Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phải có “tai mắt” tinh nhuệ
17 | 11 | 2008
Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 11-11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã nhận trách nhiệm về những yếu kém trong công tác dự báo sản xuất lúa gạo. Vì sao có tình trạng này và làm thế nào khắc phục? TS Đặng Kim Sơn - viện trưởng Viện Chính sách chiến lược NN-PTNT (Bộ NN-PTNT - IPSARD) - đã có bài viết trả lời câu hỏi này.
Chưa đầu tư đúng mức cho công tác dự báo

Không riêng với lúa, tình trạng chặt cây nọ, bỏ con kia; hiện tượng sản xuất lúc thừa, lúc thiếu diễn ra kéo dài gây thiệt hại rất lớn cho nông dân. Trong cơ chế thị trường, hàng triệu nông dân và người buôn bán thường xuyên phải có thông tin để ra những quyết định sống còn như chọn ngành sản xuất, quy mô, công nghệ, địa bàn. Thương trường cũng như chiến trường, muốn chắc thắng phải biết mình biết người.

Muốn xây dựng lực lượng thu thập, xử lý, cung cấp thông tin cần đầu tư về tài chính, tổ chức, con người... phải vượt qua rất nhiều rào cản cơ chế. Khó nhất là thay đổi chính mình, không phải ai cũng đủ quyết tâm và dũng cảm nói trước toàn dân: “Trách nhiệm thuộc về tôi, nếu tôi không hoàn thành nhiệm vụ thì sẵn sàng chịu kỷ luật”. Quyết tâm hành động còn khó hơn.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo hoạt động này sớm. 5-6 năm trước, một nhóm chuyên gia đã nghiên cứu 10 ngành hàng chính và thông tin trên trang web. Viện chúng tôi đã hợp tác với một số tổ chức dự báo hàng đầu thế giới của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Bộ Nông nghiệp Úc, Viện Nghiên cứu chính sách nông nghiệp quốc tế... tổ chức nhiều nghiên cứu ngành hàng (chăn nuôi, rau quả, hạt điều, cà phê...). Đã xuất bản định kỳ bản tin, tổ chức hội thảo viễn cảnh thị trường cà phê hằng năm và đang xây dựng mô hình phân tích cung cầu 16 mặt hàng chính.

Tuy vậy, công tác này chưa được chú ý đầu tư đúng mức. Dự báo thị trường rất khó, trên thế giới chỉ có tổ chức nghiên cứu có trình độ cao làm được. Đây là bài toán nhiều ẩn số về cung cầu và các yếu tố phi thị trường. Chúng ta thiếu các nguồn thông tin tin cậy: số thống kê thường chậm, không đáp ứng yêu cầu để chạy mô hình. Số báo cáo của địa phương có thể lạc quan khi báo cáo thành tích và bi quan khi xin trợ cấp thiên tai. Số liệu khách quan như ảnh vệ tinh thì chưa có tiền đầu tư.

Để xây dựng mô hình toán kinh tế phức tạp phải có chuyên gia giỏi, hiểu biết sản xuất (địa bàn, thời tiết, nông dân...), về thị trường trong và ngoài nước (nhu cầu, thị hiếu, chính sách...). Dựa vào kinh phí dự án hiện nay, viện mới trả cho chuyên gia tối đa hơn 10 triệu đồng/tháng. So với mức lương nhà nước là cao, nhưng mới bằng 50-70% mức lương thị trường trả cho thạc sĩ hoặc tiến sĩ có kinh nghiệm, tốt nghiệp các trường quốc tế danh tiếng.

Vấn đề không phải là Nhà nước thiếu tiền. So với thiệt hại mà xã hội phải trả vì không có dự báo tốt thì chi phí này không đáng kể. Nhưng cơ chế hiện nay chỉ chi tiền cho cơ quan nghiên cứu làm đề tài hằng năm (trong đó không thể có lương chuyên gia). Các hoạt động dự báo chưa được giao như nhiệm vụ thường xuyên và càng khó nếu tính đến chi phí chuyên gia, mua ảnh vệ tinh...

Để đẩy nhanh năng lực nghiên cứu ngành hàng, hiện nay viện chúng tôi phải dựa vào các dự án quốc tế. Tuy nhiên, sau hai năm chuẩn bị và được quốc tế hỗ trợ một dự án để tăng cường năng lực xây dựng chính sách ngành hàng, đề án này tắc lại trong khâu xét duyệt. Thật ngạc nhiên và bực bội trong lúc vấn đề rõ ràng như thế mà một số chuyên viên Bộ Kế hoạch - đầu tư bỏ qua đề nghị của Bộ NN-PTNT, khẳng định các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu chính sách ngành hàng không đáng làm? Chúng tôi đang lo ngại dự án này có thể mất viện trợ vì thủ tục chậm trễ.

Để giành thắng lợi trên thị trường

Để thực hiện được ý kiến của bộ trưởng trước Quốc hội, trước mắt Viện Chiến lược chính sách sẽ phối hợp với Trung tâm Tin học thống kê xây dựng một chương trình hành động để thực hiện nhiệm vụ phân tích thị trường. Trước hết sẽ tập trung vào dự báo tình hình sản xuất.

Ngay tháng 3-2009, IPSARD sẽ phối hợp với Tổ chức Lương nông thế giới (FAO) tổ chức một hội nghị dự báo thị trường nông sản tại TP.HCM với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế hàng đầu về thị trường nông sản của FAO, Viện Chính sách lương thực quốc tế (IFPRI), Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI), Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI), Tổ chức Cà phê thế giới (ICO)... Hội nghị này sẽ có báo cáo tác động về biến động kinh tế trong nước, quốc tế và diễn biến khí hậu thời tiết với nông nghiệp.

Về lâu dài, để vượt qua những khó khăn về đầu tư, cơ chế cần lãnh đạo chỉ đạo kiên quyết; bộ, ngành, địa phương phối hợp; các tổ chức quốc tế và các thành phần kinh tế hỗ trợ. Bây giờ đã là cuối năm, phải chuẩn bị gấp để được đầu tư sang năm. Dự báo là lĩnh vực nhạy cảm, khó có tổ chức quốc tế hỗ trợ mình chiếm lĩnh thị trường. Chuyên gia thị trường là lực lượng trí thức rất khó tìm, phải áp dụng cơ chế đặc biệt để thu hút.

Từ xưa đến nay, trong chiến tranh VN luôn có tai mắt đáng tin cậy để dự báo đúng và tay không xây dựng lực lượng tinh nhuệ đánh thắng quân thù hùng mạnh. Ngày nay trong cơ chế thị trường, đã đến lúc phải quyết tâm xây dựng hệ thống thông tin và đội ngũ tham mưu tin cậy để giành thắng lợi trên thị trường cạnh tranh quyết liệt. Đó là mong đợi của nông dân và là trách nhiệm của Nhà nước.

Xem tin gốc tại đây:
http://mobi.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=287912&ChannelID=118


TS Đặng Kim Sơn
Báo cáo phân tích thị trường