Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hé mở bí quyết làm gạo Global Gap
11 | 09 | 2009
Khi giá lúa tươi ngoài đồng chỉ còn 2700 đ/ kg, người trồng lúa ngao ngán, nhưng khi nghe chuyện gạo Tứ Quý từng được Công ty bao tiêu với giá cao hơn thị trường tại thời điểm tới 20% thì nông dân do dự hỏi “Chắc phải làm theo kiểu gì đó”.

Chỉ cần Global Gap?

Có Global Gap giá bán sẽ cao hơn giá thị trường, 50 hộ trong HTX tham gia chương trình “ giới hạn” ở HTX Mỹ Thành nghĩ như vậy. “6.300 đ/kg lúa, người bán phải phơi lúa khô 15,5 độ, Công ty đem về Ô Môn, TPCần Thơ xay xát, đóng bao bao 5 kg, bao in đẹp lắm”, Ông Trương Văn Bảy, chủ nhiệm HTX Mỹ Thành, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, Tỉnh Tiền Giang, nói về kiểu làm lúa mới.

Xã Mỹ Thành Nam từng là nơi tiên phong làm gạo an toàn từ 5 năm trước, nhưng chẳng ai mua với giá cao! Do đó nếu chỉ là chứng nhận Global Gap, nông dân sẽ không thể có kết quả mỹ mãn dù họ đã mất 4 năm để nâng trình độ quản lý dịch hại tổng hợp lên mức thực hiện quy trình GlobalGap vào năm ngoái. Và mỗi hộ sẽ trải qua ít nhất 2 giờ để trả lời những câu hỏi kiểm tra của các chuyên gia từ Đức sang trước khi tái cấp chứng nhận Global Gap trong năm thứ hai. GSTS Võ Tòng Xuân nói cốt lõi của mô hình: “Nhà sản xuất, nhà khoa học, nhà kinh doanh và đường dẫn tới thị trường”. Ông Võ Minh Tấn, Tổng giám đốc Cty ADC, người vẽ ra quỹ đạo mới cho gạo Tứ Quý từ HTX Mỹ Thành, nói: Gạo Global Gap đã được xuất khẩu. Năm qua, tuy sản phẩm xuất khẩu của chúng tôi chỉ đạt 70 triệu USD nhưng có thể nói với bà con rằng chúng ta đã có thị trường”. Một Doanh nhân ở Mỹ, một Cty ở Úc xem gạo Tứ Quý là sự khác biệt. Riêng ông Hisao Morioka, tổng giám đốc công ty Asahi Chemicals Manufacturing., Ltd cho rằng “khi doanh nghiệp hỗ trợ cho nông dân thực hiện được mô hình này thì họ đã đạt “mục tiêu vinh quang”.

Hé mở “gói kỹ thuật”

Ông Phan Quốc Hùng, người thực hiện ý tưởng hỗ trợ nông dân làm quen quỹ đạo mới cho biết: Bên cạnh quy trình Global Gap là nhiều hoạt động nghiên cứu ứng dụng để giảm chi phí. Trong đó có việc ứng dụng một loại phân bón đặc chủng Nitratebo giúp nông dân giảm 1/3 lượng phân DAP, một ít phân đạm. Với 200 kg/1 ha, chắc chắn nông dân sẽ lời ngay khi chọn lựa giải pháp mới.

Năm 2010, từ 50 hộ đầu tiên, sẽ có 122 hộ ở HTX Mỹ Thành thực hiện mô hình trồng lúa Global Gap trên quy mô 106 ha và 4 năm sau đó diện tích sẽ lên tới 500 ha, 400 - 600 hộ tham gia chương trình chất lượng toàn cầu. Tuy nhiên, ngay khi những doanh nhân này nói: Năm tới, mô hình sẽ mở rộng ở Sóc Trăng (50 ha lúa đặc sản Tài Nguyên) và nhiều tỉnh nữa, vẫn là chậm trong nhịp vận hành phát triển của dòng sản phẩm đang có nhiều triển vọng này. Ông Võ Minh Tấn khẳng định: "Sản phẩm thân thiện với thiên nhiên giá rất đắt, một thời phải xài hóa chất vì rẻ hơn. Nhưng hiện nay, nếu chỉ làm như thông thường thì sẽ khó bán ra nước ngoài. Sản phẩm sạch mới có sức cạnh tranh. Nhưng người nông dân phải tính được tỷ lệ thành công. Đôi khi phải đi chậm để nông dân theo kịp và sau đó là một giai đoạn cùng đi nhanh hơn”. Ông Trương Văn Bảy, chủ nhiệm HTX Mỹ Thành nói: “Đi theo mô hình này khó chứ không phải giỡn, nhưng nhiều bà con mới tham gia nói dù khó tới đâu cũng phải phải làm để có đầu ra”.

Ông Al Ful, tổng giám đốc TaiWan Agriwell Co., Ltd, nhà nhập khẩu nông dược thế hệ mới từ Việt Nam nói: "Chúng tôi đã nhập một số sản phẩm của ADC để bảo vệ mùa màng trái cây, lúa và rau. Đó là một thế hệ nông dược của tương lai”. Cho đến nay, những dòng sản phẩm mới đó chỉ được áp dụng trong những điểm khu biệt. Theo nguồn tin dè dặt của các thành viên chương trình nghiên cứu sản phẩm bất ngờ của ADC, trong một năm nữa thị trường sẽ có dòng phân bón đặc chủng và 5 năm tới sẽ có loại phân hữu cơ chỉ cần dùng 30 lít có công dụng tương đương 1 tấn phân bón thông thường. Điều quan trọng, những sản phẩm đó được sinh ra từ sự hợp tác của các nhà khoa học Việt Nam– Doanh nhân Việt - Mỹ, Việt Úc và những đội hình nông dân làm Global Gap vì một hình ảnh khác biệt cho gạo Việt Nam.



Theo Sài Gòn Tiếp thị
Báo cáo phân tích thị trường