Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đưa kinh tế nông nghiệp tăng trưởng vững chắc
04 | 09 | 2007
Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn mới đạt 4,5 triệu đồng. Để phát triển nông thôn theo hướng bền vững cần xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn; thống nhất cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở...

Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn mới đạt 4,5 triệu đồng. Để phát triển nông thôn theo hướng bền vững cần xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn; thống nhất cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở...

Từ nay đến 2010 khu vực nông thôn các tỉnh miền Bắc sẽ phấn đấu tăng trưởng kinh tế từ 9-11%. Để đạt được chỉ tiêu này, sáng nay (7/6) tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Hội nghị phát triển nông thôn các tỉnh phía Bắc” để bàn các giải pháp thực hiện và đẩy nhanh việc thực hiện nông thôn mới.

Sau 5 năm, kinh tế ở khu vực nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5%/năm. Ngoài việc tập trung sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và kinh tế trang trại, các ngành nghề chế biến, tiểu thủ công nghiệp cũng đã thu hút được hàng chục ngàn lao động. Thu nhập bình quân của 1 người ở khu vực vào khoảng 4,5 triệu đồng/năm. Việc phát triển cơ sở hạ tầng đã thu hút đông đảo người dân tham gia đóng góp, đến nay 98% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm.

Tuy nhiên, theo đánh giá đưa ra tại hội nghị, trong giai đoạn 2000-2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp trung bình đạt khoảng 5%/năm là chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thật vững chắc, còn mang tính tự phát. Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chỉ ra rằng, nguyên nhân của sự tăng trưởng chưa vững chắc này là do phát triển còn chưa có quy hoạch đầy đủ, những nơi đã có quy hoạch thì quản lý, thực hiện còn yếu kém, nhất là cấp huyện, xã. Sản xuất nông nghiệp thiếu tính ổn định và bền vững, trong khi các tổ chức kinh tế tập thể, trong đó hợp tác xã là nòng cốt lại phát triển chậm.

Tại hội nghị, nhiều địa phương đã nêu ra những tồn tại khó khăn làm cản trở tốc độ phát triển kinh tế nông thôn như thiếu sự liên kết 4 nhà, đầu ra của sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định, còn trông chờ và ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, đặc biệt là các hợp tác xã chưa phát huy được tiềm năng tương xứng, mới chỉ tập trung phục vụ kinh tế hộ. Ông Trần Văn Ngừng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Định Tường (huyện Yên Định, Thanh Hóa) cho biết, do các vướng mắc trong thủ tục hành chính nên vốn vay đến được tay người nông dân còn rất khó. Bên cạnh đó việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa cũng gặp không ít khó khăn. Người dân mới chỉ sản xuất theo phương thức tự cung tự cấp, còn sản xuất thành hàng hóa vẫn còn rất hạn chế.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong thời gian tới, các địa phương cần phải kết hợp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu đến năm 2010 đưa tốc độ tăng trưởng lên 9-11%; 82% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã; 90% số hộ sử dụng điện và phổ cập giáo dục tiểu học. Để đạt được các mục tiêu đó, các địa phương cần có quy hoạch phát triển nông thôn theo hướng bền vững, lựa chọn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương, gắn sự phát triển kinh tế với cải tạo điều kiện sinh hoạt của các khu vực dân cư. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nêu ra 3 định hướng: Thứ nhất, các địa phương cần tiến hành hỗ trợ các xã xây dựng quy hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn để bà con bàn bạc với nhau xác định hướng đi phù hợp với nguyện vọng của bà con nông dân; Thứ hai phải thống nhất cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân; thứ ba, tổ chức cho bà con nông dân thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm tập huấn và đào tạo cán bộ./.

 

VOV 



Báo cáo phân tích thị trường