Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghèo vì dự án... xoá nghèo
08 | 07 | 2008
Tưởng rằng cây mít nghệ sẽ là "cần câu cơm" xoá nghèo, nhiều đoàn viên thanh niên tỉnh Bình Phước (BP) đã lao vào tham gia dự án trồng cây mít nghệ cao sản.
Có ai ngờ, sau hơn 3 năm, cây mít nghệ... không cao sản, chẳng xoá hết nghèo, mà còn làm cho nhiều người nguy cơ trắng tay, sau khi gây lãng phí của Nhà nước hàng trăm triệu đồng...

60.000 cây mít nghệ và gần... 950 triệu đồng

Tháng 3.2004, dự án "Xây dựng mô hình phát triển cây mít nghệ cao sản cho đoàn viên thanh niên các xã nghèo tỉnh BP" được hình thành. Chủ quản dự án là Sở KHCN tỉnh đã giao cho Tỉnh đoàn BP thực hiện dự án. Viện KHKT nông nghiệp Miền Nam có trách nhiệm chuyển giao công nghệ. Dự án trồng cây mít nghệ cao sản, ngay từ đầu đã trở thành sự kỳ vọng lớn lao của Tỉnh đoàn BP.

Theo đó, dự án nhằm mục đích chuyển giao 60.000 cây mít nghệ cao sản, thực hiện trong 3 năm, mỗi năm 20.000 cây cho các đoàn viên thanh niên của 5 - 8 huyện, thị trong tỉnh. Hồ sơ dự án tính toán chi phí mỗi năm cho việc trồng 20.000 cây mít nghệ tốn kém ngót nghét hơn 252,8 triệu đồng. Tổng chi phí trồng 60.000 cây, cho 3 năm, hơn 946,4 triệu đồng.

Trong đó, chi phí mua cây giống (10.000 đồng/cây), vật tư, phân bón... chiếm 758,6 triệu đồng. Riêng chi phí cho cái gọi là "thuê khoán chuyên môn" chiếm hết 168,7 triệu đồng và chi phí khác là 19 triệu đồng... Trong sự kỳ vọng lợi ích từ 60.000 cây mít nghệ cao sản mang lại, dự án của Tỉnh đoàn BP ước mơ rằng: Tổng chi phí đầu tư và chăm sóc 1ha mít nghệ trong 3 năm, tốn kém có 36,2 triệu đồng. Tới năm thứ tư, thu hoạch tới... 71,5 triệu đồng; nghĩa là vừa hoàn vốn, vẫn còn lãi... 35,3 triệu đồng.

Sau 3 năm thực hiện dự án, tổng lợi nhuận thu được trong thanh niên khoảng... 2,1 tỉ đồng. Từ năm thứ 5 trở đi, sản lượng thu được tăng lên gấp 4 lần v.v... Từ đó, ai ai cũng tin rằng dự án trên là toàn thắng và bước đầu, triển khai dự án xuống với nhiều đoàn viên thanh niên, thuộc 18 xã, 5 huyện trên địa bàn tỉnh BP.

Dự án cây mít nghệ cao sản đã... phá sản!

Tới nay, sau hơn 3 năm triển khai, những người đầu tàu của dự án cây mít cao sản này, tuy chưa báo cáo chính thức kết quả thắng - thua của dự án; song trên thực tế, qua điều tra, chúng tôi được biết, với 18.000 cây mít nghệ cao sản trồng đợt đầu, giao cho khoảng 60 đoàn viên thanh niên; sau 2 năm thực hiện, tốn kém hàng trăm triệu đồng, tới nay đã... chết ngót nghét... 13.500 cây.

Theo anh Thi Văn Lợi (ngụ xã Minh Long, huyện Chơn Thành): "Tôi trồng 50 cây, sau gần 4 năm, chỉ có 2 cây ra trái to, còn lại toàn trái nhỏ, quắt queo. Trái to thì nhiều xơ, ít múi. Trái nhỏ, múi cũng nhỏ thó...". Anh Lợi kêu thương lái bán mít, ai cũng chê bai mít cao sản mà không... cao về chất lượng. Có đợt bán 40 trái, anh Lợi chỉ thu được... 20.000 đồng. Sau gần 4 năm đổ mồ hôi, tốn bao sức lực chăm sóc 50 cây mít nghệ, anh Lợi thu nhập tròm trèm... 300.000 đồng là hết mức.

Tương tự, một đoàn viên thanh niên khác, cũng ở huyện Chơn Thành, tiết lộ: "Tôi nhận trồng 30 cây trong tổng số 300 cây rót về xã, nhưng sau 3 năm, chỉ còn lại... 7 cây. Cây không trái xen lẫn cây có trái. Cây có trái lại... không có múi". Rất nhiều đoàn viên thanh niên khác gặp cảnh trên đã không thể chịu đựng thêm, đành chặt bỏ cây mít cao sản để chuyển sang trồng loại cây khác.

Có người so sánh: 1ha đất trồng mít nghệ cao sản, thay vì trồng mít thường hay loại cây khác, sau 4 năm, chắc chắn thu hoạch không dưới 30 triệu đồng. Đằng này, quá kỳ vọng vào mít cao sản, hàng trăm triệu đồng tiền nhà nước, cùng bao nhiêu công cán, sức lực của đoàn viên thanh niên đã đổ vào mít nghệ cao sản, chưa tính hàng chục hécta đất phục vụ cho trồng mít nghệ cao sản...; vô tình đã trở nên lãng phí, vô bổ trong gần 4 năm qua.


Xem tin gốc tại đây:

http://www.laodong.com.vn/Home/kinhte/2008/7/96507.laodong



Báo cáo phân tích thị trường