Ghi nhận thị trường cho thấy giá khô đậu nành Ấn Độ giao tại cảng Bedi/Kandla hiện dao động 274 - 277 USD/tấn. So với mức giá kỷ lục hồi tháng 7-2008 thì giá khô đậu tương hiện nay đã giảm hơn 50%. Tương tự, giá bắp trên thị trường Chicago (Mỹ) kỳ hạn giao tháng 3-2009 hiện cũng sụt xuống còn 347 - 349 Uscent/bushel (1 bushel = 35,239072 liters), giảm hơn một nửa so với giá hồi cuối tháng 6, đầu tháng 7. Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới giảm là yếu tố quan trọng góp phần kéo giá thức ăn chăn nuôi trong nước những tháng qua giảm theo. Tuy nhiên, đây cũng chính là nguyên nhân đưa các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi đứng bên bờ vực. Thời điểm giá tăng cao, nhiều DN dự báo giá còn lên nên vội vàng cho nhập hàng về. Đến nay, giá các mặt hàng này đều đã giảm hơn nửa, trong khi nguyên liệu mua từ khi giá cao vẫn còn tồn nhiều do chăn nuôi trong nước phát triển chậm. Biến động giảm giá thức ăn chăn nuôi thế giới, ảnh hưởng tới 80% trong tổng số các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi bị thua lỗ, mức lỗ khoảng vài trăm USD trên mỗi tấn sản phẩm.
Không chỉ có các DN bị thua lỗ do sự sụt giảm của giá nguyên liệu mà ngay cả người chăn nuôi cũng không ngừng than lỗ. Thời điểm giá cám tăng cao, giá thịt heo hơi theo đó cũng tăng lên 38.000 - 40.000 đồng/kg, mỗi con heo bán ra trung bình lãi 100.000 - 200.000 đồng. Song thông tin về giá thức ăn chăn nuôi trong nước giảm cùng với sức mua yếu và sức ép của thịt heo ngoại nhập đã làm cho giá thịt heo hơi giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong vòng 11 tháng qua.
Trong khi người chăn nuôi liên tục kêu lỗ do giá rớt thì người tiêu dùng vẫn phải mua hàng với giá cao. Giá bán lẻ thịt heo mông sấn trên các thị trường lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng hiện là 60.000 - 63.000 đồng/kg. Giá của mặt hàng này trong những tuần đầu tháng 1-2008 chỉ là 56.000 - 58.000 đồng/kg, tại Cần Thơ giá còn thấp hơn, chỉ có 52.000 - 54.000 đồng/kg. Như vậy, giá bán lẻ thịt heo trên thị trường hiện nay vẫn cao hơn so với mặt bằng giá đầu năm từ 4.000 - 6.000 đồng/kg. Theo Agroinfo, sở dĩ tình trạng giá thịt heo hơi giảm liên tục trong khi giá bán lẻ sản phẩm trên thị trường vẫn cao là do hiện nay chăn nuôi vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, nông hộ nên các thương lái có cơ hội ép giá mỗi khi thị trường biến động. Ngoài ra còn do sản phẩm thịt heo nội địa có sức cạnh tranh thấp so với các sản phẩm thịt heo ngoại nhập có lợi thế về giá.
Theo kiến nghị của Agroinfo, khi thịt heo trong nước không còn một mình một chợ, thịt ngoại tràn biên, bán với giá thấp hơn thì người chăn nuôi chỉ còn biết trông chờ vào sự bảo hộ của Chính phủ. Đây chỉ là giải pháp mang tính tạm thời, về lâu dài nếu Nhà nước muốn phát triển mạnh ngành chăn nuôi thì nhất thiết phải có các giải pháp mang tính chiến lược để tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước. Còn trước mắt để vực dậy ngành chăn nuôi thì Nhà nước cần phải ổn định thị trường tiêu thụ, kích cầu tiêu thụ để nông dân hăng hái chăn nuôi. Cùng với sự phát triển trở lại của ngành chăn nuôi, các DN sẽ bán được thức ăn chăn nuôi tồn kho, quay vòng vốn nhanh để tăng doanh thu, bù đắp cho các khoản lỗ vừa qua...