Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nỗi lo xuất khẩu năm 2008
13 | 03 | 2008
Năm 2008 là năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006-2010. Để đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2008 đạt trên 8,5%, Bộ Công Thương đã đưa ra phương án phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu là 22% với kim ngạch 59,2 tỷ USD. Từ dẫn chứng thực tế của TPHCM, nhiều ý kiến lo ngại kế hoạch xuất khẩu của cả nước sẽ chỉ là… kế hoạch.
Nhiều mặt hàng đã “đến ngưỡng”!

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, năm 2008 kinh tế thế giới tiếp tục giảm với mức tăng trưởng chỉ đạt khoảng 4,75%, thấp hơn năm 2007 là 0,15%. Bất ổn từ thị trường nhà đất và tài chính từ tháng 8-2007 của Mỹ cùng với việc giá năng lượng liên tục tăng cao sẽ ảnh hưởng mạnh đến mức tăng trưởng của nền kinh tế thế giới… Những bất lợi này tác động trực tiếp đến việc tăng trưởng xuất khẩu của VN trong năm 2008.

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Sadaco, cũng cho rằng: Xuất khẩu năm 2008 của cả nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng của một số mặt hàng chủ lực như gỗ đang có dấu hiệu chựng lại. Nếu như năm 2005, tốc độ tăng trưởng của ngành gỗ là 41% so với năm 2004, đạt kim ngạch 1,6 tỷ USD thì đến năm 2006 chỉ đạt được 1,9 tỷ USD. Sang năm 2007, kết quả xuất khẩu cũng không tăng được như mong muốn, chỉ đạt 2,3 tỷ USD (chỉ tiêu đưa ra là 2,5 tỷ USD). Dệt may là một ngành dẫn đầu trong “Câu lạc bộ tỷ USD” nhưng ngay trong những tháng đầu năm đã bộc lộ nhiều nguy cơ vỡ kế hoạch xuất khẩu năm 2008 (ở mức 9,5 tỷ USD) vì nhiều nguyên nhân.

Khả năng cung ứng nguồn hàng xuất khẩu trong những năm gần đây đang trở thành vấn đề nóng tại nhiều cuộc họp. Trong 4 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực là khoáng sản, thủy hải sản, nông lâm và công nghiệp chế biến thì có tới 2 nhóm hàng là khoáng sản và thủy hải sản đã đạt ngưỡng về sản lượng cung cấp cho xuất khẩu. Ông Ngô Viết Hoài, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu thủy sản Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết, công ty đã xuất sang 25 quốc gia với kim ngạch năm 2007 đạt khoảng 25 triệu USD. Tuy nhiên, công ty đang gặp nhiều khó khăn đối với nguồn nguyên liệu vì hiện nay công tác đánh bắt trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu. “Nếu các bộ, ngành chức năng không nhanh chóng giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu xuống 0% (thay vì 5%) như nhiều nước đã thực hiện thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng hoàn thành kế hoạch xuất khẩu của các DN” – ông Hoài nhấn mạnh.

Tương tự, với các mặt hàng khác như dầu thô, sản lượng cung ứng xuất khẩu năm 2007 bị giảm hẳn. Nếu 3 tháng cuối năm không có sự tăng mạnh về giá thì chỉ tiêu xuất khẩu mặt hàng này không đạt.

Đối mặt với kiện bán phá giá

Nếu như mặt hàng chúng ta đang có rất nhiều lợi thế về giá nhưng khả năng cung ứng đã đến ngưỡng thì thị trường xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp, thâm dụng lao động như đồ gỗ, may mặc, cơ khí, giày dép… lại có dấu hiệu bất lợi và nhiều khả năng phải đối mặt với các vụ kiện bán phá giá tại một số thị trường chủ lực như Mỹ.

Theo công bố của Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC), kim ngạch xuất khẩu của VN vào Mỹ năm 2007 ước đạt hơn 10,4 tỷ USD, tăng gần 25%. VN đã qua mặt các đối thủ lớn như Tây Ban Nha, Chi Lê, Philippines… để lọt vào top 30 nhà xuất khẩu lớn vào Mỹ năm 2007. Ông Ngô Văn Thoan, Tham tán Thương mại tại Mỹ, cho biết, mặc dù kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu suy thoái, song ảnh hưởng không nhiều đến việc xuất khẩu hàng VN vào nước này. Đặc biệt, đối với mặt hàng dệt may, ngay sau khi Mỹ công bố không tiếp tục điều tra về mặt hàng này thì nhiều DN đã ký được những đơn hàng lớn. Theo dự kiến, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ năm 2008 sẽ tiếp tục đạt khoảng 25%, với kim ngạch 13 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Thoan cũng thừa nhận, phía Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện cơ chế giám sát hàng dệt may VN nên việc xuất khẩu mặt hàng này sẽ chịu một số khó khăn nhất định. Và dù muốn hay không, kinh tế Mỹ giảm sút sẽ ảnh hưởng đến sức mua tại thị trường này. Một số mặt hàng khác như thủy hải sản, đồ gỗ cũng đang nằm trong tầm ngắm kiện bán phá giá của Mỹ. Tháng 2 vừa qua, ITC đã có kết luận sơ bộ về sản phẩm lò xo không bọc nhập khẩu từ VN đã bán phá giá vào thị trường Mỹ, gây thiệt hại cho ngành công nghiệp nội địa của nước này. Trên cơ sở đó, phía Mỹ sẽ tiến hành điều tra và dự kiến sẽ có kết luận về biên độ bán phá giá vào ngày 9-6. Theo ông Thoan, cùng với việc tận dụng cơ hội để đẩy nhanh lượng hàng vào thị trường này, các hiệp hội và DN phải thật tỉnh táo. Ngay từ bây giờ hãy chuẩn bị hồ sơ, sổ sách, củng cố chứng cứ thật tốt để đối phó các vụ kiện có thể xảy ra.

Không riêng thị trường Mỹ, việc xuất khẩu vào hầu hết các thị trường trọng điểm như Nhật, Nga, Trung Quốc và EU cũng đang gặp nhiều khó khăn. Để giảm lượng hàng nhập khẩu và bảo hộ cho sản xuất trong nước phát triển, mỗi nước trên đều dựng lên các hàng rào kỹ thuật cho riêng mình. Hàng loạt DN ngành nhựa của VN đã chịu tổn thất rất lớn khi đưa hàng vào Nhật vì không có thông tin kịp thời từ quy định 70 hợp chất bị cấm sử dụng trong ngành nhựa là một ví dụ.

Trước tình hình trên, Bộ Công Thương đã đưa ra 8 biện pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó quan trọng là phải xây dựng những thị trường mới, nhóm hàng mới và khai thác những nhóm hàng tiềm năng; cụ thể là hàng điện tử và linh kiện máy, máy tính, sản phẩm nhựa, dây điện và cáp…


Nguồn:
www.sggp.org.vn

Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường