Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hội thảo về ngành hàng thuỷ sản: ĐỐI MẶT CÙNG RÀO CẢN
28 | 07 | 2009
Từ nhiều năm nay, ngành thuỷ sản luôn nằm trong Top 5 ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất Việt Nam. Con cá, con tôm Việt Nam đã đi đến hàng trăm quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có những thị trường chủ lực như Mỹ, EU, Nga, Nhật Bản… Trong điều kiện nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng giảm xuống, DN ngành thuỷ sản Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào? Xu hướng phát triển của thị trường sẽ đi về đâu? Vai trò và quyền lợi của người nông dân, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong chuỗi giá trị ngành hàng thuỷ sản. Các doanh nghiệp và người nuôi cá tra Việt Nam đã sẵn sàng và ứng phó ra sao đối với hàng loạt các rào cản thương mại còn chờ ở phía trước.

Đây là những nội dung chính được đề cập trong hội thảo với chủ đề “Đối phó với rào cản thị trường” doViện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn và Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn- AGROINFO tổ chức sáng nay 28-7-2009.

Sự sụt giảm của thị trường

Theo ThS Trần Ngọc Yến- Trung tâm AGROINFO cho biết, năm 2009, vẫn là thách thức lớn cho ngành thuỷ sản Việt Nam vì cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính trên phạm vi toàn thế giới. Tổng lượng thuỷ sản cả nước 6 tháng đầu năm 2009 ước đạt 2287,6 nghìn tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó sản lượng cá tra đạt 1785,9 nghìn tấn, tăng 4,77%, sản lương tôm đạt 186,5 nghìn tấn, tăng 3,7%. Còn theo số lượng thống kê của Bộ NN và PTNT, sản lượng cá tra đến kỳ thu hoạch tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là 120 nghìn tấn (loại 0,8-1kg/con) và cá tồn đọng (loại >1kg/con) đến thời điểm tháng 6 là 10.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2009 giảm 8,1% so cùng kỳ năm ngoái.

Đại diện doanh nghiệp trao đổi trong hội thảo
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu quý 2/2009 tăng 36,2% so với quý 1/2009 nhưng lại giảm tới 8,8% so với cùng kỳ năm 2008. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng fille cá, tôm, cua mặc dù theo số liệu thống kê là có tăng nhưng trên thực tế đều có sự sụt giảm so với thời điểm cùng kỳ trước. Đặc biệt là mặt hàng tôm xuất khẩu, nếu năm 2008 Việt Nam là nước dẫn đầu về xuất khẩu tôm vào thị trường Nhật Bản nhưng từ tháng 3/2009 trở lại đây vị trí này đã bị tụt hạng xuống thứ 3 nhường chỗ cho Indonexia và Thái Lan.

Trong bối cảnh suy thoái hiện nay, một số nước quay sang xu hướng bảo hộ, khiến sự cạnh tranh giữa Việt Nam và một số nhà sản xuất càng gay gắt. Các ngân hàng các nước siết chặt tín dụng, gây khó khăn cho các nhà nhập khẩu trong việc mở L/C. Bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dùng cũng buộc phải thắt chặt chi tiêu và chuyển sang mua những mặt hàng giá rẻ. Đồng thời, ngành thuỷ sản Việt Nam tiếp tục vấp phải những trở lực vốn đã có từ lâu nay, đó là: thời tiết biến động, cạnh tranh về giá cả, rào cản thương mại, kiểm tra gắt gao về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu…

Các mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường bởi những hàng rào thuế quan và thương mại. Như chương trình phản đối các sản phẩm cá tra, cá ba sa tại Ý, Tây Ban Nha, Mỹ , Ai Cập, Pháp... Con cá tra của Việt Nam vẫn đang tiếp tục gặp khó khăn ở thị trường Mỹ với việc bị áp thuế chống bán phá giá và từ ngày 1/1/2009 vừa qua EU cũng đã áp dụng luật IUU đối với các mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam. Những thị trường như Nga cũng có sự bảo hộ thuế quan khiến cho các mặt hàng thuỷ sản của nước ta đã khó lại càng thêm khó trong công tác xuất khẩu. Còn tình hình sản xuất trong nước cũng không mấy sáng sủa do giá nguyên liệu đầu vào quá cao dẫn đến việc nuôi trồng thuỷ sản không có lãi.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng không đảm bảo chất lượng nên khi xuất lại bị trả về như ở thị trường Nga đã từng có thời điểm ngừng nhận mặt hàng cá tra, cá ba sa mà nguyên nhân là do chất lượng kém, nhiễm kháng sinh. Bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng có sự cạnh tranh không lành mạnh trong công tác xuất khẩu. Chính những yếu tố này đã làm giảm uy tín của Việt Nam trên thị trường. Hàng không bán được, rớt giá dẫn tới việc người dân “bỏ hầm, treo ao” diễn ra ở nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long làm cho nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu thiếu trầm trọng, công suất của các nhà máy chế biến thuỷ sản đang trong tình trạng cầm chừng.

