Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Điện, than, thép và phân bón...Vượt đích
08 | 12 | 2007
Hoạt động sản xuất công nghiệp của ngành công thương 11 tháng đã có nhiều kết quả khả quan, hầu hết các mục tiêu tăng trưởng đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Điện, than, thép và phân bón: sản lượng tăng cao

Sản lượng điện tháng 11 ước đạt 5,6 tỉ kWh, tăng 13,3%, tính chung 11 tháng của năm 2007 ngành điện đạt 60,9 tỉ kWh, tăng 12,9%, trong đó điện mua từ nước ngoài khoảng 15,4 tỷ kWh, với doanh thu đạt 46,1 nghìn tỉ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng than sạch tháng 11 ước đạt 3,5 triệu tấn, tăng 4,4% so với tháng trước; 11 tháng ngành than đã đạt 37,3 triệu tấn, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Tiêu thụ than 11 tháng khoảng 36,8 triệu tấn, tăng 9,%, trong đó xuất khẩu khoảng 21,6 triệu tấn, tăng 13,0%, tiêu thụ trong nước khoảng 15,2 triệu tấn, tăng 6,% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giá phôi thép tăng cao, nhưng sản lượng thép toàn ngành tháng 11 đạt 365 nghìn tấn và tính cả 11 tháng của năm 2007 đạt 3,7 triệu tấn, tăng 10,2%.

Do tình hình mưa lũ lan rộng ở khu vực phía Nam và miền Trung, Tây Nguyên nên thị trường phân bón phía Nam vẫn chưa thực sự sôi động. Tại thị trường phía Bắc, nhu cầu phân bón đã tăng, đặc biệt các sản phẩm chứa lân như supe photphat, phân lân nung chảy. Chỉ riêng Công ty Supe photphat và Hoá chất Lâm Thao từ đầu tháng 11 đến nay đã tiêu thụ 2.000 tấn supe lân/ngày, tăng 15- 20% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều sản phẩm phân bón trong 11 tháng qua đã tăng cao so với cùng kỳ như: phân đạm urê đạt 880 nghìn tấn, tăng 20,9%, phân bón NPK đạt 1,68 triệu tấn tăng 24,1%.


Dệt may vượt kế hoạch, da giày gặp khó

Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiến hành đánh giá lần thứ nhất số liệu NK hàng dệt may Việt Nam từ tháng 1 đến 7/2007 và đưa ra quyết định sẽ vẫn duy trì cơ chế giám sát này cho đến hết năm 2007 và tiếp tục tiến hành đợt giám sát thứ hai vào tháng 3/2008. Điều này đã khiến các DN đang có thị phần tại thị trường Hoa Kỳ chịu nhiều thiệt thòi. Tuy nhiên, kim ngạch XK dệt may cả nước tháng 11 ước đạt 700 triệu USD, tính chung cả 11 tháng đạt 7,05 tỉ USD, tăng 32,0% so với năm 2006. Dự báo ngành dệt may sẽ đạt và vượt kế hoạch XK năm 2007 là 7,35 tỉ USD. Trái với hoạt động khả quan của ngành dệt may, tình hình sản xuất kinh doanh tháng 11 của ngành da giày tiếp tục gặp khó khăn, đặc biệt về lao động. Hiện nay đang vào vụ sản xuất chính nên các doanh nghiệp sản xuất hết công suất, nhưng do thiếu lao động, nên các doanh nghiệp chỉ ký lượng hợp đồng phù hợp với năng lực của mình. Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước đạt 320 triệu USD, bằng cùng kỳ năm trước, cộng chung 11 tháng, cả nước XK được 3,53 tỷ USD, tăng 9,5%. Điều cần làm đối với ngành da giày trong tháng 12 là phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về thị trường, cơ cấu sản phẩm và cung ứng nguyên phụ liệu, tăng cường liên kết để tăng quy mô sản xuất, hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Để đạt kế hoạch đề ra trong năm 2007, ngành da giày phải XK được 500 triệu USD trong tháng 12.

Sẽ vượt kế hoạch cả năm

Giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 11 ước đạt 52.108 tỉ đồng, tăng 4,2% so với tháng 10/2007 và tăng 17,4% so với cùng kỳ 2006; tính chung cả 11 tháng, toàn ngành đạt 519.831 tỷ đồng, tăng 17,0% so với cùng kỳ. Sản xuất ở hầu hết các DN thuộc Bộ Công Thương trong tháng 11 và 11 tháng đầu năm 2007 đều đạt tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, một số tăng khá như: Tập đoàn Dầu khí tăng 25,6%; Tổng công ty (TCT) Máy động lực và máy nông nghiệp tăng 28,5%; TCT Thiết bị điện tăng 36,9%; TCT Bia- Rượu- nước giải khát Hà Nội tăng 29,2%; Viện máy và dụng cụ công nghiệp 25,0%, Công ty Nhựa Việt Nam 28,1%...

Giá trị sản xuất công nghiệp địa phương cả nước tháng 11 ước đạt 22.723 tỉ đồng, tăng 3,6% so với tháng 10 và tăng 18,4% so với cùng kỳ; cộng dồn 11 tháng đạt 227.270 tỉ đồng, tăng 17,7% so với cùng kỳ. Những sản phẩm công nghiệp chủ yếu phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng và XK 11 tháng đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước như: điện sản xuất 12,9% tương ứng với điện thương phẩm tăng 13,5%, than sạch 12,4%, động cơ điện 26,2%, máy biến thế 18,7%, máy điều hoà nhiệt độ 56,9%...

Với kết quả quả khả quan này, Bộ Công Thương dự báo các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2007 sẽ hoàn thành và vượt kế hoạch. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành ước đạt 571,6 nghìn tỉ đồng, tăng 17,3% so với năm 2006 (kế hoạch đề ra là tăng 17-17,2%). Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước tăng 9,2%; khu vực ngoài nhà nước tăng trưởng mạnh là 24,1% và FDI tăng là 18,5%; giá trị gia tăng công nghiệp tăng khoảng 10,5%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu như điện, máy công cụ, thép cán, săm lốp ô tô máy kéo, xe máy lắp ráp, ô tô lắp ráp... đều đạt mức tăng trưởng từ 13% đến 28% so với năm 2006.



Theo www.baothuongmai.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường