Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mùa đại hạ giá
11 | 12 | 2008
Khắp mọi ngóc ngách của Sài Gòn vào những ngày cuối năm rực rỡ bởi những gam màu quảng cáo của băng rôn, tờ rơi… rất bắt mắt. Đại hạ giá trong các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng lớn, nhỏ
Có thể nói ra đường gặp… hàng khuyến mãi. Tuy nhiên, mặc dù các hãng có nhiều chiêu thức để khuyến mãi, nhưng đa số các mặt hàng khuyến mãi có vẻ như thuộc nhóm hàng tồn đọng cần thanh lý để bước vào một năm kinh doanh mới, khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa Việt Nam sẽ mở cửa thị trường cho các nhà bán lẻ quốc tế vào nội địa theo cam kết khi gia nhập WTO.

Tại các trung tâm mua sắm, các siêu thị, cửa hàng cửa hiệu hay trên vệ đường đều tập trung rất đông khách. Người đi mua, kẻ đi xem cứ kẹt cứng. Không ít người khi đi xem vỡ lẽ ra rằng có những mặt hàng được giảm tới 70%, nhưng thấy giá vẫn còn cao ngất ngưởng, có vẻ cao hơn giá trị thực tế của nó.

Hàng điện tử, điện máy được khuyến mãi nhiều nhất, giảm từ 50 đến 80%. Thế nhưng theo chị Nguyễn Tuyết Hạnh quận Tân Bình thì: “Tôi định mua thêm chiếc tivi, nhưng sao mà đắt thế. Ví dụ, tại một số trung tâm điện máy quảng cáo tivi phẳng loại 21 inch của LG, Toshiba ghi: “Giá cũ là khoảng từ 2,5 đến 3 triệu đồng/chiếc, nay giảm xuống còn 1,99 triệu đồng/chiếc. Nhưng cách đây 5 tháng tôi mua cũng chỉ có 1,9 triệu đồng. Hay như tivi LCD loại 47 inch của LG, Samsung giá thật chỉ khoảng 25 triệu đồng/chiếc nhưng lại được đẩy giá lên gần 50 triệu đồng/chiếc rồi giảm giá 10 triệu đồng, nhằm gây chú ý…”

Các loại đồ dùng như tủ lạnh, máy giặt, bàn là, bếp ga, xoong chảo, điện thoại di động, USB, máy ghi âm, máy ảnh, máy quay phim… Cứ thi nhau giảm giá, nhưng trên thực tế hầu hết đều nâng giá lên cao ngất ngưởng rồi đặt ra cái gọi là giảm 50 đến 70%, giá “cực sốc”, giá gốc, giá rẻ “chưa từng có”… để thu hút người tiêu dùng.

Nhiều loại sản phẩm khác như mỹ phẩm, quần áo, cặp xách, giày dép… cũng được các nhà kinh doanh đưa ra nhiều chiêu khuyến mãi hấp dẫn như “hàng thanh lý”, “chỉ cần 30 ngàn đồng là có một bộ đồ thể thao chính hiệu”… Các mặt hàng này thu hút đông đảo bạn trẻ tới xem và mua rất đông. Vậy nhưng các loại đồ giá rẻ này thường là hàng chợ, chất lượng thấp.

Năm nay, các cửa hàng kính mắt cũng đua nhau trưng biển giảm giá. Hầu hết các cửa hàng lớn đều giảm trên 50%, tuy nhiên giá vẫn còn… mãi ở trên trời!. Khách hàng có người còn mua phải kính giả khi chủ kinh doanh đưa những loại kính gia công, trà trộn vào hàng chính hiệu rồi nâng khống giá lên gấp hàng chục lần để kiếm lời bất chính. Anh Võ Văn Bình ở quận 1 bực mình khi mua phải hàng giả nhưng giá thật: “Cách đây chưa đầy một tuần, tôi mua cặp kính mắt ở đường Lê Văn Sĩ quận Phú Nhuận với giá 1,2 triệu, thế nhưng hôm qua vào cửa hàng trên đường Trần Hưng Đạo nhìn cặp kính cùng nhãn hiệu, y hệt như nhau chỉ có 299 ngàn”.

Dịp giảm giá cuối năm là thời gian để những người kinh doanh giải quyết hàng tồn đọng sau 1 năm buôn bán, thu hồi vốn để đầu tư cho năm mới, nên hầu hết các mặt hàng đều có giảm giá phần nào. Tuy nhiên cũng không ít người lợi dụng cơ hội này để nâng khống giá, hay trà trộn hàng thật với hàng giả, đánh lừa người tiêu dùng.

Bởi vậy, trong lúc này, không còn biện pháp nào tốt hơn là chính người tiêu dùng phải xác định mặt hàng nào cần mua; rồi chịu khó tham khảo giá trước ở một vài nơi, so sánh giá với thời gian gần đây để mua hàng không bị “hớ”, mất tiền oan. Các cơ quan quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra giám sát những hoạt động giảm giá “ảo” hay trà trộn hàng kém chất lượng. Một điều không kém phần quan trọng đó là đạo đức của chính người kinh doanh, văn hoá kinh doanh của các nhà sản xuất, phân phối, bán lẻ cũng cần được nâng cao để tạo nên một môi trường mua bán lợi cả đôi bên. Những người kinh doanh có cách làm ăn chụp giật sẽ không tồn tại được lâu bền, nhất là trong thị trường năm 2009, khi các nhà bán lẻ nước ngoài với phong cách chuyên nghiệp hơn hẳn hoạt động trên thị trường Việt Nam.



Theo VOV
Báo cáo phân tích thị trường