Các thị trường nhập khẩu hạt điều của Việt Nam đang chững lại, các sản phẩm điều xuất khẩu chủ yếu ở dạng nhân thô và dầu thô, giá trị gia tăng thấp.
Trong khi đó, điều tiêu thụ nội địa chiếm tỉ lệ rất thấp khoảng 1-2%, phó cục trưởng cục trồng trọt Nguyễn Văn Hòa cho biết tại buổi hội thảo về phát triển cây điều do bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 6/3/2009 tại TP.HCM.
Sắp lọt vào câu lạc bộ 1 tỷ USD
Theo ông Hòa, năm 2008, sản lượng điều thô trong nước ước đạt 350 ngàn tấn, sản lượng chế biến 670 ngàn tấn, nhân điều xuất khẩu 167 ngàn tấn, tăng 9,87% về lượng so với 2007.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 920 triệu USD, tăng 41,32% về giá trị so với 2007; giá xuất khẩu bình quân 5.508 USD/tấn.
Chất lượng nhân điều thời gian qua, tuy chưa hoàn hảo nhưng vẫn được thị trường thế giới chấp nhận. Vệ sinh an toàn thực phẩm ở một số nơi chưa đạt yêu cầu đang dần được cải thiện. Hoa Kỳ, Trung Quốc, Úc, Hà Lan, Anh, Nga, Trung Đông, Thái Lan là những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam.
Nhưng sản lượng trong nước tiếp tục giảm
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là diện tích trồng điều thời gian gần đây đang thu hẹp dần, sản lượng bấp bênh.
Thứ nhất, do đất trồng điều phổ biến là đất xấu, thiếu nước tưới, khó có điều kiện thâm canh.
Đa số diện tích điều trồng bằng hạt, giống cũ có năng suất nhưng chất lượng hạt không cao. Một số diện tích đã già cỗi (25%), trồng mật độ dày (400 cây/ha) không tỉa cành tạo tán, việc đầu tư chăm sóc còn thấp so với nhu cầu thâm canh.
Thứ hai do, giá cả mua không ổn định, có thời điểm giá xuống rất thấp trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao, ảnh hưởng đến giá thành sản xuất làm thu nhập của người trồng điều thấp (khoảng 10 - 16 triệu đồng/ha/năm), khả năng cạnh tranh thấp.
Theo ông Hòa, nguyên nhân do thu nhập của người trồng điều thấp (khoảng 10 - 16 triệu đồng/ha/năm) nên khó có điều kiện cải tạo vườn điều.
Ba là, năng suất điều còn thấp do trồng giống cũ, điều kiện canh tác kém phù hợp, thiếu đầu tư thâm canh; từ đó hiệu quả kinh tế không cao nên khó cạnh tranh với các loại cây trồng khác.
Một số tỉnh có diện tích giảm như Khánh Hoà (4.100 ha), Bình Định (3.000 ha), Dak Lak (2.900 ha), Bình Thuận (2.600 ha), Bình Dương (2.408 ha), Bình Phước (2.082 ha)…
Bốn là, nhà máy chế biến phát triển nhiều nhưng nhỏ lẻ, mất cân đối giữa năng lực chế biến và nguyên liệu. Chưa có sự liên kết thống nhất giữa các doanh nghiệp, đôi lúc tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh làm ảnh hưởng đến giá cả, chất lượng sản phẩm.
“Các doanh nghiệp chế biến chưa chú ý đầu tư cho vùng nguyên liệu, chỉ chế biến ra bán thành phẩm, thiếu đa dạng hóa sản phẩm nên giá trị chưa cao.
Năm là, một vài nơi quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức cũng làm mất sức cạnh tranh của hạt điều ở thị trường xuất khẩu”, ông Nguyễn Đức Thanh, chủ tịch hiệp hội Điều Việt Nam nhìn nhận.
Hiện nhân điều xuất khẩu của Việt Nam chiếm 50% thị phần thế giới.
Năm 2009, ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng toàn cầu khiến giá các mặt hàng nông sản thay đổi thất thường nhưng giá điều trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục ổn định do lượng dự trữ toàn cầu thấp, trong khi diện tích đất canh tác tại nhiều nước tiếp tục bị thu hẹp, nhu cầu thế giới luôn đứng ở mức cao.