Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không thể để nông dân tự "bơi"
07 | 07 | 2008
Hầu hết các nhà khoa học, nhà quản lý ở ĐBSCL đều bày tỏ sự lo ngại trước thực trạng nông dân ồ ạt phá bỏ rừng tràm, vườn cây ăn trái, đầm tôm, ao cá để trồng lúa. Điều này không chỉ phá vỡ qui hoạch vùng và địa phương mà còn gây thiệt hại cho chính người nông dân.
Nhưng làm gì để nông dân thoát khỏi vòng luẩn quẩn đó? Dưới đây là ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý khi trao đổi cùng Tuổi Trẻ.

TS Nguyễn Minh Châu (viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam):

Phải tổ chức lại sản xuất

Từ năm 1999 Chính phủ đã có nghị quyết về vùng chuyên canh cây ăn trái, nhưng mười năm rồi vẫn chưa làm được. Không có qui hoạch khả thi, không có chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp (DN), nên việc họ tự "bơi" trong cái lòng luẩn quẩn "trồng - chặt" không là chuyện lạ nữa.

ĐBSCL có rất nhiều loại cây ăn trái chất lượng cao, nên việc qui hoạch các vùng chuyên canh là cần thiết và phải làm ngay. Mỗi tỉnh chỉ nên chọn 1-2 loại trái cây đặc sản, giá trị kinh tế cao để qui hoạch, đầu tư thỏa đáng. Chẳng hạn Tiền Giang qui hoạch vùng trồng vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, sơri Gò Công; Long An thì có thanh long; Vĩnh Long có cam sành, bưởi Năm Roi; Bến Tre có bưởi da xanh, sầu riêng...

Muốn làm được điều này, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cây giống tốt, tập huấn cho nông dân sản xuất theo qui trình, có chính sách hỗ trợ DN để họ xây dựng nhà đóng gói và bảo quản trái cây ngay tại vùng chuyên canh.

Về phía nông dân, chính quyền phải giúp họ thành lập các hợp tác xã (HTX) giống như HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, HTX xoài cát Hòa Lộc ở Tiền Giang. Chỉ có như vậy mới tạo ra được vùng nguyên liệu lớn để tổ chức sản xuất theo qui trình hiện đại, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu số lượng lớn của các DN. Sau đó, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ vốn, cây giống... để nông dân sản xuất đúng qui hoạch đã công bố.

Ở New Zealand nông dân không phải muốn trồng cây gì thì trồng mà phải trồng theo qui hoạch của nhà nước. Các tỉnh ĐBSCL cũng cần phải học tập cách làm này nhưng theo mô hình HTX kiểu mới, tức là đất của ai thì người đó tự sản xuất, nhưng phải trồng cùng loại cây, cùng qui trình. Và quan trọng là khi đã qui hoạch thì phải có người chịu trách nhiệm thực hiện và có thời gian hoàn thành chứ không nên nói suông.

Ông Nguyễn Minh Nhị (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang):

Cần một "nhạc trưởng" trong qui hoạch

Chuyện khủng hoảng đầu ra cho con cá tra, cá ba sa hiện nay đã được cảnh báo từ năm ngoái, khi giá cá tra, cá ba sa có lúc lên tới 17.000-18.000đ/kg, mọi người đổ xô đào ao nuôi cá, vượt ngoài tầm kiểm soát của chính quyền. Cho nên bây giờ cá đến lứa không tiêu thụ hết, DN chế biến thủy sản đổ thừa tại chất lượng cá kém, tại ngư dân sản xuất dư thừa nhiều quá, ráng chịu. Nhưng hỏi lại thừa bao nhiêu thì cả "ông" DN lẫn "ông" Nhà nước đều bí, không trả lời được. Dân trong nghề nói với tôi bốn tháng nữa chưa tiêu thụ hết lượng cá sồ (cá quá lứa - PV)!

Ở đây trách nhiệm chính là cấp quản lý địa phương. Do thiếu thông tin, thông tin không trung thực, ai cũng thấy cần có một "nhạc trưởng", nhưng rồi mạnh địa phương nào địa phương nấy qui hoạch mà không có cái nhìn toàn cục. Sản lượng cá tăng gấp đôi, gấp ba lần, trong khi nhu cầu thị trường chỉ tăng hơn 10% thì kiểu gì không "chết". Thứ đến là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT. Lẽ ra với vai trò quản lý ngành dọc, bộ phải đứng ra làm qui hoạch, phân bổ diện tích, sản lượng nuôi cho từng địa phương trên cơ sở nắm sát nhu cầu thị trường và đặc điểm, lợi thế của từng tỉnh. Có chỉ tiêu kế hoạch rồi, tỉnh mới giao lại cho DN chế biến thủy sản và hiệp hội nghề nuôi thủy sản của địa phương triển khai thực hiện. Chỉ trong vùng qui hoạch mới được nuôi và có hợp đồng tiêu thụ hẳn hoi, còn ai nuôi trái qui hoạch thì xử phạt.

Gốc của vấn đề là sản xuất phải trên cơ sở nhu cầu thị trường. Khi đã biết nhu cầu thị trường, Bộ NN&PTNT phải thể hiện vai trò quản lý ngành, thông qua việc kiểm soát diện tích, sản lượng nuôi ở từng địa phương và đích thân bộ trưởng sẽ chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.

TS Lê Văn Bảnh (viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL):

Nên theo mô hình kinh tế hợp tác, trang trại

Việc nông dân phá vườn hay ao cá làm lúa hiện nay có thể hiểu được là giá cá thấp, vườn không hiệu quả trong khi đầu tư cho những hoạt động sản xuất này rất lớn, rủi ro sẽ cao hơn. Trong khi nếu trồng lúa, đầu tư ít nên rủi ro cũng thấp (theo từng vụ), nếu giá thấp họ có thể giữ lại để ăn trong khi những thứ kia không bán được thì chỉ có mất trắng!

Đầu ra cho nông sản không rõ ràng và chưa ổn định khiến thu nhập của nông dân phụ thuộc vào sự định đoạt của DN khiến họ không yên tâm sản xuất, dễ dao động, thấy cái nào hiệu quả là họ làm theo. Nhà khoa học chỉ có thể giúp nông dân về mặt khoa học, kỹ thuật nuôi trồng, còn khi ra sản phẩm thì lại không có ai hỗ trợ nông dân cả. Nói là liên kết bốn nhà nhưng rõ ràng đang bị tắc ở nhà tiêu thụ.

Chính vì vậy, việc qui hoạch lại khâu sản xuất nông nghiệp phải được tiến hành ngay. Sản xuất nên theo mô hình kinh tế hợp tác, trang trại (hiện tại là sản xuất nhỏ lẻ theo nông hộ). Khi đó mỗi người dân sẽ có ý thức tự học, nâng cao trình độ sản xuất. Chúng ta sẽ có sản phẩm nhiều và đồng bộ, từ đó hình thành một khâu lưu thông linh hoạt và chủ động, qua đó đảm bảo giá trị sản phẩm do người nông dân làm ra (hiện do thương lái thao túng). Phải có khâu sơ chế để bảo quản sản phẩm khi cần thiết. Tất cả phải tạo thành một hệ thống liên hoàn từ khâu nuôi trồng đến đầu ra cho sản phẩm. Nhà khoa học hỗ trợ nông dân về mặt kỹ thuật, Nhà nước hỗ trợ vốn, nhà nông trực tiếp nuôi trồng và DN chịu trách nhiệm đầu ra, từ đó mới tạo ra khả năng ổn định cả về mặt giá cả nông sản và diện tích nuôi trồng.

Khâu lưu thông phân phối cũng phải tổ chức lại. Hiện cá tra đang ứ đọng, đó là hệ quả của việc làm theo phong trào. Ở Đài Loan, DN sẽ đặt ra giá sàn để thu mua nông sản của nông dân dự trữ trong kho, sau đó sẽ tiến hành đấu giá. Phần lời ngoài giá sàn sẽ được chia theo tỉ lệ giữa DN và nông dân. Ở VN mình cũng có chợ đầu mối nông sản nhưng đó chỉ là nơi mua và bán, nông dân đem nông sản tới bán, không ai mua thì thôi chứ không có kho lưu trữ bảo quản, không có gì đảm bảo cả.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Khang (giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang):

Không phải đất nào cũng có thể trồng lúa

Việc nông dân ĐBSCL thấy giá lúa tăng cao mà đổ xô phá rừng, phá vườn cây ăn trái để chuyển sang trồng lúa như hiện nay thật sự là điều đáng lo ngại vì không phải vùng đất nào cũng trồng lúa được. Những vùng đất trồng tràm thường bị nhiễm phèn nặng, rất khó hoặc không thể trồng lúa. Để chuyển một số vùng chuyên trồng tràm ở Tiền Giang và Long An sang trồng lúa, nông dân phải bỏ ra chi phí rất lớn để đốn bỏ và nhổ gốc tràm lên. Sau đó phải mất khoảng một năm cải tạo đất phèn mới có thể trồng lúa được.

Trong những năm đầu tiên chắc chắn năng suất lúa sẽ không cao. Và với giá vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay, nếu năng suất lúa không hơn 4 tấn/ha, nông dân sẽ bị lỗ nặng. Ngay cả một số vùng Đồng Tháp Mười trước đây trồng tràm, sau đó chuyển sang lúa, nhưng phải mất cả chục năm cải tạo đất mới làm được 2-3 vụ/năm. Đó là chưa kể trường hợp đến một lúc nào đó giá lúa không còn "sốt" như bây giờ nông dân sẽ tiếp tục gánh hết hậu quả của việc "chạy" theo thị trường.



Nguồn: Tuổi trẻ
Báo cáo phân tích thị trường