đến cuối năm cũng chỉ có khoảng hơn 1 triệu tấn gạo được rời cảng. Nỗi lo ế ẩm lúa gạo của vụ hè thu và thu đông của nông dân là hoàn toàn có cơ sở. Dự báo lượng lúa hè thu và thu đông ở đồng bằng sông Cửu Long có thể đạt 10 triệu tấn lúa, tương đương 7 triệu tấn gạo.

Việc Chính phủ hỗ trợ vốn, xây dựng kho chứa và phân công doanh nghiệp Nhà nước thu mua hết lúa gạo và cho nhà nông với giá khống chế đảm bảo người trồng lúa lãi 30% để dự trữ khi cần xuất bán là hoàn toàn phù hợp. Điều này vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định thị trường cung – cầu lúa gạo trong nước, vừa tránh được tình trạng bán đổ bán tháo gây thiệt hại cho nhà nông.

Trở lại với việc ai đóng vai trò trong việc điều hành xuất khẩu gạo? Trước nay, Hiệp hội lương thực được giao nhiệm vụ phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu gạo cho các địa phương đối với các hợp đồng cấp Chính phủ (mỗi năm trên 2 triệu tấn gạo). Việc cấp “quota” này trong thời gian qua đã khiến báo chí tốn nhiều giấy mực, chỉ ra nhiều mảng tối “lạm quyền” của Hiệp hội. Rõ ràng không thể thực hiện mãi theo kiểu phân bổ như hiện nay mà cần sớm tiến tới thực hiện cơ chế đấu thầu theo nghị định 12 trong hoạt động xuất khẩu gạo.

Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều cử tri kiến nghị Chính phủ nên giao việc điều hành xuất khẩu gạo cho Bộ Công Thương. Song, vấn đề không phải là ai quản lý việc điều hành xuất khẩu gạo mà quan trọng hơn, là làm sao những mệnh lệnh đưa ra phải đảm bảo lợi ích quốc gia, doanh nghiệp và cả nhà nông.

Làm được điều này rất cần sự linh hoạt trong tính toán xuất khẩu và đặc biệt cần có thông tin, dự báo chính xác để tránh những “lỗi nhịp” trong điều hành khiến chúng ta mất đi cả bạc tỷ, mà bài học cuối năm 2008 đã cho thấy rõ điều này.



Nguồn: vovnews.vn
Báo cáo phân tích thị trường