Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc và Tuốcmênixtan: Tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại
03 | 09 | 2008
Theo tuyên bố chung nhân dịp kết thúc chuyến thăm thủ đô Asơgabát (Tuốcmênixtan) cuối tuần qua của Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc và Tuốcmênixtan đã đồng ý tăng cường quan hệ kinh tế và thương mại, mở rộng lĩnh vực hợp tác và ủng hộ các hoạt động kinh doanh song phương. Tuyên bố cho biết Ủy ban hợp tác Trung Quốc-Tuốcmênixtan sẽ được thành lập để thúc đẩy hợp tác song phương về thương mại, năng lượng, an ninh, văn hóa và giáo dục giữa hai nước.
Nhân dịp này, hai bên đã ký hiệp định về cung cấp khí tự nhiên cho Trung Quốc, theo đó Tuốcmênixtan sẽ cung cấp cho Trung Quốc 40 tỷ m3 khí tự nhiên/năm, tăng 10 tỷ m3 so với thỏa thuận trước đó. Trung Quốc có thể bắt đầu nhận được nguồn khí từ nước Trung Á giàu năng lượng này vào cuối năm 2009. Việc xây dựng đường ống dẫn khí, dự định trải dài từ Tuốcmênixtan tới khu vực Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc qua Udơbêkixtan và Cadắcxtan, dự kiến hoàn thành vào năm 2009.

Năm 2007, Công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã giành được giấy phép thăm dò và khai thác mỏ Bagtyarlyk gần biên giới Tuốcmênixtan với Udơbêkixtan, mà chính phủ nước này ước tính có thể có trữ lượng tới 1.300 tỷ m3 khí.

Năm 2007, Tuốcmênixtan, Nga và Cadắcxtan đã ký thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí dọc bờ biển Caspi với công suất 20 tỷ m3 khí/năm. Hồi tháng 7/08, Tổng thống Tuốcmênixtan Berdymukhamedov và người đứng đầu tập đoàn Gazprom của Nga, Alexei Miller đã đồng ý tăng công suất lên 30 tỷ m3 khí/năm.

Mỹ và Liên minh châu Âu cũng đã thúc đẩy xây dựng đường ống xuyên Caspi, có thể vận chuyển khí tự nhiên của Tuốcmênixtan tới Adécbaidan, Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó tới các thị trường phương Tây.
Theo số liệu chính thức, hiện mỗi năm Tuốcmênixtan sản xuất khoảng 70 tỷ m3 khí, xuất khẩu 50 tỷ m3 sang Nga theo hợp đồng 25 năm. Ngoài ra, nước này còn bán 8 tỷ m3 khí/năm sang Iran.
Tuốcmênixtan ước tính trữ lượng khí của nước này hơn 20.000 tỷ m3. Trong khi, theo BP World Energy Statistics, con số này chỉ khoảng 2.900 tỷ m3, đứng thứ 13 thế giới.


Nguồn: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường