Ngày 31/5/2006 tại thành phố Hồ Chí Minh, đàm phán song phương với Hoa Kỳ về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã kết thúc. Theo cam kết, khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, các nhà cung cấp dịch vụ của Hoa Kỳ sẽ tiếp cận thị trường Việt Nam một cách dễ dàng hơn và sẽ được hưởng quy chế đãi ngộ quốc gia trên nhiều lĩnh vực như bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán, viễn thông, năng lượng, chuyển phát nhanh, xây dựng,v.v... Ngoài ra, Việt Nam cũng đã đồng ý xem xét việc mở cửa thị trường rộng hơn so với những gì đã được thỏa thuận giữa hai bên. Đặc biệt, trong lĩnh vực dịch vụ phân phối, Việt Nam sẽ tự do hóa lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và nhượng quyền kinh doanh. Sau thời điểm gia nhập WTO, các doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực này được phép thành lập liên doanh với đối tác phía Việt Nam; kể từ 1/1/2009, các doanh nghiệp Hoa Kỳ được phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài và cung cấp các hàng hóa cả nhập khẩu và sản xuất trong nước trên thị trường Việt Nam.Sức ép cạnh tranh trên thị trường Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ phân phối và bán lẻ
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang trở thành thị trường mới hấp dẫn đối với các nhà phân phối lớn trên thế giới với dân số gần 83 triệu, mức tăng GDP 8,4%/ năm và tổng tiêu dùng lên đến 21 tỉ USD trong năm 2005. Đại diện nhiều tập đoàn tư vấn bất động sản quốc tế chuyên nghiệp cho rằng, sức hấp dẫn còn do mức giá cho thuê các trung tâm thương mại tại Việt Nam khá rẻ và linh động. Ngoài ra, Việt Nam còn là cửa ngõ dẫn tới một số thị trường như Ấn Độ, Trung Quốc, Campuchia và Lào. Theo kết quả khảo sát của tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới AT Kearnay (Mỹ), Việt Nam đang là thị trường bán lẻ hấp dẫn thứ ba thế giới. Các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam như Metro Cash & Carry (Đức), Bourbon (Pháp), Parkson thuộc tập đoàn Lion (Malaixia), Zen Plaza (Nhật Bản) và Diamond Plaza (Hàn Quốc)… đang tích cực đẩy nhanh việc mở rộng thị phần qua các hoạt động kinh doanh của mình. Metro Cash&Carry đang hoạt động với 6 siêu thị tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ với hình thức bán buôn và bán lẻ khoảng 10000-15000 mặt hàng các loại. Hệ thống siêu thị Big C (Thái Lan) đang hoạt động với 3 siêu thị, 2 ở thành phố Hồ Chí Minh và 1 ở Đồng Nai và 4 siêu thị đang sắp xây dựng ở Hà Nội, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tập đoàn Parkson của Malaixia đã khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên trong hệ thống 10 trung tâm sẽ đầu tư ở Việt Nam. Tập đoàn Bourbon (Pháp) đã được cấp phép xây dựng tại Hải Phòng …
Với những ưu thế về phương thức kinh doanh, vốn, trình độ quản lý, công nghệ, đã có nhiều tập đoàn phân phối quốc tế xây dựng kế hoạch xâm nhập thị trường sau khi Việt Nam vào WTO, trong đó có 3 tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới là Wal-Mart (Mỹ), Carefour (Pháp) và Tesco (Anh), cùng nhiều tập đoàn châu Á như Dairy Farm (Hồng Kông) và South Asia Investment (Xingapo), sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các nhà sản xuất và các hãng phân phối Việt Nam. Tính đến tháng 12/2005, tập đoàn Carrefour đã thiết lập mạng lưới phân phối gồm 839 đại siêu thị, 1517 siêu thị, 4316 cửa hàng bán hàng chiết khấu và 331 các cửa hàng tiện lợi ở Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Á. Tại Châu Á, hệ thống đại siêu thị của Carrefour đã có mặt ở Xingapo, Malaixia, Inđônêxia, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc. Trong đó, xuất hiện ở Trung Quốc nhiều nhất, với 70/191 đại siêu thị ở châu Á. Năm 2005, doanh số bán hàng của Carrefour ở châu Á đạt trên 74 tỷ Euro, trong đó hệ thống đại siêu thị đóng góp 43 tỷ Euro, hệ thống siêu thị đóng góp trên 13 tỷ Euro, cửa hàng bán chiết khấu đóng góp trên 6 tỷ Euro và 11 tỷ là doanh số của các loại hình phân phối khác.
Trong 6 tháng đầu năm 2006, Carrefour tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối đại siêu thị, siêu thị, bán hàng chiết khấu và các cửa hàng khác với số lượng 1000. Trong đó, tại Pháp tăng thêm 150, tại châu Âu tăng thêm 600, tại châu Mỹ tăng thêm 160. Riêng ở châu Á, Carrefour đã mở thêm 45 đại siêu thị và 45 cửa hàng bán hàng chiết khấu.
Trong khi các tập đoàn bán lẻ nước ngoài được biết đến với hình ảnh những đại siêu thị đang hiện diện rất gần thị trường Việt Nam thì hầu hết cửa hàng truyền thống của Việt Nam đều ở trong tình trạng chung là có diện tích nhỏ, trung bình khoảng 11,8 m2/cửa hàng, trang thiết bị thô sơ và chủ yếu sử dụng lao động phổ thông. Ngay cả doanh nghiệp thương mại trong nước phần lớn cũng là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Theo số liệu thống kê năm 2004 của Bộ Thương mại, bình quân 1 doanh nghiệp Việt Nam chỉ có 18 lao động với số vốn trung bình 6 tỷ đồng. Mặc dù đóng vai trò chủ đạo, nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế quốc doanh trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (TMBLHH&DV) lại giảm dần trong những năm qua. Năm 1990, doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ do khu vực kinh tế quốc doanh thực hiện chiếm tỷ trọng 30,4% TMBLHH&DV của cả nền kinh tế, đến năm 1997 giảm còn 20% và giảm liên tục trong các năm tiếp theo và hiện nay chỉ đạt khoảng 15%.
Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ hàng hoá và dịch vụ vẫn đóng góp ở mức rất khiêm tốn trên sân chơi bán lẻ nội địa. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, khi mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam vào năm 1994, doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ chỉ đạt 446 tỷ đồng, chiếm 0,5% tổng TMBLHH&DV của cả nền kinh tế. Từ đó đến nay, tỷ trọng đóng góp của khu vực này tuy có tăng nhưng chiếm tỷ trọng vẫn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Năm đạt cao nhất là năm 2003 với doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ đạt gần 14 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 4,1% TMBLHH&DV của cả nền kinh tế.
Tham gia ngày càng tích cực trong lĩnh vực bán lẻ hàng hoá và dịch vụ và đạt mức tăng trưởng khá ổn định là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Năm 1990, doanh thu bán lẻ hàng hoá và dịch vụ do khu vực kinh tế ngoài quốc doanh thực hiện chiếm chưa tới 70% TMBLHH&DV; đến năm 1991, đã đạt 73,1%; năm 1999 đạt 80% và đến năm 2004 đạt mức 82,3%. Điều đáng chú ý ở đây là khu vực cá thể và tư nhân vẫn tiếp tục dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong suốt năm 2005 và bốn tháng đầu năm 2006. Bốn tháng đầu năm 2006, tổng mức BLHH&DV của khu vực cá thể đạt trên 111,4 tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2005 và chiếm tỷ trọng 63,4% tổng mức BLHH&DV của nền kinh tế. Tổng mức BLHH&DV khu vực tư nhân đứng thứ hai và đạt trên 36,9 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21% và cũng là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tăng 24,6% so với cùng kỳ 2005. Tổng mức BLHH&DV khu vực quốc doanh đạt 21,1 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 12% và là khu vực có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong cả nền kinh tế với mức 7,8%. Đóng góp của khu vực kinh tế tập thể và có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng thấp, chỉ đạt tương ứng 1% và 2,6% trong tổng mức BLHH&DV xã hội của nền kinh tế.
Phạm Hoàng Ngân & TS. Hoàng Xuân Hòa