Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Cần xem cá tra là sản phẩm chiến lược Quốc gia”
14 | 02 | 2009
Lãnh đạo của một tỉnh nuôi cá tra lớn nhất ĐBSCL đã nói như vậy tại “Hội nghị bàn biện pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra, tôm nước lợ vùng ĐBSCL năm 2009” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng nay 12/2 tại Cần Thơ.

Dù cho điều kiện năm 2008 gặp nhiều khó khăn (khủng hoảng kinh tế, giá cả biến động…) nhưng theo bà Trần Thị Biên, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông-Lâm-Thủy sản và nghề Muối thì tình hình xuất khẩu cá tra và tôm vẫn tăng.

Cụ thể khối lượng tôm tăng trên 18,8%, giá trị tăng trên 7,7%, còn khối lượng cá tra tăng 65,6%, giá trị tăng 48,4% so với năm 2007 và các thị trường tiêu thụ cũng tăng đáng kể.

Còn trong năm 2009 này, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thì thị trường cá tra sẽ thuận lợi hơn năm 2008. Ông Dũng lý giải, vì giá cá tra rẻ trong điều kiện kinh tế khó khăn nên nhiều nước sẽ nhập khẩu cá tra.
Ông Dũng đưa ra một số giải pháp như Nhà nước phải quản lý chặt giá và chất lượng thức ăn cho cá, tôm; Bộ NN&PTNT cần đưa ra quy định cụ thể chứ không hô hào nữa. Với việc tổ chức sản xuất, ông Dũng cho rằng cần tách ra thành 2 bộ phận là: “Đại gia” nuôi cá tra và những hộ nông dân nghèo nuôi cá để có những chính sách riêng phù hợp.

Ông Nguyễn Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, một tỉnh nuôi cá tra lớn nhất ĐBSCL, bày tỏ, trên thực tế con cá tra không được chú trọng về chính sách mà hầu hết đều do người nuôi tự chủ.

Hiện giá cả còn bấp bênh, theo ông Năng, chừng nào doanh nghiệp chưa có động thái tích cực gì về giá thành thì người nông dân khoan nuôi trở lại. Ông Năng nhấn mạnh đã đến lúc “cần phải xem cá tra là một sản phẩm chiến lược như lúa gạo của Quốc gia”.

Đại diện tỉnh Cà Mau (thế mạnh về nuôi tôm) cho biết, thời gian qua giá tôm luôn tăng giảm không ổn định. Một thời gian do thiếu nguyên liệu nên nhiều nhà máy cho công nhân nghỉ luân phiên hoặc giảm công suất hơn 30%.

“Hiện nay giá thức ăn còn khá cao, giá thuốc thú y vẫn không giảm gây khó khăn cho người nuôi tôm. Bên cạnh đó do thiếu vốn sản xuất nên nhiều chủ nuôi ở Cà Mau phải treo hầm chờ thời cơ” - đại diện này khẳng định.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá, thì tự tin cho rằng cá tra là loại cá quý vì có chất lượng và giá trị. Theo ông Thắng Việt Nam có đủ điều kiện để hạ giá thành cá tra, chính việc làm chủ giá thành mới thương lượng dễ dàng ở thị trường tiêu thụ bên ngoài.

Từ đó ông Thắng đề nghị, phải cho thí điểm nhập thức ăn chế biến từ nước ngoài để tạo sự “nhúc nhích” buộc các nhà sản xuất thức ăn trong nước xem xét lại giá cả của mình cho hợp lý.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã đưa ra những giải pháp như cần rà soát lại chính sách hiện hành của Nhà nước và thực hiện quyết liệt “chứ không hô hào suông” đồng thời đề nghị các ngành liên quan triển khai kế hoạch mở rộng thị trường truyển thống và tìm kiếm thị trường mới.




Nguồn: Dân trí
Báo cáo phân tích thị trường