Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê, ca cao, điều… chết vì phân bón kém chất lượng
24 | 10 | 2008
Nông dân ở các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây nguyên đang rầu “thúi ruột” khi nhìn vườn cà phê, ca cao, điều… chết dần chết mòn vì bón nhầm phân bón kém chất lượng.
Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm đến nay, qua đợt kiểm tra 660 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phân bón và 201 mẫu phân bón trên toàn quốc, đã phát hiện gần 40% loại phân bón có hàm lượng các chất dinh dưỡng chính không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã công bố, từ 5-10% thương hiệu phân bón có chất lượng rất thấp so với tiêu chuẩn đã công bố, 34/201 loại phân bón vi phạm nhãn mác hàng hóa hoặc không có nhãn mác phụ dễ gây nhầm lẫn cho nông dân.

Hầu hết loại phân bón kém chất lượng này được tiêu thụ ở những vùng sâu, vùng xa thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên và Đông Nam bộ.

Trắng tay vì phân dỏm

Trung tuần tháng mười, chúng tôi tìm đến vùng chuyên canh cây cà phê của tỉnh Bình Phước ở xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng. Ông Lý Văn Cao, ngụ thôn 6, đang ngồi thừ người bên gốc cà phê trơ cành, giọng nặng trĩu: “Tôi mua 100 bao phân bón hữu cơ sinh học Domix Đức Lợi với giá 180.000 đồng/bao (loại 50kg) về bón vườn cà phê. Khoảng 15 ngày sau khi bón phân, vườn cà phê đang sung mãn chuyển sang màu vàng cháy, cành khô héo. Chỉ vài ngày sau, trái non trái già thi nhau rụng đầy gốc. Vụ này coi như đổ sông đổ bể”.

Ông Cao chỉ là một trong rất nhiều hộ nông dân ở Bình Phước mua phải phân bón kém chất lượng.

Ông Tô Hà Quang, chủ tịch UBND xã Đức Liễu, cho biết gần 50 hộ nông dân ở ba thôn 1, 6 và 10 mua hàng trăm tấn phân bón hữu cơ Domix Đức Lợi. Theo phản ảnh của bà con, sau khi bón phân khoảng 1-2 tuần xuất hiện tình trạng vàng lá, chết cành, rụng trái.

Đầu mùa cà phê, ông Hồ Đức Thảo và ông Võ Văn Cảnh - cộng tác viên khuyến nông của xã Đức Liễu - đứng ra thay mặt hàng chục hộ dân ký hợp đồng mua trên 100 tấn phân Domic Đức Lợi để phân phối cho bà con. Gần tháng sau, hàng chục hộ dân kéo đến nhà hai ông… mắng vốn vì sau khi bón phân thì vườn cà phê, ca cao của họ vàng lá, rụng trái rồi chết. Ông Cảnh và ông Thảo đã có đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng của tỉnh nhưng đến nay lượng phân còn tồn đọng vẫn chưa được Công ty Đức Lợi thu hồi.

Anh Nguyễn Hữu Tài (ngụ ấp 1, xã Đức Liễu) cho biết thông qua sự giới thiệu của hội nông dân, anh mua 20 bao phân hữu cơ khoáng NPK của một công ty khác ở Bình Phước với giá 340.000 đồng/bao (loại 50kg) để bón cho 400 gốc cà phê. Khoảng 15 ngày sau vườn cà phê của anh Tài rụng trái, vàng lá, chết cây. Ông Lưu Ngọc Ánh, thôn trưởng thôn 6, xã Đức Liễu, mua 40 bao phân hữu cơ khoáng NPK bón 2ha cà phê cũng bị vàng lá, chết cành, năng suất gần như mất trắng.

Không chỉ ở Bình Phước, nhiều hộ dân ở các tỉnh Bình Dương, Đắc Nông, Lâm Đồng, Đắc Lắc… cũng mua nhầm phân kém chất lượng, phân giả bón vườn cà phê, ca cao, tiêu, điều. Nhiều vườn cây trong số đó bị hư hại nặng do bón phải phân kém chất lượng, phân dỏm.

Phân kém chất lượng tràn lan

Phân nhập khẩu cũng không đạt chất lượng

Chi cục Hải quan cửa khẩu khu vực 4 (Cục Hải quan TP.HCM) vừa ra quyết định xử phạt DNTN thương mại dịch vụ và vật tư nông nghiệp Tiến Nông 20 triệu đồng về hành vi nhập khẩu hàng hóa không đạt chất lượng và buộc tái xuất toàn bộ lô hàng. Trước đó, Tiến Nông nhập 63 tấn phân bón hữu cơ Vimax 3.3.3, xuất xứ Malaysia. Qua kiểm tra số hàng trên đúng khai báo về tên hàng, số lượng, xuất xứ. Tuy nhiên, theo kết quả chứng thư của Công ty cổ phần giám định và khử trùng FCC, số phân bón trên đều không đạt chất lượng nhập khẩu theo quy định.

