Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hết thừa lại lo thiếu cá
12 | 01 | 2009
Tết đã đến gần, nhưng con cá tra vẫn khiến bao người phải lo lắng. Người nuôi thì nơm nớp chờ giá lên, còn doanh nghiệp chế biến thì canh cánh nỗi lo thiếu cá nguyên liệu trong những tháng tới.

“Treo” ao chờ thời

Vụ cá vừa rồi, anh Mai Văn Nhanh thả nuôi cá tra trên 8 héc ta ao nuôi ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Dù may mắn không lỗ, nhưng thấy đầu ra khó khăn, vụ này anh quyết định “treo” ao. “Khu vực xung quanh, cũng đã có khoảng 50% diện tích ao bị bỏ không”, anh Nhanh cho biết.

Ông Lê Văn Suốt, ở cồn Đông Bà Hơi (phường Thới An, quận Ô Môn, Cần Thơ) tính toán, với giá cá loại 1 chỉ trên 14.000 đồng/ki lô gam như hiện nay, người nuôi cầm chắc mức lỗ từ 1.000 - 2.000 đồng/ki lô gam bởi giá thức ăn vụ trước vẫn rất cao.

Cũng vì vậy mà gần đây, Hợp tác xã Thới An mà ông là thành viên, dù có tới 58 ao với tổng diện tích 222 héc ta, đã chuyển sang nuôi gia công cho Công ty Hùng Vương (Tiền Giang). Toàn bộ thức ăn do công ty cung cấp, hợp tác xã chỉ lo mua cá giống và bỏ công chăm sóc, cuối vụ công ty sẽ thanh toán lại 2.500 đồng/ki lô gam. “Lãi chỉ hơn 1.000 đồng/ki lô gam. Nhưng vậy mà ăn chắc, chỉ tính toán sao cho giảm tỷ lệ cá hao hụt là tốt”, ông Suốt nói.

Tuy đây cũng là một dạng liên kết cần phát huy giữa người nuôi cá và doanh nghiệp chế biến, nhưng sự liên kết quá “chặt” này cho thấy người nuôi cá đã không còn dám tự bỏ vốn làm ăn trong bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay.

Ông Hai Hoàng, ở phường Thới An (Ô Môn, Cần Thơ) vụ rồi lỗ gần 300 triệu đồng do giá cá xuống thấp. Đó cũng là lý do khiến ông “run tay”, vụ này chỉ dám thả nuôi ba trong số sáu ao. Còn ông Ngọc Đỉnh, ở xã Trung Kiên (Thốt Nốt, Cần Thơ) có tám ao nuôi. Sau khi lỗ khoảng 500 triệu đồng vào vụ trước, nay ông quyết định chuyển sang nuôi cá bằng thức ăn tự chế, cho ăn cầm cự chờ thời...

“Lượng ao nuôi bỏ không ở An Giang vụ này chiếm khoảng 50%. Đồng Tháp cũng vậy!”, ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang (AFA), khẳng định. Ông nói, người nuôi cá đang nản và không còn vốn tái sản xuất. Riêng ông đang nuôi cá trên gần 5 héc ta mặt nước và cũng đang phải chạy vạy xin ngân hàng cho gia hạn nợ, giảm lãi suất...

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở ĐBSCL đã có 30 - 50% số hộ nuôi cá đã treo hầm, khoảng 30 - 40% số hộ bị lỗ và thâm nợ ngân hàng. Cả buổi sáng, đi dọc theo cồn Đông Bà Hơi, hầu như không còn nghe tiếng máy bơm nước chạy rì rầm như những năm trước. Nhiều ao nuôi được giao phó cho người làm thuê, còn chủ ao đi Cần Thơ, Tiền Giang... nghe ngóng thông tin giá cá, đầu ra.

Doanh nghiệp lo lắng

Tại buổi họp mặt các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp ở Cần Thơ mới đây, đại diện một số doanh nghiệp chế biến cá đều không giấu nỗi lo thiếu nguyên liệu cá trong những tháng đầu năm 2009.

“Thiếu nguyên liệu sẽ là tất yếu. Doanh nghiệp đang run!”, ông Danh thừa nhận. Ông dự đoán, sáu tháng đầu năm 2009, sản lượng cá nuôi ở ĐBSCL ước chỉ đạt tối đa khoảng 500.000 tấn. Dù rằng, theo báo cáo của các doanh nghiệp thì vùng nguyên liệu riêng của họ đã đạt sản lượng khoảng 350.000 tấn, nhưng theo ông Danh, thực tế chẳng được bao nhiêu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, sản lượng cá trong năm 2009 sẽ giảm mạnh nên không đủ đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp khi thị trường tiêu thụ khởi sắc trở lại. Dự đoán, ngay trong đầu năm 2009, lao động tại các nhà máy buộc phải giảm từ 20-45%.

Đó là điều khó tránh khi những tháng qua, khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến xuất khẩu cá tra không còn như mong muốn, giá giảm liên tục. Nhất là mới đây, thị trường Nga (chiếm 12,84% thị phần cá tra xuất khẩu) và Ukraine (đứng thứ 2 với 9,98% thị phần) đã tạm ngưng hợp đồng mua cá...

Ông Nguyễn Đình Huấn, Phó tổng giám đốc Agifish (An Giang), thừa nhận một số doanh nghiệp đang lo lắng về tình trạng thiếu cá nguyên liệu. Tuy thiếu cá, giá chỉ tăng khi đầu ra khả quan trở lại. Nhưng khi nào thị trường tiêu thụ sẽ tốt hơn? Đây cũng là điều mà chính các doanh nghiệp cũng không đoán được nên làm sao dám tổ chức hợp đồng bao tiêu hoặc định hướng cho người nuôi.

“Những tháng đầu năm 2009, Agifish cũng có nhiều đơn đặt hàng. Tuy nhiên, nhà nhập khẩu yêu cầu rất khắt khe về chất lượng và giá. Như cá phi lê thịt trắng loại 1 (từ 120-170 gam/miếng) giá hiện là 3 đô la Mỹ/ki lô gam, còn loại cấp thấp chỉ ở mức 1,6 đô la Mỹ/ki lô gam”, ông nói.

Lẽ dĩ nhiên, người tiêu dùng nhiều nước vẫn phải ăn cá, có khác chăng là giá cả thế nào để họ chấp nhận được. Do đó, nhiều người dự đoán giá cá trong những ngày tới sẽ nhóng lên, khi nguồn cung thấp hơn cầu.




Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn
Báo cáo phân tích thị trường