Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
An toàn thực phẩm và quyền lợi doanh nghiệp
18 | 12 | 2008
"Thực phẩm dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi giới hạn tối đa của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm không vượt quá 1,0mg/kg thực phẩm (<= 1,0ppm); Các loại thực phẩm khác không vượt quá 2,5mg/kg thực phẩm (<= 2,5ppm)". Đây là quy định mới nhất của Bộ Y tế về giới hạn của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm.
Cấm cố ý đưa melamine vào thực phẩm

Bộ Y tế tiếp tục khẳng định nghiêm cấm việc cố ý cho melamine vào thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, bất kỳ hàm lượng nào. Việc ban hành giới hạn này không có nghĩa là cho phép nhà sản xuất cho melamine vào thực phẩm với hàm lượng dưới giới hạn công bố kể trên.

TS Nguyễn Công Khẩn khẳng định, tất cả các sản phẩm sữa của Việt Nam không bị cố tình bỏ melamine mà đều nhập nguyên liệu có melamine từ nước ngoài. Do đó, hàng hóa sắp tới nhập vào sẽ phải xác định melamine bằng máy móc và hệ thống labô đã có trong thời gian qua.

Theo kế hoạch, thời gian tới Bộ Y tế sẽ kiểm tra chặt chẽ hơn tất cả các sản phẩm có nguy cơ nhiễm melamine.

Theo Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), TS Nguyễn Công Khẩn, căn cứ quan trọng nhất mà Bộ Y tế Việt Nam dựa vào là ngưỡng melamine trong thực phẩm mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố. Mức giới hạn này được thiết lập sau khi có những thảo luận với WHO và Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), dựa vào mức ăn thực tế hàng ngày, tình trạng dinh dưỡng của người Việt Nam. Để có được công bố này, đã phải có sự góp ý của các chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng, độc học của Việt Nam.

Ông Jean - Marc Olivé - Trưởng đai diện WHO tại Việt Nam cho biết, việc WHO  đưa ra mức melamine ăn vào hàng ngày chấp nhận được, là kết quả nghiên cứu của một nhóm chuyên gia trên thế giới được tiến hành trên động vật, tập hợp từ các mẫu xét nghiệm từ các mẫu bệnh phẩm lấy được từ Trung Quốc và các nghiên cứu về triệu chứng cũng như ảnh hưởng của melamine đối với con người trong gần 3 tháng qua.

Cũng theo ông Jean - Marc Olivé, việc kiểm soát lượng melamine vào cơ thể người nhất là trẻ em dưới 6 tháng tuổi là rất khó.  Lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho rằng, việc phát hiện melamine trong thực phẩm chưa lâu, nên việc nghiên cứu sự ảnh hưởng lâu dài của melamine đối với sức khoẻ con người vẫn đang được tiếp tục. Vì vậy, tại quy định: “Mức giới hạn tối đa của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm” cũng nêu rõ: Giới hạn này sẽ được thay đổi khi có cơ sở khoa học về độc tính của melamine và các chất liên quan được WHO và FAO công bố bổ sung.

Doanh nghiệp nên hợp tác với cơ quan chức năng

Theo TS Khẩn, khi phát hiện sữa nhiễm melamine mà chưa có mức giới hạn cho phép thì việc niêm phong là cần thiết. Đến nay, khi Bộ Y tế Việt Nam đã công bố mức giới hạn tối đa của melamine nhiễm chéo trong thực phẩm thì những sản phẩm đảm bảo chất lượng, còn thời hạn sử dụng, melamine dưới mức giới hạn sẽ được lưu hành, số quá mức giới hạn sẽ phải tiêu hủy. TS Khẩn cũng cho rằng, nếu doanh nghiệp có sự cộng tác tốt với cơ quan chức năng thì doanh nghiệp sẽ là người có lợi nhất. Vì nếu sản phẩm của doanh nghiệp không có vấn đề gì, Bộ Y tế sẽ có giấy chứng nhận công bố chất lượng.

TS Khẩn cho biết thêm, melamine là chất ô nhiễm không được phép hiện diện trong quá trình sản xuất ban đầu hoặc trong quá trình chế biến thực phẩm. Sự cố ý cho melamine trong thực phẩm là hành vi gian dối. Đôi khi sự ô nhiễm này là không thể tránh khỏi. Việc ban hành giới hạn này để xác định mức có thể chịu đựng của cơ thể con người trong trường hợp ăn phải melamine, trong điều kiện không thể tránh khỏi melamine bị nhiễm không cố ý vào thực phẩm.



Nguồn: Giadinh.net.vn
Báo cáo phân tích thị trường