Nay tại Ấn Độ, Chính phủ Ấn Độ lại tiến hành một chương trình "Đổi lương thực lấy công ăn việc làm", mà đúng hơn thì phải gọi đó là chương trình dùng lương thực để tạo công ăn việc làm. Chương trình này được bắt đầu từ cuối tuần qua tại 150 huyện nghèo nhất và chậm phát triển nhất của đất nước với mục tiêu giúp cho hàng chục triệu người dân không đủ ăn đến mức không có sức để làm việc và vì vậy có nguy cơ chết đói. Công việc trồng trọt và chăn nuôi của họ bị thất bát bởi hạn hán,lũ lụt và các thảm hoạ thiên nhiên khác. Người tham gia chương trình này sẽ nhận được 5,5 kg lương thực cho một ngày công lao động, 25% giá trị củaphần lương thực này được trả bằng tiền mặt. Công việc mà họ phải làm - có sự kiểm tra của những nhân viên thực hiện chương trình - là canh tác trên chính đất đai của họ, cũng với sự tư vấn của nhân viên thực hiện chương trình, hoặc tham gia các công việc theo sự giới thiệu của nhân viên thực hiện chương trình. Chính phủ Ấn Độ hi vọng bằng cách đó có thể giúp cho những người gặp phải hoàn cảnh khó khăn này dần thoát được ra khỏi cảnh bị đói nghèo và tự nuôi được bản thân mình. Chính phủ Ấn Độ chi cho chương trình này 450 triệu USD, chính phủ các bang thực hiện chương trình này tham gia tài chính ở mức độ nhất định. Chương trình này cũng là một cam kết của Đảng Quốc đại trong cuộc bầu cử mới đây và đã giúp Đảng Quốc đại thắng cử. Nhưng không chỉ có người sắp chết đói được lợi từ chương trình này. Cả những tập đoàn kinh doanh lương thực nhà nước hay tư nhân, những công ty vận tải và cung ứng dịch vụ tư vấn khoa học nông nghiệp cũng được lợi không kém các nhà chính trị. Điều thú vị là cả Đảng Quốc đại lẫn giới kinh tế liên quan đều không khẳng định ý tưởng dùng kinh tế làm chính trị này thuộc bản quyền của ai.