Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y
29 | 04 | 2009
Từ ngày 15/6/2009, Chính phủ sẽ áp dụng quy định mới xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y theo hướng tăng hình thức và mức xử phạt, đồng thời yêu cầu áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

Các hành vi bị xử phạt bao gồm: vi phạm quy định về phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh cho động vật. Vi phạm quy định kiểm dịch động vật; vệ sinh thú y; vi phạm quy định quản lý thuốc thú y và hành nghề thú y.

Theo đó, vi phạm quy định về phòng bệnh, chữa bệnh cho động vật trên cạn sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tối thiểu 100.000 đồng đối với việc không thực hiện việc tiêm phòng vắc xin và không chấp nhận lấy mẫu bệnh phẩm để kiểm tra và cao nhất 8 triệu đồng đối với hành vi vứt động vật bị mắc bệnh, bị chết vì bệnh truyền nhiễm nguy hiểm được xác định qua chẩn đoán lâm sàng ra môi trường. Nếu là hành vi của cá nhân, tổ chức chăn nuôi động vật tập trung thì các mức phạt này có thể được tăng lên gấp 2 lần.

Nếu vi phạm quy định về chống dịch bệnh cho động vật trên cạn, như giết mổ, lưu thông, mua bán động vật, sản phẩm động vật dễ nhiễm bệnh dịch đã công bố trong vùng có dịch không theo hướng dẫn của cơ quan thú y có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền tối đa 4 triệu đồng. Mức phạt tăng lên tối đa 8 triệu đồng nếu như lưu thông động vật, sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh dịch trong vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm.

Đối với những vi phạm về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y có mức phạt tối thiểu 500.000 đồng và cao nhất là 40 triệu đồng (áp dụng cho hành vi kinh doanh động vật trên cạn bị mắc bệnh, chết vì bệnh hoặc sản phẩm của động vật đó khi chưa được cơ quan thú y có thẩm quyền kiểm tra và xác nhận được phép tiêu thụ).

Nghị định cũng quy định rõ thời hiệu XPVPHC trong lĩnh vực thú y là 1 năm, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện. Cá nhân, tổ chức bị XPVPHC sau 1 năm mà không tái phạm thì coi như chưa bị XPVPHC trong lĩnh vực thú y.



Nguồn: Nghị định số 40/2009/NĐ-CP
Báo cáo phân tích thị trường