Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu hay không xuất khẩu than?
10 | 07 | 2007
Trước thông tin về sản lượng than xuất khẩu 9 tháng đầu năm nay đã đạt mức 19,8 triệu tấn, tăng 68,3% so với cùng kỳ, đã có ý kiến nên hạn chế xuất khẩu, để dành than cho việc vận hành các nhà máy điện trong thời gian tới.

Phải chăng trữ lượng than của chúng ta không còn dồi dào như trước?

Một lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam cho biết: qua thăm dò và dự báo của các nhà địa chất, trữ lượng than ở Quảng Ninh hiện có thể lên đến 10 tỷ tấn; ở đồng bằng sông Hồng kể cả thềm lục địa khoảng vài trăm tỷ tấn; và ở rải rác khắp nơi từ Bắc chí Nam có khoảng vài tỷ khối than bùn...

Than ở đồng bằng sông Hồng là loại than năng lượng, có nhiệt trị cao (6.000 kcalo) và lưu huỳnh bình quân chỉ ở mức 0,5%, chất bốc trên 40% nên rất thích hợp cho việc phát điện, sử dụng trong các ngành sản xuất hóa chất, xi măng. Than bùn, trừ ở Cà Mau không khai thác được, còn ở các nơi khác tại các miền Bắc, Trung, Nam đều có thể khai thác, dùng để phát điện hay làm phân bón.

Cũng theo dự báo, tổng nhu cầu trong nước vào năm 2010 cao nhất là 40-50 triệu tấn, và đến năm 2020 khoảng 65-70 triệu tấn than các loại.

Như vậy rõ ràng là, với nguồn than lớn lao này, chúng ta không sợ thiếu than cho sản xuất, và tham gia xuất khẩu.

Những nghịch lý đang tồn tại

Ông Đoàn Văn Kiển, Tổng giám đốc Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (gọi tắt là Tập đoàn Than), cho biết: hiện nay giá bán than cho 4 ngành sản xuất nhiệt điện, xi măng, phân bón và giấy là giá bao cấp, chỉ bằng khoảng 85%-90% giá thành sản xuất; và rất thấp so với giá xuất khẩu.

Cụ thể như than cám loại 3, bán cho các nhà máy xi măng chỉ có 385.000 đồng/tấn, trong khi giá xuất khẩu là 56 USD, tính ra chênh lệch lên tới 506.000 đồng/tấn. Một nửa trong số các nhà máy xi măng này thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam, một nửa còn lại là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Trước đây giá bán cho các doanh nghiệp nước ngoài có cao hơn, nhưng bây giờ là đồng giá. Nên có người cho rằng: lợi nhuận của ngành than đang chảy vào túi các ông Chinfong, Nghi Sơn, Luksvasi hay Sao Mai...! Than cám 4B bán cho ngành điện cũng thế, chỉ với 332.000 đồng/tấn, so với giá xuất khẩu là 37 USD, chênh lệch 256.000 đồng/tấn.

Tương tự, than cám 5 bán cho điện cũng chỉ 305.000 đồng/tấn, chênh lệch 195.000 đồng/tấn so với giá xuất khẩu là 31,5 USD...

Tính chung, tổng chênh lệch giá bán than cho 4 ngành nói trên trong cả năm 2005 vừa qua là khoảng 800 tỷ đồng. Còn nếu tính chung suốt 3 năm qua (từ 2004, khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tăng dần giá than và đến nay chưa thực hiện) thì số chênh lệch này qủa là đáng kể.

"Chính nhờ xuất khẩu mà ngành than có thể bù đắp chênh lệch, có lãi và trụ vững để phát triển được như hiện tại", ông Kiển nói và ông cũng cho biết: việc cung cấp than cho nền kinh tế trong nước vẫn là ưu tiên hàng đầu, nhất là trong tương lai.

Ví như vào năm 2010, theo tổng sơ đồ phát triển điện, mức than cho ngành điện tiêu thụ là 16-22 triệu tấn; trong lúc tổng nhu cầu của toàn nền kinh tế trong nước là 35-40 triệu tấn... Khi ấy việc xuất khẩu than chắc chắn sẽ không thể ồ ạt được. Còn hiện nay, cụ thể năm 2006, ngành điện chỉ mua 5 triệu tấn than, nên không thể dùng hết than trong nước.

Đó là chưa kể trong quá trình sản xuất có những sản phẩm trong nước rất ít sử dụng, như than cục; hoặc giá bán trong nước rất thấp trong khi giá ở nước ngoài rất cao, như than cám PCI dùng cho công nghiệp sản xuất thép (giá năm trước là 100 USD/tấn, năm nay giảm còn 64 USD/tấn). Những sản phẩm này tốt nhất là được xuất khẩu.

"Nếu giá bán trong nước tiệm cận được với giá xuất khẩu, thì chúng tôi sẽ không xuất khẩu than làm gì!", ông Kiển khẳng định.

Theo các chuyên gia ngành than cho biết, trong sản xuất than có tới khoảng 30% sản lượng là than xấu, than cám, nhiệt trị thấp chỉ khoảng 3.500 - 4.000 kcalo. Chúng ta có thể dùng loại than này để phát điện ngay ở vùng mỏ, vì Trung Quốc đã có công nghệ dùng loại than chỉ 3.200 kcalo, nửa than, nửa đá để phát điện.

Các loại than xấu, nếu không dùng phát điện tại Quảng Ninh, thì có thể xuất sang Trung Quốc, không có cách nào khác, bởi nếu không than sẽ trôi xuống biển gây ô nhiễm môi trường. Riêng năm 2006, Tập đoàn Than đã bán sang Trung Quốc khoảng 4 triệu tấn than này.

Đưa công nghệ mới vào khai thác và sử dụng

Các chuyên gia cho biết: hiện nay năng lực sản xuất than của nước ta mới đạt mức 35 triệu tấn/năm. Với mức khai thác này, trữ lượng than của chúng ta còn có thể được vài trăm năm nữa vẫn chưa cạn kiệt.

Nhưng để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, dự báo đến năm 2020 chúng ta phải khai thác được 70-80 triệu tấn than hoặc hơn thế nữa. Vấn đề đặt ra là phải nâng cao năng lực sản xuất bằng cách nhanh chóng áp dụng các công nghệ mới.

Hiện nay, với công nghệ của thế giới chúng ta đã khai thác được 2 triệu tấn/năm/hầm lò, so với trước đây mỏ lớn nhất là Vàng Gianh chỉ được 600.000 tấn/năm... Nhưng phải làm thế nào để trong tương lai gần nhất có thể đạt mức khai thác 3-4 triệu tấn, thậm chí 5 triệu tấn/năm/hầm lò.

Quan trọng hơn là sử dụng than như thế nào để có hiệu quả. Thực tế, hiện nay nhiều nơi đang sử dụng công nghệ sản xuất hết sức lạc hậu, các nhà máy nhiệt điện than hiệu suất chỉ khoảng 50-60%, và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Cần có những ứng dụng công nghệ mới trong việc sử dụng nguồn than. Còn khá hiếm hoi các nhà máy điện than như Mông Dương (2.000 MW) sử dụng công nghệ CFB được đánh giá là thân thiện với môi trường. Phải chăng công nghệ mới này có hiệu suất thấp hơn công nghệ than phun và có giá thành cao hơn; chưa kể CFB còn có nhược điểm lớn là mỗi lò máy chỉ tối đa 250 MW và hiện chỉ có các nhà sản xuất là Foster Wheller và Alstom- như theo đánh giá của một quan chức ngành điện Việt Nam- nên chưa thông dụng?

Một quan chức ngành than giới thiệu: Tập đoàn Than đang chuẩn bị nghiên cứu đưa dạng huyền phù than nước vào thay thế lò hơi của nhà máy dệt... Với công nghệ này, không cần đốt than, vừa thân thiện với môi trường, vừa hiệu quả.



(Nguồn: Thời báo kinh tế Việt Nam)
Báo cáo phân tích thị trường