Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Năm 2008, chi tiêu dùng thực phẩm ở thành thị tăng mạnh bất chấp những tín hiệu xấu của thị trường
11 | 11 | 2008
Kết quả Điều tra Người tiêu dùng tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh năm 2008 của Trung tâm Thông tin PTNNNT (AGROINFO) cho thấy mức chi tiêu cho thực phẩm của các hộ thành thị tăng đáng kể bất chấp những thời điểm giá thực phẩm tăng cao trong năm nay. Điều này thể hiện rõ trong mức chi và cơ cấu mức chi so với thu nhập cá nhân.









“So với năm 2006, mức chi tiêu dùng cho thực phẩm của các hộ thành thị tăng đáng kể, bất chấp những tín hiệu xấu của tình hình thị trường.”

Đợt rét đậm kéo dài hồi đầu năm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung thực phẩm cho thị trường. Những ảnh hưởng này còn kéo dài và cùng với việc tăng giá xăng dầu đã đẩy giá thực phẩm lên cao. Chỉ số giá tiêu dùng đối với mặt hàng thực phẩm tăng mạnh vào thời điểm giữa năm, mức tăng cao nhất là 37,54% tại thời điểm tháng 6. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung dự trữ sau đợt rét và dịch bệnh khan hiếm, trong khi việc khôi phục lại các hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm bản thân nó vẫn luôn là trở ngại chính cho bài toán kích cầu của các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Những yếu tố nêu trên tác động mạnh mẽ đến khối lượng và các khoản chi tiêu dùng thực phẩm của các hộ gia đình. Tỷ lệ chi cho tiêu dùng thực phẩm trong cơ cấu thu nhập cá nhân tăng mạnh ở cả Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh bất chấp những tín hiệu xấu của thị trường.

Theo số liệu Điều tra mức sống dân cư 2006[1], tổng chi tiêu bình quân 1 nhân khẩu 1 tháng của cả nước năm 2006 là 511,1 nghìn đồng/tháng, mức chi cho ăn uống, hút là 229,2 nghìn/tháng. Tại Hà Nội, mức chi cho ăn uống, hút bình quân 1 nhân khẩu đạt 381,8 nghìn/tháng, chiếm 28,4% thu thập bình quân. Tại TP.Hồ Chí Minh, mức chi này tính trung bình 1 nhân khẩu 1 tháng là 449,4 nghìn đồng, chiếm 28,2% so với mức thu nhập bình quân.

Báo cáo Điều tra Người tiêu dùng năm 2008[2] (AGROINFO) cho thấy, mức chi trung bình cho tiêu dùng thực phẩm của hộ gia đình tại Hà Nội là 3,13 triệu đồng/tháng, TP.Hồ Chí Minh là 2,93 triệu đồng. Trung bình 1 nhân khẩu 1 tháng tại khu vực thành thị năm 2008 ở Hà Nội chi hết 779,8 nghìn đồng cho ăn uống, chiếm 43,2% thu nhập. Cũng với mức chi đó, tính trung bình người dân TP.Hồ Chí Minh chi hết 612,1 nghìn đồng/tháng, chiếm 42,2% thu nhập cá nhân. Như vậy, so với năm 2006, tỷ lệ chi cho tiêu dùng thực phẩm trong cơ cấu thu nhập cá nhân ở cả Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh đã tăng hơn 15%.

Mức tăng chi tiêu dùng thực phẩm một phần do tác động của lạm phát và tăng giá thực phẩm. Việc loại bỏ được tác động của lạm phát, xác định rõ mức chi và khối lượng tiêu thực phẩm có ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp trong việc xây dựng và triển khai các kế hoạch kinh doanh.

Những khoản chi chính của hộ cho bữa ăn là chi cho thịt, tôm cá, rau, hoa quả và chi cho ăn uống ngoài gia đình. Trung bình 1 tháng, mỗi hộ gia đình chi ra 912,1 nghìn đồng mua thịt (30,5%), 420,5 nghìn đồng cho tôm cá (14,1%), 224,5 nghìn đồng cho rau (7,5%), 373,1 nghìn đồng cho hoa quả (12,5%) các loại và chi 716,8 nghìn đồng (24,0%) cho ăn uống ngoài gia đình.

Tính trung bình 1 tháng, 1 hộ gia đình thành thị tiêu dùng hết 12,04 kg thịt các loại, 8,15 kg tôm cá, 2,23 lit dầu ăn, 1,48 lit nước mắm…







“Thịt, tôm cá, rau và hoa quả là những thực phẩm chính, chiếm 74,6% mức chi tiêu cho bữa ăn của hộ gia đình thành thị.”

Những biến động phức tạp của thị trường thực phẩm như dịch bệnh, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và lạm phát ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và hành vi của người tiêu dùng. Điều này gây trở ngại lớn cho các doanh nghiệp trong việc dự báo tình hình cung - cầu và xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh. Mặt khác thu nhập của người dân tăng cao làm gia tăng khả năng và sự chênh lệch chi tiêu giữa các nhóm thu nhập, vùng miền là những căn cứ quan trọng để doanh nghiệp sản xuất, phân phối và kinh doanh thực phẩm xây dựng thương hiệu, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng, phân khúc thị trường và đề ra cho mình chiến lược kinh doanh hiệu quả nhất.



[1] VHLSS 2006, Số liệu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tính cả khu vực ngoại thành

[2] Điều tra Người tiêu dùng được AGROINFO tiến hành vào tháng 9/2008 trên khu vực nội thành Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh

Nguồn: Trích “Báo cáo Phân tích hiện trạng và triển vọng tiêu dùng thực phẩm, 2008”.


Trung tâm Thông tin Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (AGROINFO)


Tel: 04-39725153.

Fax: 04-39726949.



Phạm Văn Hanh - AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường