Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thu đô la từ cánh đồng "chó ngáp"
24 | 12 | 2008
Băng qua cánh đồng “chó ngáp’ huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu trong cái lạnh những ngày cuối năm nhưng tôi lại nhận được sức ấm “nông nghiệp - nông dân - nông thôn”.
Hình ảnh “ấp Nhà Lầu I và Nhà Lầu II”, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân đúng như tên gọi. Hai bên dòng sông nhà lầu một kiểu dáng mọc lên san sát rất giống như nhà chung cư thành phố. Lão nông tri điền Phạm Văn Bảo, 78 tuổi, ấp Nhà Lầu I đã 2 đời giữ trâu trên cánh đồng “chó ngáp” phấn khởi: Đã 33 năm không còn tiếng súng, gần 20 năm vượt lên đói nghèo, bây giờ bà con vùng đất này mới thực sự đổi đời. Ngày hòa bình nơi đây tứ bề là năn, người dân tiếp tục đấu tranh với giặc đói.

Tính trung kiên, bền bỉ của người cách mạnh đã giúp bà con trụ chân khai hoang thành công cánh đồng năn. Mốc bứt phá có lẽ từ khi có chủ trương chuyển đổi sản xuất của nhà nước. Con tôm ôm gốc lúa đặc sản “một bụi đỏ” đã đưa cuộc sống người dân đã mới càng thêm mới. Đúng với cái tên gọi là ấp nhà lầu mà thời pháp “thầy Cai Chí” điền chủ đã cất.

Ông Nguyễn Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh Lợi A cho biết: Xã Ninh Thành Lợi A vừa mới tách ra từ xã Ninh Thành Lợi. Toàn xã bây giờ chỉ còn 7,5% hộ nghèo/1.600 hộ đang sinh sống và canh tác trên khoảng 6.687ha với trên 7.446 nhân khẩu. Và đặc biệt là ấp Nhà Lầu I và Nhà Lầu II hiện luôn đổi mới, có 830 hộ sinh sống và canh tác trên 3.300 ha, trong đó có trên 60% nhà tường. Có đoạn cả trăm mét toàn là nhà tường liền kề nhau trông rất đẹp. Địa phương đang chọn 2 ấp thực hiện mô hình vườn xanh, nhà sạch, khu nông thôn mới. Tất cả bắt nguồn từ chủ trương chuyển đổi kinh tế và đi theo đó là nhiều chính sách đầu tư hệ thống thủy lợi, tiêu úng, rửa phèn…

Ông Phạm Văn Bảo, 78 tuổi, ở ấp Nhà Lầu I đang chỉ căn nhà tường tích luỹ từ tiền giữ trâu và tiền làm vuông trên mảnh đất cầm trâu

Ông Bảo tiếp lời: "Trong chiến tranh cánh đồng chó ngáp này là nơi con trâu nằm độn”. Hồi đó, ông đã từng giữ 500 đôi trâu/năm, sau giải phóng 1 năm mới giã từ nghề giữ trâu. Cái tên trâu độn đã đi vào tiềm thức của người dân. Chính con trâu đã giúp lực lượng cách mạnh vì khi càn quét lính nguỵ không bắn trâu nên con trâu che chở, nuôi chứa cách mạng. Mãi đến năm 1980, vùng đất này vẫn còn là cánh đồng năn. Những năm 1987 bà con bắt đầu chuyển hướng lên bờ trồng khóm. Cánh đồng chó ngáp bắt đầu thấy sự sống của cây trái. Khóm Ba ở cái xứ “khỉ ho cò gáy” đã nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Thời vang bóng của khóm Ba Đình có trên 5.000ha đất trồng khóm chuyên canh, cây khóm bắt đầu kéo đời sống người dân ở xứ sở này vượt lên khỏi “ngọn năn”. Đất cầm trâu ngày xưa bắt đầu hái ra tiền.

Nước mặn về cánh đồng năn, nông dân nuôi tôm sú quảng canh mang lại hiệu quả, nhà lầu mọc lên mỗi ngày một nhiều. Cái địa danh ấp Nhà Lầu có lẽ ra đời từ đó. Ông Phạm Minh Dũng nói: Nông dân chúng tôi xác định con tôm không còn là chủ lực mà cây lúa mùa địa phương mới là nguồn thu bền vững. Một vụ lúa mùa đặc sản kết hợp với nuôi thủy sản tùy loại là chắc ăn như bắp. Ông Thái cho biết thêm: Sở dĩ bà con nông dân làm giàu được là nhờ vào đất mẫu. Bình quân hộ gia đình 3ha trở lên chiếm hơn 50% số hộ đang sinh sống.

Tạm rời khu phố nhà lầu nông thôn sang vùng trồng khóm Ba Đình đã từng vang danh khắp Nam kỳ lục tỉnh. Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc nhớ lại cách đây 6 năm, khu vực Ba Đình được phép chuyển đổi đất sản xuất kém hiệu quả sang nuôi tôm thuộc các xã Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A, Ninh Thạnh Lợi…trong nháy mắt đất khóm thành đất nuôi tôm. Ông Ngô Văn Thuận, ấp Lộ Xe, xã Vĩnh Lộc A trước khi trở thành ông “ba tôm” đã có trên 50 công trồng khóm mỗi năm thu hoạch thu gần trăm triệu đồng. Chính từ đây hàng ngàn hộ dân ở Ba Đình bỏ đất trồng khóm chuyển sang nuôi tôm kết hợp trồng lúa và cây khóm bây giờ gần như biến mất, chỉ còn khoảng 60ha được trồng rải rác ở các địa phương. Bây giờ cây lúa mùa đặc sản kết hợp nuôi trồng thuỷ sản là số 1 ở cánh đồng này.

Ông Diệp Văn Cảnh, Phó phòng NN – PTNT huyện Hồng Dân cho biết: Cánh đồng chó ngáp nay là vùng trồng lúa mùa đặc sản đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Thương hiệu độc quyền cho gạo một bụi đỏ kết hợp với nuôi tôm, cá, cua…

Định hướng của huyện là đẩy mạnh phát triển vùng lúa đặc sản 1 bụi đỏ và kế họach 2009 phát triển 10.000 tấn gạo theo tiêu chuẩn GAP. Cánh đồng “chó ngáp” hiện tại đã thu về đô la từ con tôm và trong tương lai vùng lúa mùa đặc sản cũng là nguồn thu đô la cho tỉnh.



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường