Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp kêu trời vì ngân hàng
28 | 04 | 2008
Doanh nghiệp (DN) chưa hết sốc vì ngân hàng (NH) siết tín dụng VND thì mới đây NH lại siết cho vay bằng ngoại tệ. Nhiều DN than lúc này đến NH chỉ nghe hết vốn, hạn chế, trần lãi suất, cấm cho vay...

Quá nhiều cái khó đang dồn dập đổ lên DN, DN kêu nhưng NH thương mại chỉ tay về NH Nhà nước.

Quản lý kiểu "chăm em"

Một phó chủ tịch hội đồng quản trị NH có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng cho biết thời gian gần đây ngày nào NH Nhà nước cũng kiểm tra mức tăng dư nợ tín dụng của NH. Chỉ cần NH có dấu hiệu vượt 30%/năm là NH Nhà nước liền nhắc nhở.

Khuyến khích nhập khẩu?

Phó tổng giám đốc một NH cho biết với chính sách mới về cho vay ngoại tệ, DN nhập khẩu được NH đáp ứng ngay ngoại tệ vì quyết định 09 của NH Nhà nước không hề có qui định hạn chế đối tượng, chỉ cần có hợp đồng nhập khẩu là NH cho vay. Ngược lại, cánh cửa cho vay ngoại tệ thì "đóng sập" với các DN xuất khẩu.

Hiện nay, hằng ngày vào buổi chiều, các NH thương mại phải báo cáo về NH Nhà nước một số thông tin để nơi này… quản lý. Với cách quản lý kiểu "chăm em" này, không NH nào dám cho vay vượt quá chỉ tiêu của NH Nhà nước. NH đã gặp phải sự phản ứng dữ dội từ phía người vay tiền. "Nhiều khách hàng đã mắng NH làm ăn không thủy chung! Trước đây thì mời gọi chúng tôi đến vay vốn, khi DN chuyển tất cả hoạt động vay vốn về NH thì lại đóng cửa, không cho vay!" -  vị phó chủ tịch NH này than thở.

Một NH cổ phần cho biết NH Nhà nước khống chế dư nợ cho vay không vượt quá 30% so với cuối năm 2007. Thế nhưng chưa đầy bốn tháng đầu năm, một số NH đã "xài" gần hết chỉ tiêu này. Vì vậy, DN có "mắng" thì cũng chịu vì NH sợ NH Nhà nước "thổi còi". Một NH khác cho biết có vốn nhưng cũng không cho vay vì vướng tỉ lệ 30%. Có NH cho biết  từ tháng 2-2008 đến nay NH chỉ lo thu hồi nợ để kéo dư nợ tín dụng về chỉ tiêu 30%. Việc cho vay chỉ cầm chừng.

Ở một số NH nhỏ gặp khó khăn về thanh khoản thì lúc này chỉ lo tìm vốn để trả nợ, còn đâu vốn để cho vay. Chưa kể một số NH lại lo huy động vốn để đảm bảo mức dự trữ bắt buộc theo yêu cầu của NH Nhà nước. Một NH cho biết  NH Nhà nước đã cảnh báo nếu không đáp ứng được tỉ lệ này thì NH đó sẽ bị xử lý hành chính, điều đó cũng có nghĩa là sau này  gặp khó khăn khi xin phép mở rộng hoạt động.

Khó cho DN xuất khẩu

Ngay sau khi NH Nhà nước ban hành quyết định 09 về hạn chế cho vay ngoại tệ, một loạt DN xuất nhập khẩu đã không đồng tình. Ông Đỗ Hà Nam, tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Intimex, cho rằng với chính sách cấm cho vay ngoại tệ sẽ đẩy chi phí tăng, lợi nhuận giảm và mất tính cạnh tranh. Theo ông Nam, lãi suất vay VND hiện lên đến 1,6%/tháng (trên 19%/năm), trong khi vay ngoại tệ chỉ 6,5-7%/năm. Chưa kể hiện nay các NH cũng đang siết chặt tín dụng nên DN cũng khó vay VND. Khó khăn nhất rơi vào các DN sản xuất hàng xuất khẩu vì chi phí lãi suất chiếm phần lớn trong chi phí sản xuất của DN. Theo ông Nam, có thể các DN sẽ phải tính toán lại kế hoạch xuất khẩu, những lô hàng nào đã lỡ xuất thì chấp nhận lỗ, tới đây phải tính lại giá thành sản phẩm cũng như nhắm xuất khẩu lô hàng nào có lãi đủ để bù lãi suất thì mới làm.

Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, với các DN xuất khẩu thủy sản phần lớn nguyên phụ liệu sử dụng trong nước có thể vay bằng tiền đồng để kinh doanh nên không bị ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, ông Nam cũng thừa nhận việc hạn chế cho vay bằng ngoại tệ khiến các DN mất đi cơ hội tiết giảm chi phí sản xuất từ việc vay ngoại tệ lãi suất thấp.

Theo một DN xuất khẩu dệt may ở TP.HCM, ngành dệt may chiếm trên 80% là nguyên phụ liệu nhập từ nước ngoài sẽ gặp không ít khó khăn khi không được vay ngoại tệ. Đơn cử, DN có nguồn thu ngoại tệ xuất khẩu khoảng 1 triệu USD, tạm thời DN vay 800.000 USD của NH qua chiết khấu bộ chứng từ xuất khẩu và bán số ngoại tệ này lại cho NH lấy tiền đồng kinh doanh hoặc nhập phụ kiện sản xuất. Còn hiện nay các DN xuất khẩu chỉ được chiết khấu bộ chứng từ bằng tiền đồng, rồi phải mua ngoại tệ của NH để nhập hàng.

Sau khi thu được ngoại tệ xuất khẩu phải bán lại cho NH để lấy tiền đồng trả nợ NH. Với cách làm lòng vòng này gây không ít khó khăn cho các DN trong việc tính toán tỉ giá cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đặc biệt các DN bị thiệt lớn khi vay tiền đồng lãi suất cao hơn nhiều so với vay ngoại tệ.

Một số NH cho rằng NH Nhà nước cần sớm hướng dẫn qui định mới theo hướng gỡ bớt khó khăn cho DN xuất khẩu.

Hạn mức "cứng" khỏe cho NH Nhà nước

Nhiều NH cho biết không thể cho vay vì hạn mức tín dụng mà NH Nhà nước đưa ra là quá cứng, cào bằng giữa các NH. Trong khi nhiều NH qui mô lớn, nhất là NH thương mại nhà nước không sử dụng hết thì nhiều NH cổ phần muốn cho vay nhưng lại vướng trần 30%. Qui định này không phù hợp với từng NH vì có những NH có thế mạnh về cho vay có thể cho vay cao hơn mức 30%, trong khi có NH chỉ mạnh về huy động vốn, ít cho vay nên không sử dụng hết tỉ lệ 30%.

Các NH đề nghị phải điều hành theo hướng mức tăng tín dụng chung của nền kinh tế là 30% chứ không nên "canh cửa" từng NH. Cách làm này cực cho NH Nhà nước nhưng xã hội và DN được lợi.



Nguồn: Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường