Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mưa chuyển mùa, kẻ cười người… khóc
08 | 04 | 2008
Nếu như những hộ trồng lúa, rau màu vui mừng với những cơn mưa chuyển mùa thì người nuôi tôm ở ĐBSCL lại… méo mặt. Mưa chuyển mùa khiến môi trường nước thay đổi đột ngột, đến nay, đã có trên 1.700ha tôm bị chết.
Người trồng rau... phấn khởi


Hai ngày qua nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL đã xuất hiện mưa chuyển mùa trên diện rộng. Khoảng 8h sáng ngày 6/4, một cơn mưa khá lớn trút nước ào ào xuống địa bàn huyện Ngã Năm, Thạnh Trị, Mỹ Tú, TP Sóc Trăng (Sóc Trăng), Hồng Dân, Phước Long, Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), thị xã Vị Thanh, huyện Long Mỹ của tỉnh Hậu Giang.

Chị Huỳnh Thị Thùy Trang ở xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) cho biết 6 công mía non sau nhà sắp chết khô đã được “giải hạn” bằng cơn mưa kéo dài hơn 30 phút vào sáng ngày 6/4. Đây chính là “cơn mưa vàng” đối với hàng ngàn nông dân trồng rau cải và lúa vụ ba ở khu vực ĐBSCL vì hai tuần qua nắng quá nóng và nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Ông Trần Thanh Sang ở xã Đại Tâm (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) phấn khởi: “Nhờ cơn mưa hôm qua và sáng nay nên rẫy hẹ của tôi đã được “trời cứu”. Nếu mưa thêm vài ngày nữa sẽ rất có lợi cho người trồng rẫy”.

Người nuôi tôm... méo mặt!

Nếu như những hộ trồng lúa, rau màu vui mừng với những cơn mưa chuyển mùa thì người nuôi tôm ở ĐBSCL lại… méo mặt.

Nước mưa sẽ gây nên tình trạng “sốc nước” do môi trường bị thay đổi đột ngột. Theo thống kê của ngành thủy sản tỉnh Sóc Trăng, nếu như tuần trước chỉ có khoảng 1.000ha tôm sú bị thiệt hại thì đến ngày 6/4, đã có trên 1.700ha tôm bị chết, chiếm khoảng 10% diện tích đã được thả nuôi.

Hiện độ pH trong các ao nuôi tôm đã tăng quá cao, nay lại gặp phải những cơn mưa chuyển mùa đột ngột nên vài ngày tới, diện tích tôm sú bị thiệt hại ở các tỉnh ĐBSCL có thể sẽ tăng cao.

Ông Phạm Hữu Lai - Phó Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh Sóc Trăng - cho rằng, môi trường nước có độ pH trung tính là thích hợp nhất đối với con tôm. Do đó, người nuôi tôm hiện nay luôn tìm cách để giữ độ pH trong ao tôm từ 7-8,5; nếu ao nước ngọt nên giữ độ pH = 7 (trung tính) là tốt nhất. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy hiện có một số đầm tôm xuất hiện quá nhiều rong “đuôi chồn” dưới đáy ao, độ pH tăng lên đến 9 nên tôm sú rất khó sống.

Để cứu những ao tôm này ngành thủy sản khuyên người nuôi phải nhanh chóng vớt rong đưa lên bờ và đặc biệt là không nên xử môi trường nước bằng hóa chất trong giai đoạn này sẽ rất dễ gây chết tôm.




Nguồn: vietnamnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường