Nên ưu ái hơn cho rau, hoa quả
Trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, trái cây, rau quả và hoa là những mặt hàng có ưu thế lớn trong sân chơi WTO với kim ngạch xuất khẩu gần 103 tỷ USD, trong khi đó lúa gạo, càphê, cao su chiếm không quá 10 tỷ USD /năm mỗi loại. Các loại nông sản khác như chè, điều và hồ tiêu càng nhỏ hơn với trên dưới 3 tỷ USD /năm. Vậy tại sao chúng ta lại không đầu tư nhiều hơn cho trái cây, rau quả và hoa vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh?
Nước ta vẫn còn sử dụng hơn 7 triệu hecta đất để trồng lúa. Trong khi đó, chỉ có gần 1 triệu hecta để trồng dừa, cao su, chè, càphê và 1, 4 triệu ha trồng trái cây, rau quả và hoa. TS. Vọng cho rằng, đây là bước phát triển không cân đối vì rõ ràng lúa đã trở nên độc canh, chiếm 74% diện tích canh tác của cả nước, trong khi trái cây, rau quả và hoa có thị trường xuất khẩu lớn gấp 10 lần thì lại ít phát triển, chỉ chiếm 15%.
Bên cạnh đó, mức độ đầu tư về nhân sự, nghiên cứu, đất đai và lao động của ngành trái cây, rau quả và hoa so với lúa gạo cũng kém xa. Về mặt canh tác, yếu điểm của độc canh là dễ dàng phát sinh dịch bệnh nên phải sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để kiểm soát, làm ô nhiễm môi trường, đưa đến việc ngộ độc thực phẩm. Một minh chứng thực tế là bệnh rầy nâu, vàng lùn - lùn xoắn lá trên lúa, đặc biệt là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là hệ quả tất yếu của việc độc canh này.
Đối diện với 4 thách thức lớn
Theo TS. Vọng, thị trường xuất - nhập khẩu nông sản thế giới ngày nay được tổ chức rất chặt chẽ, phần lớn do các hệ thống siêu thị đa quốc gia khống chế kiểm soát. Do tri thức của giới tiêu thụ ngày càng cao nên yêu cầu của siêu thị về chất lượng nông sản - vốn dựa trên yêu cầu của giới tiêu thụ của các nước lớn và giàu - ngày càng khó khăn, trở thành rào cản đối với rất nhiều nước đang phát triển vốn xem xuất khẩu nông sản là đòn bẩy để phát triển kinh tế.
Việt Nam “đi tắt đón đầu” nhờ lợi thế đi sau bằng cách du nhập, thử nghiệm, cải thiện và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật (KHKT) hiện đại của thế giới để xây dựng một nền nông nghiệp thích hợp. Nếu như năm 1995, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm sản chỉ có 1, 3 tỷ USD thì năm 2006 đã đạt hơn 7 tỷ USD. Nhưng trong quá trình phát triển, nông nghiệp Việt Nam đã bộc lộ những lỗ hổng lớn trong dây chuyền sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, chất lượng sản phẩm và khâu an toàn vệ sinh, đặc biệt là tay nghề của nông dân - thành phần sản xuất chủ lực chưa được nâng cao ngang tầm với một nước mạnh về xuất khẩu nông sản. Tính bền vững trong nông nghiệp rất bấp bênh vì nông dân chưa thật sự có trình độ cao để đưa chất xám vào sản xuất.
Trong bối cảnh trên, việc gia nhập WTO vừa mang đến cho nông nghiệp Việt Nam triển vọng về một sân chơi khổng lồ, đồng thời cũng bắt buộc người sản xuất phải đối diện ngay với 4 luật chơi cực kỳ khó khăn. Đó là khẩn trương xây dựng quy trình nông nghiệp an toàn GAP (Good Agricultural Practices); tập trung sản xuất hàng hoá lớn; có chất lượng cao, bổ dưỡng và giá rẻ để nâng cao tính cạnh tranh của nông sản. Trong những thách thức này, quy trình nông nghiệp an toàn GAP là chìa khoá thành công cho ngành trái cây, rau quả và hoa.
Khẩn trương xây dựng quy trình Việt GAP
TS. Vọng cho rằng, trong bốn luật chơi kể trên, cái khó nhất cho nông nghiệp Việt Nam hiện nay là quy trình nông nghiệp an toàn GAP. Một số nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Xingapo tuy có biên soạn quy trình GAP cho mình, nhưng việc xuất khẩu trái cây, rau quả và hoa của họ vẫn không thuận lợi hơn vì những quy trình này không đáp ứng được các đòi hỏi khắt khe của thị trường châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Để có sự đồng thuận của các thị trường ôn đới, ASEAN đã yêu cầu chính phủ Ôxtrâylia biên soạn một quy trình nông nghiệp an toàn GAP cho ASEAN, gọi là ASEAN GAP. Sau 2 năm triển khai, ASEAN GAP đã được công bố vào trung tuần tháng 11 năm 2006, trở thành quy trình GAP chính thức cho các nước thành viên ASEAN.
Là bốn nước gia nhập tổ chức ASEAN muộn nhất, Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam cũng đã quan tâm đến an toàn thực phẩm nhưng chưa nước nào có quy trình GAP cho riêng mình. Các chương trình tập huấn về GAP, dự án GAP cho cây thanh long... do Ôxtrâylia, Canađa và các nước khác tài trợ gần đây chỉ là những chương trình nhỏ lẻ, chưa phải là chu trình an toàn có tính quy mô toàn ngành. Cho nên, nếu không xây dựng ngay chương trình Việt Nam GAP (gọi tắt là Việt GAP) thì làm sao nông sản Việt Nam có thể xuất khẩu, kể cả cạnh tranh với hàng ngoại ngay ở thị trường trong nước?
Cam kết khi gia nhập WTO không cho phép Chính phủ Việt Nam trợ cấp xuất khẩu. Tuy nhiên, Chính phủ được phép trợ cấp khuyến nông và phục vụ phát triển nông nghiệp. Vậy thì để xây dựng chiến lược phát triển mạnh ngành trái cây, rau quả và hoa, việc trước mắt là nhanh chóng hoàn thành quy trình nông nghiệp an toàn Việt GAP và dấy lên phong trào tập huấn Việt GAP đều khắp cho nông dân mới là cách trợ cấp hiệu quả nhất để giúp nông dân tham gia vào cuộc chơi hào hứng nhưng đầy bất trắc, rủi ro.
Ông Joseph Ekman - Chuyên viên về an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Nông nghiệp bang New South Wales, Ôxtrâylia
Chương trình GAP của Việt Nam trước tiên phải tập trung về an toàn thực phẩm bởi đây là mối quan tâm hàng đầu của kỹ nghệ thực phẩm quốc tế. Hầu hết các chương trình quốc tế được thiết lập trước tiên là về an toàn thực phẩm, rồi mới thêm các mô hình khác tuỳ theo sự đòi hỏi của khách hàng. Chương trình an toàn thực phẩm GAP của Việt Nam có lẽ nên dựa trên mô hình GAP của ASEAN để bảo đảm rằng nó phù hợp với các chương trình liên vùng và quốc tế về an toàn thực phẩm. GS - TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang
Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan nhanh chóng vào cuộc để xúc tiến xây dựng quy trình GAP Việt Nam. Nông dân và doanh nghiệp hãy sát cánh cùng với chính quyền để thực hiện bằng được quy trình này vì đây chính là yếu tố sống còn của nông, thủy sản Việt Nam trong thời hội nhập. |