Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quảng Ninh trúng mùa vải sớm
04 | 06 | 2009
Mặc dù còn khoảng nửa tháng nữa vải thiều mới chính thức bước vào vụ thu hoạch nhưng một số nơi ở Đông Triều, Yên Hưng, Uông Bí… đã sôi động hơn 10 ngày nay với các giống vải chín sớm, đặc sản của đất mỏ Quảng Ninh.

Cuối tháng 5 chúng tôi về Phương Nam, một trong những xã đi đầu phong trào chuyển đổi giống vải sớm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất nhì thị xã Uông Bí gặp lúc bà con đang hồ hởi thu hoạch giống vải sớm Bình Khê. Dọc đường vào thôn Phong Thái, cứ cách vài trăm mét lại có một điểm thu mua, đóng gói, bốc xếp vải lên những chiếc xe đông lạnh trọng tải trên chục tấn mang biển số của các tỉnh phía Nam đang xếp hàng nằm chờ ăn hàng.

Hỏi giá một chị vừa cân hàng xong, chị cho biết: “Hôm nay vải chín đẹp nên giá đã lên 23 (23.000 đồng/kg), mấy hôm trước còn hơi xanh chỉ đứng ở 18-19 ngàn đồng”. Anh Nguyễn Thành Đạt, đại lý một điểm thu mua tranh thủ quảng bá thương hiệu sau khi mời chúng tôi nếm thử vài trái vải giống chín sớm Bình Khê: “Đây là giống vải lai tự nhiên được phát hiện đầu tiên ở xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, một trong những giống vải có chất lượng tốt nhất, trái to, vỏ mỏng, cùi dày, nhiều nước, vị ngọt, mùi thơm mà lại chín sớm nhất hiện đang được nhân rộng ở các xã trong huyện và nhiều tỉnh lân cận”.

Biết tôi muốn tìm hiểu về tính hiệu quả của giống vải đặc sản này, anh Đạt giới thiệu tôi với chủ nhiệm HTXDV Phong Thái, Lê Thanh Hải. Dẫn chúng tôi thăm những vườn vải sớm Bình Khê sai chi chít quả đã ngả màu đỏ thẫm xen lẫn với những vườn vải thiều trái thưa thớt chỉ mới nhỉnh hơn đầu ngón tay còn xanh lè, gai còn nhọn và chưa có nước, anh Hải cho biết: Cả xã Phương Nam có 225 ha vải sớm Bình Khê thì riêng thôn Phong Thái đã chiếm tới 72 ha, năm ngoái thu 120 tấn bán giá trung bình 21-22 ngàn đồng/kg thu về trên 2 tỷ.

Gia đình anh trồng gần 800 gốc, năm ngoái thu gần 4 tấn được hơn 80 triệu, năm nay chắc khá hơn. Theo anh Hải, do hợp với đồng đất và khí hậu nên giống vải Bình Khê ít bị mất mùa như các giống vải khác, chín sớm, bán được giá cao trong khi giống vải thiều chính vụ thường hay bị mất mùa, nhiều năm rớt giá thảm hại, không hiệu quả nên cả thôn có 102 hộ thì tất cả đều đã chuyển đổi giống vải thiều sang trồng giống Bình Khê. Nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đổi cả đất lúa vùng trũng, đắp ụ trồng vải Bình Khê, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng, gấp nhiều lần cấy lúa bấp bênh. Ngoài Phương Nam, Bình Khê, các xã khác cũng bắt đầu chuyển dịch cơ cấu giống theo hướng tăng thêm giống vải sớm để rải vụ thu hoạch.

Sang huyện Yên Hưng, giống vải sớm Yên Hưng là lợi thế của huyện này cũng bắt đầu thu hoạch (giống chỉ chín chậm hơn giống Bình Khê khoảng 1 tuần). Theo chân ông Nguyễn Hữu Tuyên, người chủ trang trại trồng vải giỏi nhất thôn Mai Hòa, xã Đông Mai chúng tôi leo lên thăm những đồi vải bạt ngàn đang lên xanh mướt một màu lá, chi chít quả đã ửng hồng đến ngày thu hoạch. Nghỉ dừng chân giữa lưng chừng dốc, ông Tuyên chỉ con đường bê tông rộng chừng 1m chạy dài từ dưới chân đồi lên có độ dốc trên dưới 30o bảo tôi: “Nhờ tiền vải sớm đó chú.

ThS. Mạc Đoàn Dũng, cán bộ Phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho biết: Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 4.850 ha vải, trong đó có gần 400 ha các giống chín sớm. Vải chín sớm được trồng rải rác ở 3 huyện Yên Hưng, Đông Triều và Uông Bí bao gồm các giống Bình Khê (còn gọi là U trứng hay vải Bay), Yên Hưng (U hồng). Quảng Ninh đang phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả tập trung nghiên cứu, xây dựng mô hình thâm canh vải chín sớm theo hướng GAP nhằm rải vụ thu hoạch theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao.

Năm ngoái tôi có 300 gốc vải sớm Yên Hưng, cho thu hơn 40 triệu nên đã đầu tư bê tông hóa con đường và lắp đặt hệ thống dẫn nước tự chảy từ trên núi xuống để tưới nên vườn cây tốt hơn, ít sâu bệnh hơn, sai quả hơn, chắc lại trúng to vì năm nay vải thiều mất mùa, sản lượng giỏi lắm chỉ khoảng 55-60% so với năm ngoái”. Quả thực trên những quả đồi bát úp xen lẫn với đá to, đá nhỏ trước đây chỉ mọc toàn sim mua nay đã biến thành những vườn vải xanh tốt, sai quả.

Nói về giống vải Yên Hưng, anh Nguyễn Hữu Tư, con trai ông Tuyên cho biết: “Giống vải Yên Hưng dễ trồng, chịu hạn và không kén đất, có thể trồng trên những vùng đất đồi núi bạc màu lẫn sỏi đá như ở đây mà vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh hại, năm nào cũng sai quả, hầu như không bị mất mùa do thời tiết. Gia đình anh mới trồng được 100 gốc, đầu tư chi phí hết 1 triệu đồng, năm ngoái đã thu được 10 triệu, chưa thấy trồng cây gì lãi bằng”.



Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường