Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Giải cứu” doanh nghiệp dệt may, da giày
21 | 01 | 2009
Hôm qua, 20-1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có cuộc họp trực tuyến với các doanh nghiệp dệt may, da giày tại 3 đầu cầu Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho 2 ngành có kim ngạch xuất khẩu và sử dụng lao động lớn nhất nhì cả nước này.

“Năng nhặt chặt bị”

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu 13% tuy không cao nhưng các ngành đều hết sức khó khăn. Mục tiêu của Chính phủ là duy trì xuất khẩu, sản xuất và an sinh xã hội. Dệt may và da giày không những là ngành xuất khẩu chủ lực mà còn sử dụng nhiều lao động nhất với trên 2 triệu lao động. Vì vậy, trước hết là phải duy trì được sản xuất và công ăn việc làm cho lao động.

Công nhân Tổng Công ty Dệt Phong Phú sản xuất khăn xuất khẩu. Ảnh: THÀNH TÂM

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Năm 2008, ngành dệt may không đạt được tăng trưởng nhưng vẫn ở mức hai con số nhưng bước sang tháng 1-2009 thì tình hình ngày càng xấu.

“Hiện chỉ một số ít doanh nghiệp lớn, có đơn hàng, thậm chí có doanh nghiệp vẫn thừa đơn hàng như May 10, Việt Tiến, Nhà Bè..., thậm chí có 1 số đơn vị đã đủ đơn hàng đến tháng 4. Khó khăn rơi chủ yếu vào các doanh nghiệp nước ngoài chỉ đầu tư để xuất khẩu sang Hoa Kỳ và các doanh nghiệp nhỏ” – ông Lê Quốc Ân nói.

Nhận định của Hiệp hội dệt may cũng cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu quý 1-2009 sẽ thấp hơn cùng kỳ 2008. Nhưng mục tiêu lớn nhất của ngành dệt may hiện nay là ổn định công ăn việc làm cho người lao động, còn mục tiêu xuất khẩu 9-10 tỷ USD có thể kém hay nhiều hơn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Các doanh nghiệp dệt may cũng đang “tự cứu mình” bằng cách cải thiện năng suất và chất lượng, “năng nhặt chặt bị” bằng cách “tấn công” vào các thị trường mới và thị trường nội địa.

Tuy nhiên, để giải quyết được vấn đề này, ngành dệt may và da giày cần sự giúp đỡ nhanh hơn, mạnh hơn từ phía Chính phủ. Vẫn theo ông Lê Quốc Ân, gói kích cầu của Chính phủ tuy đã hỗ trợ 4% lãi suất nhưng chưa đủ, quan trọng là dành 1% kim ngạch để hỗ trợ thu nhập cho công nhân. Đây sẽ là động lực lớn để đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành dệt may và da giày đều “đồng lòng” đề xuất tiếp tục hạ lãi suất cho vay và kiến nghị. Chính phủ  nên hoãn xem xét tăng giá nguyên liệu đầu vào như điện.

Phát triển công nghiệp phụ trợ

Năm 2009, Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến nhận thêm 5.000 lao động để phát triển sản xuất. Ảnh: Sản xuất cổ áo trong dây chuyền may áo sơ mi xuất khẩu. Ảnh Thành Tâm

Trước đề xuất hạ lãi suất ngân hàng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, với áp lực hiện nay, lãi suất sẽ còn xuống tiếp nhưng không nhiều như trước. Về gói kích cầu 17.000 tỷ nếu hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp ở mức 2% thì thiếu rất nhiều, nên đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng nêu kiến nghị: trước mắt hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu theo 3 tiêu chí: duy trì tạo điều kiện công ăn việc làm lớn, sử dụng tối đa nguồn lực trong nước, hiệu quả sử dụng dự án nhanh từ 3-1 năm (riêng đối với doanh nghiệp xuất khẩu thì có thể hỗ trợ lãi suất ở mức 4%).

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Bùi Xuân Khu: Ngành dệt may đã đề nghị hỗ trợ 100 triệu USD trên tổng giá trị xuất khẩu 10 tỷ USD, trong khi da giày chưa có đề xuất nên cần trao đổi kỹ với Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng cho biết một tin vui: Đối với việc phát triển công nghiệp phụ trợ – ngành liên quan nhiều đến dệt may và da giày, vừa qua, Nhật Bản đã hứa sẽ giúp Việt Nam phát triển công nghiệp phụ trợ, trước hết là cho ngành dệt may để tăng giá trị xuất khẩu sang Nhật. Bộ trưởng cũng hoan nghênh Hiệp hội Da giày dã tạo điều kiện cho đoàn kiểm soát của EU sang giám sát, bước đầu cho thấy, không có biểu hiện chứng tỏ Việt Nam bán phá giá vào EU nên cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ để EU sớm có kết luận da giày Việt Nam không bán phá giá.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, khó có thể dự đoán tình hình 2009 diễn biến xấu đến mức nào. Theo dự kiến xuất khẩu, riêng đối với dệt may, da giày là bị sụt khoảng 2 tỷ USD nhưng về tổng xuất khẩu lên tới 12 tỷ USD, 12 tỷ USD trên tổng giá trị 71 tỷ USD XK là con số tương đối lớn, đây chính là vấn đề lao động, vấn đề việc làm, thu nhập xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, mục tiêu xuất khẩu phải giữ vững được thị trường truyền thống và phát triển thị trường trong nước, tìm thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu để đảm bảo đời sống người lao động cũng như an sinh xã hội. Tiếp tục tìm kiếm các hợp đồng xuất khẩu mới bởi Mỹ phục hồi mà ta chưa tìm kịp hợp đồng thì sẽ mất hết thị trường.



Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị
Báo cáo phân tích thị trường