Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp dệt may trước sức ép phải thay đổi
10 | 04 | 2009
Hàng loạt những thay đổi về nhu cầu thị trường buộc các doanh nghiệp dệt may phải chuyển mình

Kim ngạch xuất khẩu dệt may trong quý I chỉ đạt 1,903 tỉ USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM (AGTEX): Điều đáng lo ngại là lần đầu tiên trong lịch sử xuất khẩu, ngành dệt may sụt giảm không đều, nghĩa là vẫn có những doanh nghiệp (DN) làm không hết đơn hàng.

 

Ngược lại có nhiều DN không có hàng để làm. Dấu hiệu đó cho thấy đang tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro cho ngành chủ lực xuất khẩu đứng thứ 2 này. “Phân tích sâu cho thấy, các nhà nhập khẩu đang thay đổi lớn về nhu cầu thị trường. Muốn có đơn hàng, các DN dệt may buộc phải thay đổi”- ông Kiệt khẳng định.

 

Khó cho những DN gia công

 

Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3, cho biết: Giá xuất khẩu các mặt hàng dệt may sang Hoa Kỳ đang giảm 15%, sang EU giảm 5% - 7%, sang Nhật giảm 3%. Còn bà Jocelyn Trần, Chủ tịch Ủy ban Dệt may, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại VN, cho rằng: Doanh thu của nhiều hệ thống bán lẻ may mặc lớn ở Mỹ sụt giảm, như trong tháng 2 - 2009 A&F giảm 24%, Gap Inc. giảm 12%, Limited Brands giảm 11%, JCP Co. giảm 7%... Dự đoán thị trường bán lẻ may mặc Hoa Kỳ sẽ bị âm trong năm nay nên các đơn hàng chỉ được đặt vào phút cuối nhằm giảm hàng lưu kho và hạ chi phí.

 

Tương tự, theo Nghiệp đoàn Dệt may miền Bắc Milan (Ý), doanh thu hằng năm từ 500 triệu euro nay bị sụt giảm đáng kể. Trước sức ép giảm chi phí nên chỉ có những DN sản xuất hàng FOB (mua đứt – bán đoạn, tức các DN phải chủ động tham gia vào quá trình sản xuất, chia sẻ các công đoạn) sẽ có cơ hội nhận đơn hàng, còn những DN chỉ gia công chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.


Nguyên phụ liệu dệt may đa dạng đang là đòi hỏi bức thiết của các đối tác nước ngoài. Ảnh: H.MAI

 

Theo các chuyên gia, DN dệt may phải hướng đến việc sản xuất hàng FOB. Dù chậm nhưng đây vẫn là thời điểm hợp lý để thực hiện. Ngoài lợi nhuận cao từ hàng FOB mang lại, các nhà nhập khẩu còn thích hàng FOB vì nhận được nhiều chia sẻ của nhà sản xuất mang lại như các công đoạn thiết kế mẫu, phát triển rập, chỉ định nguyên phụ liệu...


Phải có điều chỉnh

 

Bà Jocelyn Trần nhận xét: Nguyên phụ liệu địa phương là điểm hạn chế của hàng dệt may trong nước. Các DN chưa có thói quen bỏ chi phí ban đầu để giới thiệu một vài mã hàng làm từ nguyên phụ liệu trong nước mà vẫn sử dụng hàng nhập nên hạn chế về giá, chủng loại. Thời gian làm giá sản phẩm thường mất từ 3 ngày đến 1 tuần, trong khi các nước chỉ cần trong ngày là đã có giá.

 

Cách họ làm là thấy mẫu na ná giống nhau là áp chung một mã hàng, còn các DN trong nước xét nét từng chi tiết để cho ra giá khác nhau, đôi khi chỉ chênh vài cents/sản phẩm. Đây là hệ quả của cách nhìn doanh số trên từng mã hàng chứ không nhìn doanh số hằng tháng. Ngoài ra, việc tránh để sai sót trong quá trình sản xuất cũng giúp DN giảm chi phí sản xuất vì mỗi công đoạn sửa sai phải tốn 2 USD.

 

Bên cạnh đó, theo ông Kiệt có ba tiêu chí cần phải được các DN điều chỉnh. Đối với tiêu chí chọn ngân hàng, từ trước đến nay, các DN thường chọn ngân hàng thông qua lãi suất thấp, có khi trong 6 tháng đổi đến 3 ngân hàng. Khi cần khoản vay lớn và ổn định lại không tìm được ngân hàng thân thiết. Vì vậy, các DN nên chú ý đến uy tín ngân hàng cùng các chính sách hỗ trợ lâu dài.

 

Đối với tiêu chí hợp tác với khách hàng, nhà máy không chỉ lo sản xuất mà phải chủ động chia sẻ khó khăn với đối tác thông qua cách thanh toán, giá. Đối với tiêu chí nhà cung cấp, DN phải yêu cầu nhà cung cấp cam kết giá rẻ nhất, giao hàng nhanh, khả năng cung ứng liên tục...  

Bài toán về nhân lực cũng cần được các DN chú ý. Cách làm quen thuộc đối phó với tình trạng lao động nghỉ việc là tuyển dụng mới. Song theo nghiên cứu của AGTEX, để đào tạo một lao động phổ thông thành lao động lành nghề phải tốn 1.000 USD/lao động. Nếu ước tính mỗi năm một nhà máy có 1.000 lao động phải tuyển dụng 10% lao động mới thay cho lao động nghỉ việc, sẽ tốn khoảng 100.000 USD, trong khi chỉ cần 50.000 USD để giữ lao động cũ. Đây cũng là chi phí được tính vào giá thành sản phẩm chi phối yếu tố cạnh tranh.

Lợi ích từ việc xuất hàng FOB

Một trong những đơn vị mạnh dạn thay đổi kế hoạch chỉ sản xuất hàng gia công chuyển sang hàng FOB là Công ty CP Garmex Sài Gòn. Ông Nhữ Hồng Thanh, Phó Tổng Giám đốc công ty, cho biết: Để làm hàng FOB, các DN phải đầu tư nhiều vào khâu phát triển mẫu. Hiện nay, công ty có 12 nhân viên thiết kế, làm rập và 80 công nhân chuyên may mẫu. Khối kinh doanh gồm 15 nhân viên sẽ chịu trách nhiệm giới thiệu mẫu cho các nhà nhập khẩu và thực hiện làm giá qua mạng. 

Ban đầu chỉ sản xuất hàng FOB trị giá khoảng vài tỉ đồng, đến nay công ty đã sản xuất 80% đơn hàng FOB, 20% đơn hàng gia công với tổng doanh thu năm 2008 đạt 448 tỉ đồng (tăng 90 tỉ đồng so với năm 2007). Trong khi nhiều DN khó khăn về đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng gia công thì Garmex Sài Gòn đã có đơn hàng đến tháng 11 và đa số là đơn hàng FOB.



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường