Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nuôi cá, chưa hợp đồng thì... “treo ao”
16 | 02 | 2009
Năm 2008 xuất khẩu cá ba sa thu được 1,4 tỉ USD. Nhưng do bị thua lỗ nên hiện khoảng 40% diện tích ao nuôi đang bị “treo” khiến doanh nghiệp (DN) chế biến hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu.

Hội thảo “Bàn biện pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra, tôm nước lợ vùng ĐBSCL” vừa được Bộ NN&PTNT tổ chức tại TP Cần Thơ nhằm tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn trên.

“Treo ao” kéo theo “treo máy”

Giảm giá thành để bán nhiều hơn

Theo kế hoạch phát triển năm 2009, diện tích nuôi cá tra tại ĐBSCL là 6.000ha với sản lượng 1,2 triệu tấn. Mặc dù có nhiều dự báo khó khăn nhưng theo ông Nguyễn Hữu Dũng - chủ tịch VASEP, tình hình năm 2009 sẽ khả quan hơn.

Khó khăn về kinh tế sẽ khiến người dân các nước thắt chặt chi tiêu, nhưng sản phẩm cá tra VN với lợi thế giá cả vừa phải sẽ thích hợp với sự lựa chọn của nhiều người. Theo ông Dũng, để khai thác thêm thị trường cần phải giảm giá thành sản xuất, cụ thể nên cho nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn từ nước ngoài có giá thấp để hạ giá thành.

Theo Cục Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN&PTNT), năm 2008 diện tích nuôi cá tra tại khu vực ĐBSCL khoảng 6.000ha với sản lượng trên 1,1 triệu tấn. Giá thành bình quân mỗi ký cá 14.500-17.000 đồng trong khi giá bán chỉ từ 12.800 - 14.500 đồng/kg khiến người nuôi lỗ nặng.

Cá biệt tại thời điểm tháng 6-2008, lượng cá tồn trong các ao lên đến 300.000 tấn do không có người mua. Mặc dù sản lượng xuất khẩu tăng gần 50% so với năm 2007 nhưng giá chỉ còn 2,26 USD/kg so với 2,53 USD/kg của năm 2007 khiến diện tích ao nuôi giảm gần 700ha chỉ trong vòng sáu tháng cuối năm 2008.

Còn hiện nay, theo thống kê, tại các địa phương đã có khoảng 40% diện tích ao nuôi bị “treo” do nhiều người bị phá sản từ vụ trước hoặc chưa dám thả cá vì đầu ra cá ba sa chưa ổn định.

Ông Lê Vĩnh Tân - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết năm 2008 diện tích nuôi cá tra của tỉnh trên 1.400ha, nhưng năm 2009 quy hoạch lại còn 950ha. Chỉ 60% diện tích trong số này người dân tiếp tục nuôi, số còn lại vẫn bỏ trống.

Theo ông Huỳnh Thế Năng - phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - khi nào DN chưa ký hợp đồng nhằm đảm bảo quyền lợi thì người dân chưa vội trở lại nuôi cá. Ông Năng cho rằng khó khăn hiện nay cũng là cơ hội để siết lại công tác quy hoạch, quản lý, tổ chức sản xuất để nâng cao chất lượng và giá trị.

Liên kết: có nhưng còn lỏng lẻo

Cũng liên quan đến giảm giá thành, vấn đề liên kết giữa DN và người nuôi cũng được xới lên. Vấn đề này không mới nhưng khi triển khai vẫn cứ trục trặc. Ông Nguyễn Thiện Pháp ở Hòa Lạc, Phú Tân (An Giang), nuôi bảy ao với tổng diện tích gần 10ha, mỗi năm đạt sản lượng cả ngàn tấn cá tra. Bao năm qua ông tự vay vốn ngân hàng, tự sản xuất con giống, chế biến thức ăn viên để nuôi cá, nhưng đến kỳ thu hoạch thì tự chạy tìm nơi tiêu thụ. Sau đợt khủng hoảng đầu ra làm thua lỗ nặng nề hồi cuối năm ngoái, ông đành từ giã nghề đã chục năm gắn bó. “Nuôi cá ngày càng khó, bán được cá càng khó hơn. Thà nghỉ cho xong!” - ông than.

Năm 2008 Đồng Tháp có sản lượng cá tra đạt 285.000 tấn, nhưng chỉ 30% sản lượng có hợp đồng bao tiêu theo hình thức ứng một phần vốn cho người nuôi vào cuối đợt thu hoạch. Tại Vĩnh Long mới có Công ty Hùng Vương đứng ra hợp đồng đầu tư tiêu thụ 10.000 tấn cá của ba HTX ở huyện Mang Thít, trong khi sản lượng toàn tỉnh trên 110.000 tấn...

Theo Cục Kinh tế hợp tác & phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), việc liên kết theo hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm cá tra, cá ba sa giữa sản xuất (người nuôi) và chế biến xuất khẩu (DN) còn hạn chế, khâu thực hiện còn nhiều khó khăn. Không ít DN chưa thực hiện đúng cam kết, đơn phương phá vỡ hợp đồng, thậm chí ép giá thu mua. Cũng có người nuôi hủy hợp đồng, tìm nơi khác bán cá giá cao hơn.

Xắn tay cùng liên kết

Tuy nhiên, cũng có những mô hình liên kết ban đầu đã đem lại hiệu quả. Tại An Giang, từ năm 2005 Công ty Agifish chủ động thành lập Liên hiệp sản xuất cá sạch APPU với việc các hộ nuôi cam kết nuôi cá sạch cung cấp cho công ty thông qua hợp đồng. Từ 19 hộ ban đầu tới nay có 32 hộ tham gia, liên hiệp có sản lượng đáp ứng 60-70% nhu cầu chế biến xuất khẩu của công ty. Ông Ngô Phước Hậu, tổng giám đốc Công ty Agifish, cho biết tới đây sẽ tiếp tục mở rộng mô hình này.

Hiện một số DN cũng tính tới việc liên kết cùng nông dân để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định. Ông Trương Vĩnh Thành, tổng giám đốc Công ty Đầu tư & phát triển đa quốc gia (Đồng Tháp), cho biết đơn vị đang đầu tư cho nông dân An Giang, Đồng Tháp nuôi gia công. Còn ông Phan Văn Tuấn, trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH An Xuyên, cho biết công ty sẽ bắt tay với nhà máy sản xuất thức ăn. Nông dân ký hợp đồng tiêu thụ với công ty sẽ được nhà máy cung cấp thức ăn. Khi thu hoạch bán cá xong, công ty sẽ đứng ra thu hồi tiền cho nhà máy... “Chỉ có giải pháp bắt tay với nông dân mới chủ động và kiểm soát được nguồn nguyên liệu” - ông Tuấn nói.

Bốn nhóm giải pháp cho cá tra

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, với cá tra, cá ba sa, bộ sẽ đưa ra bốn nhóm giải pháp. Thứ nhất, phải rà soát các trang trại, hộ nuôi và gỡ khó, đặc biệt là đối với những hộ sản xuất nhỏ không còn khả năng vay vốn. Những hộ này khó hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất vì họ đã vay và thế chấp tài sản ở ngân hàng. Vì vậy phải điều chỉnh ngay trong quý 1-2009 để chính sách đến từng hộ nuôi.

Thứ hai, hạ giá thành sản xuất, tăng cường chất lượng, sớm hình thành các trung tâm giống, đưa thức ăn thành phẩm vào danh mục để kiểm soát giá, chất lượng. Nếu vẫn chưa kéo được giá thức ăn xuống thì sẽ cho nhập mặt hàng này vào. Thứ ba, giải quyết tốt mối quan hệ người nuôi và DN theo hướng có những văn bản ràng buộc DN trong vấn đề gắn kết với người nuôi. Thứ tư, tìm thị trường, bên cạnh đó phải xây dựng thương hiệu quốc gia cho cá ba sa.



Nguồn: www.tuoitre.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường