Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Có thực người trồng lúa lời 30%?
23 | 06 | 2009
Để hiểu rõ mức lời của người trồng lúa cần xem xét lại cách tính chi phí và giá thành sản xuất lúa trên cơ sở hạch toán đầy đủ các chi phí như là một doanh nghiệp (kể cả lao động gia đình, phí đất đai, phí cơ hội, bảo hiểm, bảo hộ lao động…) để có mức giá sàn bảo đảm lợi nhuận tối thiểu 30% cho nông dân trồng lúa như định hướng của ngành nông nghiệp.

Trong giai đoạn hiện nay, đất đai đã trở thành hàng hoá, thị trường đất đai đã được công nhận, thế nhưng trong sản xuất nông nghiệp, khi hạch toán kinh tế, chi phí đất đai đã không được đưa vào, công lao động gia đình, các chi phí cơ hội khác (vốn, phương tiện sản xuất,…) cũng bị bỏ quên. Cũng mảnh đất ấy, nếu sử dụng vào mục đích khác như công nghiệp, dịch vụ thì tất cả những thứ không được tính đến này lại được hạch toán đầy đủ và chi tiết, thậm chí được xem là quan trọng. Để có cái nhìn khác hơn về vị thế và hoàn cảnh người trồng lúa ở ĐBSCL. Khi phân tích chuỗi giá trị lúa gạo và những khía cạnh về chi phí, giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân 2008 – 2009 ở đồng bằng sông Cửu Long, trừ giống lúa phẩm cấp thấp đang bị chê, và tập trung so sánh gạo thơm ở TP Cần Thơ, nơi mùa màng tương đối ổn định, cho thấy:

Nhìn vào bảng thống kê trong trường hợp gạo tiêu thụ nội địa, sẽ thấy nông dân lời đến 61,31%, nhưng nếu chia từng tháng thì lợi nhuận chỉ khoảng 15,33%, thấp nhất trong chuỗi. Nếu tính đúng công lao động, “khấu hao” đồng ruộng thì riêng phần phân bón đã lấy hết phần tạm gọi là mức lời này (phân tích ở phần sau).

Nếu nhìn vào lợi nhuận của chuỗi trong trường hợp gạo xuất khẩu, nông dân trồng lúa cũng chiếm 58,98%, người ta cảm thấy lạc quan. Tuy nhiên, do chu kỳ hoàn vốn khác nhau. Do vậy để so sánh lợi nhuận giữa các tác nhân trong chuỗi một cách công bằng cần phải quy về mức lợi nhuận/tháng. Ở đó, sẽ thấy người trồng lúa vẫn thu lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi. Ngoài ra, còn phải xét đến quy mô khối lượng đóng góp của từng tác nhân. Trong khi thương lái và công ty chế biến, xuất khẩu có quy mô kinh doanh hằng năm từ 100.000-350.000 tấn gạo, còn nông dân thì quy mô chỉ khoảng 10 tấn gạo/ha/năm (bình quân 1ha/hộ, sản lượng bình quân khoảng 15 – 16 tấn lúa/năm, tương đương 9 – 10 tấn gạo/năm). Lợi nhuận (chỉ tính biến phí): 2.429đ/kg x 10.000kg = 24.290.000đ/năm. So với bình quân sản lượng gạo xuất khẩu của một công ty là 100.000 – 200.000 tấn/năm, tức là mỗi công ty cần 10.000 – 20.000 nông dân cung cấp lúa cho mình. Tuy nhiên, với tất cả chi phí thực tế, nông dân phải đạt từ 6 tấn/ha trở lên, mới có lời. Thông thường, phí cơ hội không được tính chiếm từ 31 – 38%. Như vậy, nếu tính giá thành như hiện nay (chỉ có phí nguyên vật liệu và phí thuê mướn) thì chỉ nói lên rằng người trồng lúa chỉ “ăn” vào mảnh đất, lao động và tiền vốn của chính mình mà thôi, chứ không thu lợi được gì từ việc trồng lúa, không thể có mức lời 30%.



Nguồn: www.sgtt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường