Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp ở ĐBSCL: Đòn bẩy của sự phát triển
03 | 09 | 2008
ĐBSCL có nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp nổi tiếng như: Viện Lúa, Trường Đại học Cần Thơ, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, các trung tâm nghiên cứu về khuyến nông, khuyến ngư, các nhà khoa học. Từ năm 2005 tới nay, các tỉnh, thành ĐBSCL đã thực hiện được gần 700 đề tài, dự án; trong đó có gần 50 dự án được Bộ Khoa học-Công nghệ (KH-CN) phê duyệt phục vụ các chương trình xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao phục vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, trước nhu cầu thực tế, KH-CN vẫn chưa đáp ứng được sự phát triển trong vùng.
Kỳ tích con tôm, hạt gạo, trái cây

Năm 1990, lần đầu tiên ông Bùi Trí Thức (Tư Thức) và nông dân huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang làm lúa đông xuân. Mùa nước nổi, đất không phải cày xới, chỉ trục, tát dọn đất, be bờ cơm nếp, rút nước; ông Tư áp dụng chiếc máy sạ hàng kéo bằng tay đầu tiên trên đồng ruộng. Kết quả thu hoạch đạt 40 giạ/công, ông Tư nhảy dựng khi đong lúa bằng táo trước sân nhà! Gần 50 năm làm lúa, ông Tư mới trúng một cú quá đậm.

Đó cũng là thời điểm nông dân ĐBSCL “chia tay” làm lúa mùa một vụ. Họ cũng từ giã chiếc vòng gặt lúa để làm quen với máy cắt lúa xếp hàng, máy sạ lúa thẳng hàng… Đánh dấu một hành trình mới của cây lúa, hạt gạo đồng bằng. Năng suất lúa bình quân không còn 3 tấn mà lên 10 tấn/ha/năm, thậm chí có nơi trên 13 tấn/ha/năm.





Đây là dấu mốc thành công của chiến lược nghiên cứu cây lúa có thời gian sinh trưởng ngắn 90 ngày ở ĐBSCL, góp phần thúc đẩy gia tăng diện tích gieo trồng xấp xỉ 4 triệu ha trong vùng.
Chiến lược thành công nhất của ĐBSCL trong 20 năm qua là tạo được giống lúa cực sớm (các giống OMCS). Việc gia tăng diện tích sản xuất lúa đông-xuân và hè-thu bằng giống cực sớm là cơ sở để hạt lúa tạo nên kỳ tích. Giống lúa cực sớm đã được nhiều nước đánh giá là thành công nhất của Viện Lúa ĐBSCL.

Trước đây, 2 triệu ha đất canh tác 1 vụ, năng suất 2 tấn/ha, cả ĐBSCL chỉ đạt khoảng 4 triệu tấn lúa; đến năm 2008 dự kiến ĐBSCL đạt trên 21 triệu tấn lúa.

Tuy nhiên, để có được hạt gạo chất lượng, phải nói đến công nghệ hạt giống. ĐBSCL đã có những bước tiến vượt bậc trên lĩnh vực này.

Cách đây 5 năm, hạt giống tốt (giống xác nhận) chỉ có 2%, đến năm 2003 nâng lên 10%, 2004 được 20%, đến năm 2008 gần 40% diện tích sử dụng giống xác nhận. Năng suất lúa bình quân hiện nay ở ĐBSCL khoảng 5,1 tấn/ha, đứng đầu khu vực ASEAN.

Về thủy sản, năm 2003, ông Lưu Thống Nhứt ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng mới bước vào nghề nuôi tôm sú công nghiệp. Trước đó, ông đã đi “tầm sư học đạo” ở nhiều địa phương, ra cả miền Bắc, miền Trung xem các mô hình nuôi tôm khác nhau. Ông đau đáu một nỗi niềm làm thế nào cho con tôm sú chóng lớn, đạt năng suất cao… Ông tìm gặp các chuyên gia hàng đầu về vi sinh của Việt Nam và nước ngoài nhờ “giúp đỡ’.

Năm 2005, mùa tôm sú đầu tiên nuôi theo công nghệ vi sinh, ông thành công với năng suất khoảng 15 tấn/ha. Có thể coi đây là một kỳ tích về nuôi tôm đạt năng suất cao của cả nước. Từ miền Bắc, miền Trung và các tỉnh ĐBSCL, rất nhiều nhà khoa học và những nông dân về “cánh đồng năn” Long Phú, tìm hiểu, học tập kinh nghiệm và phong trào lan rộng, đến nay có hàng chục ngàn hộ làm theo.

Nuôi tôm sú có rất nhiều mô hình như: tôm lúa, tôm quảng canh, tôm thả dày, tôm thả thưa nhưng nuôi tôm theo công nghệ vi sinh (gọi nôm na là công nghệ rác) của ông Lưu Thống Nhứt chiếm ngôi vị độc tôn.

Trong những năm qua, cuộc “cách mạng” giống cây ăn trái ở ĐBSCL rất quyết liệt. Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đánh giá: “Địa phương nào cũng có những loại cây chủ lực, giống ngon. Muốn cải tạo giống tốt phải tổ chức thi rồi nhân ra.

Thực tế đã đem lại kết quả khả quan. Ngoài việc cung cấp giống của các viện, trường, nông dân có nhiều sáng tạo trong việc nhân được các loại giống tốt, đặc sản như: sầu riêng Chín Hóa, cơm vàng hạt lép, xoài cát Hòa Lộc…”.

Mô hình Good Agricultural Practices (thực hành nông nghiệp tốt) được nông dân ĐBSCL biết đến vào tháng 3-2005, khi Tổ chức Liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây an toàn Khu vực sông Tiền được Bộ NN-PTNT phối hợp với Hiệp hội Trái cây Việt Nam thành lập, gọi tắt là GAP sông Tiền.

Tiến sĩ Võ Mai, Chủ tịch Hiệp hội Trái cây Việt Nam cho biết, đây là mô hình liên kết 4 nhà gồm (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước) của các tỉnh: Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Long An và TPHCM để hình thành khu vực sản xuất tập trung trái cây quy mô lớn, an toàn, chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế với giá thành cạnh tranh.

GAP sông Tiền tổ chức lại hệ thống tiêu thụ trái cây nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. GAP sông Tiền đã thiết lập được 3 địa điểm tiêu thụ trái cây (1 điểm ở Đồng Tháp và 2 điểm tại TPHCM) và liên kết kinh doanh với khách hàng tại Bằng Tường (Trung Quốc), Kim Hà Foods (Pháp).

Máy móc vào cuộc, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng

ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu. Trên nhiều cánh đồng của các tỉnh thượng nguồn như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, nông dân đang gấp rút thu hoạch lúa hè thu để tránh lũ. Rất nhiều máy gặt đập liên hợp từ các nơi trong khu vực đang đổ về gặt mướn.

Theo bà con ở huyện Tri Tôn, An Giang, trong điều kiện thiếu nhân công cắt lúa, việc thuê máy gặt đập có nhiều thuận lợi là thu hoạch nhanh, chi phí rẻ hơn 600-700 ngàn đồng/ha. Một máy gặt đập đưa vào sản xuất, năng suất thu hoạch gấp 100 người (tức thu hoạch 3-5 ha/ngày). Sử dụng máy gặt đập liên hợp rút ngắn thời gian thu hoạch, giúp nông dân có điều kiện làm vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi đất… làm tăng độ phì nhiêu của đất, hạn chế dịch bệnh và xuống giống đúng thời vụ.

Sử dụng máy gặt đập không chỉ chi phí thu hoạch thấp hơn, mà còn giảm tỷ lệ hao hụt xuống còn 1%. Tiến sĩ Mai Thành Phụng, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, so sánh: ĐBSCL canh tác 4 triệu ha lúa mỗi năm, phần nhiều diện tích còn thu hoạch thủ công, tỷ lệ hao hụt lên tới 5%.

Tính trung bình sản lượng lúa toàn vùng 20 triệu tấn mỗi năm, lượng lúa bị thất thoát trên 1 triệu tấn. Với giá lúa hiện nay là 4.300 đồng/kg thì thiệt hại 4.300 tỷ đồng. Còn thu hoạch bằng máy thì sẽ lời trên 3.500 tỷ đồng.

Ở ĐBSCL hiện nay có hàng chục ngàn máy sạ hàng, máy gặt, máy cày, máy tuốt lúa đã được nông dân đưa vào đồng ruộng. Tỉnh Kiên Giang có 320 máy gặt đập và gần 300 máy gặt xếp dãy.

Tỉnh An Giang có hơn 5.000 máy kéo các loại, đảm bảo cơ giới hóa cho 100% diện tích đất canh tác. Khâu tuốt lúa nhiều nơi cũng có 100% diện tích sử dụng cơ giới. Tỉnh này còn hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi để nông dân trang bị máy gặt, máy sấy và cấy lúa. An Giang hiện có 528 máy gặt, 4.884 máy sấy lúa.

Tỉnh Long An có 1.200 máy gặt các loại. Tỉnh Đồng Tháp có 517 máy gặt, cơ giới hoá 33% diện tích gieo trồng. Năm 2007, tỉnh Đồng Tháp phê duyệt dự án 60 tỷ đồng vốn hỗ trợ cho nông dân mua các loại máy phục vụ sản xuất…

Kỹ sư Trương Ngọc Trưng, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang kể: “Phải mất 10 năm, huyện Long Mỹ mới nâng diện tích sản xuất lúa bằng máy sạ hàng từ 100 ha lên 1.000 ha”.

Một trong những biện pháp quan trọng nhất để chuyển giao các kỹ thuật sản xuất tiên tiến đến nông dân là phải tổ chức hội thảo và tham quan. Tâm lý của nông dân là “mười nghe không bằng một thấy”.

Gần đây hàng năm còn tổ chức hội thi máy gặt đập liên hợp luân phiên cho từng địa phương. Qua các hội thi cho thấy, khả năng sáng tạo của nông dân với chiếc máy gặt đập liên hợp vô cùng phong phú. Nhiều nông dân đã có sáng tạo, cải tiến máy cho phù hợp với sản xuất mỗi vùng. Trong đó điển hình là nông dân Huỳnh Văn Út (Út máy cày) ở xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Khoa học công nghệ cho nhà nông là tất yếu

Cuộc “cách mạng” giống-cây-con phục vụ nông nghiệp thời gian qua tuy chưa tới điểm đỉnh của sự sáng tạo nhưng bà con nông dân ĐBSCL có thể an tâm nuôi trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng cơ giới hóa đồng ruộng đang có những bất cập.

Hiện số lượng máy gặt đập liên hợp và máy gặt xếp dãy ở ĐBSCL mới đảm bảo 15% diện tích thu hoạch lúa toàn vùng. Ở Sóc Trăng, Bạc Liêu-một trong những chiếc nôi lúa gạo, số máy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chỉ có An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang là mạnh dạn đầu tư cho nông dân vay vốn mua máy nhưng cũng chỉ đáp ứng 20%-30% diện tích thu hoạch.

Tuy là vựa lúa lớn nhất của cả nước nhưng phần lớn diện tích canh tác khó sử dụng máy. Đồng ruộng cần được quy hoạch lại cho phù hợp với việc đưa máy móc vào phục vụ sản xuất.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: ĐBSCL hiện có trên 3.000 máy gặt xếp dãy, 900 máy gặt đập liên hợp lớn nhỏ. Lúa thu hoạch rộ, chỉ trong vòng một tháng, lượng máy này có thể thu hoạch được 200.000 ha trong số 1,5 triệu ha gieo trồng thì quá ít ỏi.

Do đó, cần đẩy nhanh hơn nữa khâu cơ giới hóa trong thu hoạch lúa, một mặt giải quyết vấn đề nhân công, mặt khác giảm chi phí sản xuất và giảm thất thoát sau thu hoạch. Vấn đề hiện nay là giá máy còn khá cao, khoảng 200 triệu đồng/chiếc, nên không phải ai cũng mua được. Do đó, nhà nước cần hỗ trợ nông dân về vốn hoặc tổ chức dịch vụ thu hoạch cho họ…



Nguồn: www.sggp.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường