Ở Tây Ban Nha và nước Anh cũng có bức tranh tương tự. Ngược lại Đức và Hà Lan, vào những năm 80 số lượng phân khoángđược sử dụng ở mức cao nhất, rồi giảm dần vào năm 2000, nhưng vẫn còn nhiều hơn năm 1960. Được biết rằng ở các nước này đất nông nghiệp giảm mạnh và cơ cấu cây trồng cũng thay đổi mạnh từ rau và đồng cỏ qua hoa và cây cảnh nhiều hơn. Còn ở Mỹ và Canada thì sao? ở Mỹ năm 2000 lượng phân NPK sử dụng có giảm nhẹ so với năm 1980 nhưng vẫn tăng 147% so với năm 1960. Còn ở Canada thì lượng phân hóa học sử dụng vẫn theo đồ thị tăng đều qua các năm. So với năm 1960, năm 2000 tăng 6,7 lần. Ở Nhật cũng tương tự như Canada. Nhìn bức tranh tổng thể thì các nước công nghiệp phát triển mức độ sử dụng phân khoáng có xu hướng giảm xuống (do đất nông nghiệp giảm xuống). Còn các nước đang phát triển, số lượng phân khoáng được sử dụng ngày càng tăng. So với năm 1980, năm 2000 tăng gấp 2 lần. Trung Quốc, năm 1960 mới sử dụng 1.012.000 tấn, đến năm 2000, số lượng đó là 31.391.000 tấn, tăng hơn 31 lần so với năm 1960.
Ở Việt Nam, năm 1960 mới sử dụng 66.700 tấn, năm 1980 là 191.300 tấn, còn năm 2000 là 1.359.100 tấn, bằng 20 lần so với năm 1960. Và theo số liệu thống kế của Hiệp hội Phân bón quốc tế (IFA,2007) thì niên vụ 2006/2007, Việt Nam đã sử dụng đến trên 2.000.000 tấn chất dinh dưỡng NPK, so với năm 60/61 thì số phân tiêu thụ vào năm 2006/2007 đã tăng lên khoảng 30 lần.
Dự đoán trong các thập kỷ tới nhu cầu phân khoáng của thế giới và cả Việt Nam vẫn còn tăng, tỷ trọng tăng nhiều nghiêng về các nước đang phát triển. Các tập đoàn phân bón nổi tiếng trên thế giới sẽ chuyển dịch đầu tư mạnh vào các nước đang phát triển. Việt Nam cũng nằm trong chiều hướng như vậy. Hàm lượng dinh dưỡng trong phân hữu cơ thấp, muốn phân hữu cơ có đủ chất dinh dưỡng ta cần phải trộn thêm các loại phân khoáng, đó cũng là hướng đi của việc sử dụng phân bón cho nhiều thập kỷ sắp tới.