Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nâng cao hiệu quả sản xuất lương thực
07 | 10 | 2007
Việc có đủ lương thực để nuôi sống sáu tỷ người trên hành tinh hiện nay, 9 tỷ người trong vòng 50 - 100 năm tới là vấn đề được cả thế giới hết sức quan tâm. Nâng cao hiệu quả sản xuất lương thực, xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch phát triển kinh tế của nhiều quốc gia.

Những thách thức...

Phát biểu ý kiến khai mạc Ðại hội quốc tế về lúa họp tại thủ đô New Delhi, Ấn Ðộ (ngày 9 và 13-10) với sự tham gia của hàng trăm nhà nghiên cứu, kinh doanh lúa, gạo châu Á và thế giới, Thủ tướng nước chủ nhà M. Singh cho biết, tỷ lệ bình quân lúa gạo của thế giới tăng 2,34%/năm, từ 50 kg/người những năm 60 của thế kỷ trước lên 62 kg/người năm 2003-2004, tuy nhiên 815 triệu người ở các nước đang phát triển thiếu ăn, suy dinh dưỡng mỗi năm cướp đi sinh mạng sáu triệu trẻ em.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), hiện nay 40 nước (15 nước ở châu Phi) thiếu lương thực trầm trọng; sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm nay đạt hơn hai tỷ tấn, sụt 1,6% so với năm 2005; tình hình an ninh lương thực thêm bất ổn do nhiều nguyên nhân.

Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc thiên nhiên. Thời tiết bất thường năm nay gây thiệt hại đáng kể đối với nền nông nghiệp toàn cầu. Hồi tháng 7, khi nắng nóng xảy ra tại nhiều nước châu Âu (nhiệt độ nhiều nơi cao kỷ lục - hơn 40 độ C) gây hạn nặng, cháy rừng lan rộng, hàng loạt nước phải báo động khẩn cấp về ô nhiễm không khí, tiết kiệm nước, v.v. Pháp, Hà Lan, Latvia, Ba Lan... cầm chắc vụ mùa này thất thu.

Tại Australia, thời tiết nóng khác thường từ tháng 7 đến tháng 9 (tại Melbourne nhiệt độ trung bình 30 độ C so với mức bình thường 19,7 độ C) báo hiệu hiện tượng El Nino xuất hiện trở lại, hậu quả là hạn ở các bang Queensland, Victoria, Nam Australia, Tasmania nghiêm trọng hơn, dự báo sản lượng lúa mì vụ đông của cả nước giảm một phần ba, sản lượng len giảm 6%.

Tại Mỹ, vùng đồng bằng lớn ở các bang dọc miền trung, từng là sa mạc, nhờ phát triển hệ thống tưới tiêu đã trở thành vùng sản xuất lương thực chính của cả nước. Mùa hè nóng nhất trong vòng 70 năm qua gây hạn nghiêm trọng tại đây khiến nông dân Mỹ lo vì "đói nước" vùng đồng bằng lớn này sẽ mất vị thế là một trong những khu vực dẫn đầu thế giới về sản xuất lúa mì, thịt bò, dầu thực vật và các loại cây màu khác.

Xu hướng phát triển nhiên liệu sinh học tác động sản xuất nông nghiệp. Reuters dẫn ý kiến các nhà phân tích cho rằng, kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh hai năm qua đã duy trì nhu cầu tiêu thụ ngũ cốc ở mức cao, nhưng nguồn dự trữ lúa mì làm thức ăn gia súc có hạn đã làm tăng nhu cầu đối với ngô và các loại ngũ cốc khác. Do sản xuất ethanol từ thực vật phát triển mạnh và nhu cầu tiêu thụ thịt tăng, việc sử dụng ngũ cốc, nhất là ngô làm thức ăn gia súc trở nên phổ biến.

Năm ngoái Trung Quốc có vụ ngô bội thu, năm nay nước này có cơ hội xuất khẩu ngô và tăng gấp ba lần sản lượng ethanol vào năm 2010. Theo Ủy ban châu Âu, năng lực sản xuất ethanol của EU có thể nâng từ 1,76 triệu tấn hiện nay lên 5,5 triệu tấn năm 2008. Ác-hen-ti-na công bố kế hoạch tăng mạnh sản lượng ngô để sản xuất ethanol. Ngô là nguồn sản xuất ethanol ở Mỹ nên nông dân được khuyến khích mở rộng diện tích ngô trong vụ tới.

Dầu cọ cũng "lên ngôi". Theo Tạp chí phố Wall, giá dầu tăng cao và việc các nước khuyến khích sử dụng dầu thực vật làm nhiên liệu thay thế rẻ hơn và sạch hơn đã đẩy giá dầu cọ lên cao. Tại Malaysia "Ðồn điền Hy vọng Vàng" là một trong những dự án dầu diesel sinh học lớn nhất sẽ đi vào hoạt động trong năm 2008. Công ty Năng lượng Bio có trụ sở tại Luân Ðôn triển khai một loạt dự án phát triển dầu cọ tại bang Saba, miền đông Malaysia; dự án đầu tiên sẽ đi vào khai thác trong năm tới.

Tại Indonesia, các công ty Wilmar Bioenergie Indonesia và Etermindo Wahanatama có kế hoạch mở rộng diện tích trồng cọ tại các đảo Sumatra và Java để sản xuất nhiên liệu sinh học. Một số nước châu Âu dự kiến tiếp tục hỗ trợ phát triển nhiên liệu sinh học để cải thiện an ninh nhiên liệu. Theo Công ty Chứng khoán Macquarie Securities, với nhu cầu năng lượng chiếm 40% tăng trưởng nhu cầu dầu cọ thô, nhu cầu dầu cọ năm tới có thể tăng 50%. Từ năm 1991 đến nay thị phần dầu cọ thô trên thị trường dầu ăn thế giới tăng từ 14% lên 24%; giá dầu cọ thô sẽ lên tới 470 USD/tấn trong năm 2008 (trước dự đoán là 400 USD/tấn). Malaysia và Indonesia lo ngại nhu cầu nhiên liệu sinh học "lấn sân" nguồn cung dầu ăn từ dầu cọ ảnh hưởng tình hình lương thực.

Các đại biểu dự cuộc họp của Hội đồng đối tác về nghiên cứu lúa tại châu Á (CORRA) họp tại New Delhi ngày 14-10 chỉ rõ ba thách thức cơ bản đối với các quốc gia trồng lúa hiện nay là bảo đảm phát triển bền vững tại vùng trồng lúa; tăng cơ hội tiếp cận thông tin cho nông dân; thu hút thanh niên quan tâm nghề trồng lúa.

...Và giải pháp tháo gỡ

LHQ có nhiều biện pháp hỗ trợ các nước sản xuất lương thực, xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ. Theo ông L.Bage, Chủ tịch Quỹ quốc tế của LHQ về phát triển nông nghiệp (IFAD) 75% số người nghèo nhất thế giới sống phụ thuộc nông nghiệp, để giảm 1/2 tỷ lệ người nghèo đói vào năm 2015, cộng đồng quốc tế phải tập trung đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn của các nước đang phát triển.

Ðầu tư cho nông nghiệp vì an ninh lương thực là chủ đề Ngày Lương thực thế giới (16-10) năm nay do LHQ đưa ra vì cho rằng nông thôn là nơi cần được cung cấp lương thực và tạo việc làm hơn cả. Từ năm 1964, FAO đã giúp 165 nước khoảng 80 tỷ USD thực hiện gần 1.600 dự án phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Ngày 27-9 vừa qua LHQ triển khai giai đoạn hai Dự án hỗ trợ thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp của các nước nghèo dưới tên gọi Nghiên cứu trực tuyến toàn cầu về nông nghiệp (AGORA) nhằm tạo thuận lợi cho giới nghiên cứu ở hơn 100 nước nghèo truy cập miễn phí những tạp chí chuyên ngành về nông nghiệp, lương thực và thực phẩm.

Ra đời năm 2003 AGORA đã thu hút 37 nhà xuất bản khoa học hàng đầu thế giới phục vụ thông tin cho 69 nước có thu nhập thấp và đã cung cấp hơn 900 tạp chí chuyên ngành cho 850 viện nghiên cứu nông nghiệp. FAO dự định trong giai đoạn hai của dự án sẽ hỗ trợ hàng nghìn viện nghiên cứu khoa học khắc phục tình trạng "đói thông tin" để giúp 37 nước nghèo khác cải thiện tình hình nông nghiệp.

FAO cảnh báo thế giới đối mặt thách thức lớn khi sản lượng ngũ cốc giảm mà dân số tăng thêm gần 80 triệu người. Năm 1999 dự trữ lương thực của thế giới bảo đảm 33% nhu cầu toàn cầu, nay chỉ bảo đảm 20%. Cuộc Cách mạng Xanh lần thứ nhất thời kỳ 1950-1960, thông qua ứng dụng thành tựu khoa học trong nông nghiệp, nhất là sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu, đã tăng sản lượng lương thực hai lần.

Tuy nhiên, những sản phẩm trên gây ô nhiễm môi truờng, cùng với biến đổi khí hậu đe dọa các nguồn tài nguyên nên bảo vệ môi trường được coi là trọng tâm trong Cách mạng Xanh lần thứ hai mà FAO vừa phát động. Lần thứ nhất chỉ thuần túy kỹ thuật, lần này chú trọng công tác quản lý, điều hành và phân bổ tài nguyên. Những năm 40-60 của thế kỷ 20 Quỹ Rockefeller và Quỹ Ford dành 600 triệu USD giúp châu Á và Mỹ la-tinh thực hiện Cách mạng Xanh. Quỹ Rockefeller và Quỹ Bill & Melinda Gates vừa lập Liên minh vì Cách mạng Xanh ở châu Phi, dành 150 triệu USD để nâng cao khả năng cung cấp và đa dạng hóa giống cây trồng, tiêu thụ nông sản và hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nông dân, phát triển chăn nuôi nhỏ giúp hàng chục triệu người Phi cải thiện cuộc sống.

IFAD giữa tháng 9 nhận số vốn cam kết 720 triệu USD (lớn nhất trong lịch sử quỹ từ khi thành lập năm 1981) hỗ trợ phát triển nông nghiệp trong ba năm 2007 - 2009 đối với các nước đang phát triển có thu nhập thấp cải thiện điều kiện sống của nông dân, xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Các nước ngày càng chú trọng việc canh tác lúa. Tại Ðại hội quốc tế về lúa tại New Delhi, Giám đốc Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) R.S.Zeigler công bố Kế hoạch chiến lược mới của IRRI giai đoạn 2007 - 2015, kêu gọi tăng đầu tư cho nông nghiệp. Tuyên bố New Delhi nhất trí thành lập đối tác toàn diện giữa các nước để tăng cường nghiên cứu về lúa, thúc đẩy nỗ lực trong các lĩnh vực xã hội, văn hóa và con người.

Tại Trung Quốc, theo Ủy ban Cải cách Nhà nước, quy mô sản xuất của hộ nông dân quá nhỏ (bình quân 0,5 ha/hộ, quy mô sản xuất cả xã của Trung Quốc mới bằng của một hộ ở Mỹ hoặc Canada ); việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp hạn chế; nông nghiệp phụ thuộc tài nguyên và thị trường, do đó giá thành sản phẩm tăng dẫn đến lãi thấp, thu hồi vốn chậm. Việc tập trung giải quyết ba vấn đề trên được coi là cấp bách để bảo đảm nông nghiệp thật sự đóng vai trò nâng đỡ tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Ấn Ðộ M. Singh nhấn mạnh thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nêu rõ canh tác lúa có thể giải quyết các mối lo ngại liên quan an ninh lương thực. Tổng thống J. Chirac phác họa chiến lược nông nghiệp của Pháp trong tương lai gắn với bảo vệ môi trường, dựa vào nghiên cứu và sáng tạo hỗ trợ phát triển lâm nghiệp và ngành "hóa xanh" (hóa chất làm từ thực vật), theo đó khuyến khích sử dụng bột giặt làm bằng thực vật, túi "nhựa sinh học" chế từ bột cây.

Ông Chirac thúc giục EU mở rộng Chính sách nông nghiệp chung để sử dụng rộng rãi sản phẩm nông nghiệp cho mục đích phi thực phẩm. 66 tổ chức nông dân và thổ dân 15 nước dự Hội nghị quốc tế về Cải cách nông nghiệp toàn diện ở Mỹ la-tinh ra tuyên bố khẳng định cải cách nông nghiệp toàn diện có quan hệ trực tiếp đến an ninh và chủ quyền lương thực của các dân tộc, là biện pháp cần thiết để giải quyết tình trạng nghèo khổ của đại bộ phận nhân dân các nước trong khu vực.

Việt Nam, một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Mô hình hợp tác ba bên Việt Nam - LHQ - một nước châu Phi, được LHQ và các nước đang phát triển đánh giá cao, đề nghị nhân rộng. Thái-lan vừa đề xuất lập Trung tâm nghiên cứu công nghệ sinh học chung với Việt Nam nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng vị thế gạo xuất khẩu của hai nước trên thị trường thế giới.

Việc Hội đồng đối tác về nghiên cứu lúa tại châu Á (CORRA) vừa họp tại New Delhi nhất trí để Việt Nam đăng cai Hội nghị nghiên cứu lúa quốc tế (IRRC) lần thứ 27 trong năm tới thể hiện cộng đồng quốc tế đánh giá cao thành tựu nông nghiệp của Việt Nam.



(Nguồn tin: Nhân Dân)
Báo cáo phân tích thị trường