Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bài học từ AceCook
08 | 07 | 2008
Không phải doanh nghiệp (DN) Nhật Bản nào khi tới Việt Nam cũng có tiềm lực tài chính hùng mạnh, nguồn vốn quy mô nhưng vì sao họ vẫn thành công và ngày càng “ăn nên làm ra” trên “đất khách quê người”? “Cái đầu” hay “tinh thần người Nhật” giúp họ trụ vững? Câu trả lời là cả hai.

Để có được thành công tại Việt Nam, nhiều doanh nhân Nhật Bản cũng phải lăn lộn tìm kiếm “nhà tài trợ”, tận dụng cả nguồn lực tại chỗ. Câu chuyện kinh doanh của AceCook Việt Nam có thể là bài học quý cho các DN Việt Nam còn đang loay hoay vì thiếu vốn hiện nay.

Thông thường để giải quyết bài toán thiếu vốn, các DN Việt Nam có xu hướng tìm đến các đối tác nước ngoài, bắt tay liên doanh. Theo ông Shoichi Namie, tổng giám đốc Công ty AceCook Việt Nam, giải pháp “truyền thống” này đã bỏ qua những nguồn vốn tại chỗ vì “thực tế còn rất nhiều nhà đầu tư Việt Nam đang sở hữu nguồn vốn lớn nhưng chưa biết đầu tư để sinh sôi”. AceCook hiểu được điều này vì chính họ đã nhận được sự hỗ trợ từ một doanh nhân người Việt để vượt qua giai đoạn khởi nghiệp đầy gian truân vì thiếu vốn.

AceCook có mặt tại Việt Nam từ năm 1993 nhưng dưới hình thức liên doanh Vifon Acecook vì Vifon nắm 40% cổ phần. Tới năm 1995, Cty quyết định đầu tư sản xuất sản phẩm mì ăn liền Hảo Hảo. Sản phẩm mới ra đời đã nhận được sự chào đón của người dân, song sức sản xuất lại không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. DN muốn mở rộng quy mô nhưng thiếu vốn vì theo tiêu chí kinh doanh của công ty mẹ tại Nhật Bản, DN con không được nhận trợ giúp về vốn mà phải tự xoay xở lấy ở địa bàn mới. Họ gõ cửa khắp các ngân hàng từ Nhật Bản tới Việt Nam nhưng đều bị từ chối cho vay vì không có bảo lãnh từ công ty mẹ của Acecook tại Nhật Bản.

Câu chuyện sẽ đi vào ngõ cụt nếu như Cty không tìm được một “Mạnh Thường Quân” người Việt quê ở Hưng Yên. Dù không kinh doanh mì ăn liền nhưng sau khi nghe AceCook thuyết trình về dự án, doanh nhân này đã quyết định đầu tư theo phương thức cho liên doanh AceCook thuê lại mặt bằng và cơ sở sản xuất với giá thấp gồm: Một nhà máy tại Hưng Yên và ba dây chuyền sản xuất mì ăn liền. Bằng cách sản xuất tại chỗ, AceCook tiết kiệm được chi phí vận chuyển từ nhà máy tại Tp.HCM ra Hà Nội (chi phí này thường chiếm 10% giá bán).

Chất lượng cộng với giá thành hợp lý, Hảo Hảo trở thành sản phẩm chiến lược mang lại lợi nhuận cho Cty. Sau sáu năm đồng vốn ban đầu ngày càng sinh sôi, Cty đã có 30 dây chuyền sản xuất, từ một nhà máy đã phát triển thành tám nhà máy. Đến năm 2003, Acecook đã đủ lực mua lại các nhà máy đã thuê. Trước đó một năm, họ cũng mua lại 40% số vốn góp của Vifon ở đây để trở thành công ty 100% vốn nước ngoài. Hiện Ace Cook Việt Nam đã trở thành Cty sản xuất mỳ ăn liền đứng đầu ở Việt Nam với 70% thị phần, doanh thu hàng năm khoảng 4.500 tỷ đồng, xuất khẩu tới 30 nước trên thế giới.

Kinh nghiệm thành công của AceCook Việt Nam chính là biết tận dùng nguồn vốn địa phương để kinh doanh hiệu quả. Đây thực sự là bài học quý giá với mỗi DN Việt Nam trong bối cảnh kinh tế khó khăn, DN thiếu vốn và khó vay ngân hàng như hiện nay. Một chi tiết được ông Shoichi Namie tiết lộ thêm, ấy là Ace Cook Việt Nam tuy là DN 100% vốn nước ngoài nhưng 99,9% nguồn nhân lực hiện có là người Việt, duy nhất Tổng Giám đốc là người Nhật. Sử dụng nguồn lao động tại địa phương cũng là chiến lược riêng mà Cty áp dụng nhằm tận dụng nguồn lao động tại chỗ, tạo nên môi trường làm việc “thuần Việt” để hoà nhập và gây dựng hình ảnh DN thân thiện với người dân Việt Nam.

Người Nhật Bản đã làm và đã thành công với việc “địa phương hoá trong kinh doanh” thì tại sao với “cái đầu” và “tinh thần người Việt”, các DN Việt Nam không tận dụng nguồn vốn của chính các nhà đầu tư đồng hương với mình?



Nguồn: Kinh tế & Đô thị
Báo cáo phân tích thị trường