Theo tìm hiểu, phân Domix Đức Lợi được sản xuất tại Công ty TNHH Đức Lợi (xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) nhưng trên bao bì ghi nhà máy sản xuất tại xã Phú Vinh, huyện Định Quán, Đồng Nai. Công ty Đức Lợi sản xuất ba loại “phân bón hữu cơ truyền thống đa vi lượng” chuyên dùng cho cây cà phê, ca cao, điều.

Theo chỉ tiêu đăng ký (ghi trên bao bì), hàm lượng hữu cơ là 20%, N+P2O2 (hh)+K2O là 8%. Tuy nhiên, kết quả kiểm định của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Tổng cục Đo lường chất lượng) cho thấy hàm lượng hữu cơ chỉ đạt 1,6%, N+P2O2 (hh)+K2O chỉ 3,5%. Trên bao bì không hề ghi ngày sản xuất cũng như hạn sử dụng.

Theo phản ảnh của bà con, sau khi bón phân, tưới nước có hiện tượng phân không chịu tan, vón cục như… đất sét. Sở NN&PTNT Bình Phước ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Đức Lợi 12 triệu đồng về hành vi vi phạm đối với chất lượng hàng hóa và nhãn mác hàng hóa, đồng thời buộc công ty phải thu hồi và tái chế toàn bộ sản phẩm phân bón kém chất lượng.

Xử lý xong vụ Domix Đức Lợi, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước liên tiếp nhận được nhiều đơn khiếu nại khác của bà con về phân kém chất lượng. Đến lúc này, thanh tra sở mới tiến hành lấy mẫu một số loại phân bón tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh để phân tích. Kết quả kiểm tra phát hiện 32 mẫu vi phạm về chất lượng. Có 19 loại phân bón lá, tám loại phân hữu cơ, năm loại phân NPK kém chất lượng của 32 công ty được tung ra thị trường trong thời gian dài với khối lượng rất lớn.

Điều đáng nói là hầu hết các loại phân bón kém chất lượng đều tập trung ở các nhà máy sản xuất vừa và nhỏ, thậm chí không có chức năng sản xuất (mua nguyên liệu về pha trộn) và được cung ứng theo hình thức trả chậm. Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước đã ra quyết định xử phạt 27 công ty với số tiền trên 220 triệu đồng. Còn năm công ty vẫn chưa xử lý do mời hai lần không đến.

Tại Lâm Đồng, cơ quan chức năng cho biết trên 160 hộ dân ở huyện Di Linh cũng đã mua nhầm hàng trăm tấn phân NPK kém chất lượng của một công ty để bón cây cà phê. Nhiều vườn cà phê sau khi bón phân này bị vàng lá, rụng quả, khô cành, một số cây chết dần. Theo cơ quan chức năng, loại phân này không có trong danh mục phân bón được lưu hành của Bộ NN&PTNT và chất lượng phân NPK thực tế không đúng như nhãn mác ghi trên bao bì.

Phạt như… phủi bụi

Ông Phan Văn Đòn, phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Phước, nói hiện nay các quy định xử lý vi phạm hiện hành không đủ mạnh để răn đe. Đối với hành vi vi phạm “sản xuất, chế biến sản phẩm, hàng hóa theo quy mô công nghiệp nhưng có mức chất lượng thực tế không đạt mức chất lượng đã công bố” chỉ bị phạt 8-12 triệu đồng. Nhiều đơn vị sau khi nhận quyết định xử phạt đã “vui vẻ” nộp phạt rồi tiếp tục cho ra thị trường phân bón kém chất lượng. Không ít doanh nghiệp phớt lờ không chịu đóng phạt hoặc không bồi thường thiệt hại cho dân.

Theo ông Đòn, hiện nay trên thị trường có khoảng 1.000 loại phân nên việc lấy mẫu phân tích rất tốn kém (giá phân tích khoảng 400.000 đồng/mẫu). Trong khi đó, quy trình lấy mẫu, phân tích, xử lý cũng không có tác dụng ngăn chặn việc tiêu thụ phân bón kém chất lượng. Từ khi lấy mẫu đến lúc có kết quả mất hơn một tháng, đủ thời gian để các đại lý bán tống bán tháo ra thị trường. Do đó, khi có kết quả phân tích thì phần lớn lượng phân bón kém chất lượng đã nằm dưới gốc cà phê.

Về công tác quản lý, ông Đòn cho biết hầu hết các đơn vị sản xuất, kinh doanh phân bón xuống chào hàng trực tiếp người dân bằng phương thức trả chậm chứ không thông qua hệ thống các đại lý nên các đơn vị nghiệp vụ của sở không nắm được. Ông Đòn cho rằng trách nhiệm quản lý việc sản xuất, tiêu thụ phân bón là của ngành công thương và quản lý thị trường. Thanh tra sở chỉ kiểm tra định kỳ một lần/năm chứ không kiểm tra thường xuyên.

Ông Đòn cho rằng trong khi chờ đợi các biện pháp chế tài đủ sức răn đe nạn sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng, người dân nên mua các loại phân bón đã có thương hiệu, có uy tín tại các đại lý lớn. Khi có vấn đề gì chưa thông, cần gặp cán bộ khuyến nông của xã để nhờ tư vấn, giải đáp thắc mắc.




Nguồn: Kinh tế nông thôn
Báo cáo phân tích thị trường