Đối mặt cùng thị trường

Việt Nam có hơn 300 DN thuỷ sản đã được cấp code vào EU, đứng thứ hai thế giới. Một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản vẫn tiếp tục được duy trì và ổn định. Theo các đại biểu tham dự hội thảo thì chính trong khó khăn thách thức, ngành thuỷ sản nói chung và xuất khẩu thuỷ sản nói riêng vẫn còn nhiều cơ hội phát triển. Thạc sĩ Phạm Hoàng Ngân- đại diện AGROINFO cho biết để đói phó với những rào cản và có những ứng phó cũng như những quyết sách kịp thời thì chính các doanh nghiệp- những người trong cuộc mới có thể đưa ra những ý kiến tương đối chính xác nhất. Như vấn đề thay vì chế biến các sản phẩm thô thì tăng giá trị gia tăng của sản phẩm thuỷ hải sản , đại diện doanh nghiệp Cagil cho biết: Các doanh nghiêp chế biến cũng đã nghĩ tới vấn đề này tuy nhiên xuất phát từ yêu cầu thực tế của thị trường đang cần những sản phẩm thô nên các doanh nghiệp vẫn đi theo hướng này. Bên cạnh đó là việc đầu tư cho giá trị gia tăng của sản phẩm cũng gặp rất nhiều khó khăn, mang tính rủi ro cao và hiệu quả nhiều khi chưa chắc đã mang lại như mong muốn.

Hiện nay nguyên liệu đầu vào cho ngành thuỷ sản đang ở mức cao, trong đó phải nhập khẩu gần như hoàn toàn khô đậu tương, còn các loại khoai mì, tấm là các nguyên liệu sản xuất được trong nước cũng đang rất thiếu hụt. Theo một nghiên cứu gần đây thì chi phí sản xuất cá hồi đang có xu hướng giảm cùng với giá xuất khẩu giảm, nhưng ngược lại với các mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam thì chỉ có giá xuất khẩu giảm nhưng chi phí đầu vào vẫn tăng.

Việt Nam đang phải ứng phó với các rào cản thuế quan và thương mại bằng các biện pháp như thành lập ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra đồng bằng sông Cửu Long, gắn mã số mã vạch cho con cá tra; củng cố mở rộng thị trường, phát triển công nghiệp chế biến các sản phẩm cá tra; hỗ trợ lãi suất thấp cho doanh nghiệp. Nếu làm được những việc này thì chỗ đứng của con cá tra trên thị trường quốc tế sẽ ổn định hơn, danh chính ngôn thuận, đàng hoàng vượt qua các ải vũ môn. Còn đối với các doanh nghiệp trong nước sẽ không còn cảnh ép giá người nông dân vì “con cá tra không đạt yêu cầu”.

Đại diện các doanh nghiệp chế biến cũng cho rằng những khó khăn từ thị trường thế giới sẽ không có gì đe doạ đến các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp trong nước. Còn nhớ thời điểm năm 2001 khí đó con cá tra của Việt Nam vấp phải sự phản đối của thị trường Mỹ và bị áp thuế chống bán phá giá nhưng đến nay mặt hàng cá tra của Việt Nam đã có mặt ở hơn 100 thị trường trên thế giới. Hiện Bộ Nông nghiệp Mỹ đang soạn thảo lần cuối các quy định mới, theo đó cá tra và basa của Việt Nam sẽ có thể được góp chung vào danh mục cá da trơn hay còn gọi là catfish. Nếu quyết định này được áp dụng vào tháng 12-2009 như dự kiến, cá tra và cá basa của Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ sẽ phải chịu sự kiểm tra đặc biệt, gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu trong nước. Để đối phó với tinh hình này, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chủ động xuất khẩu mặt hàng cá tra qua các nước thứ 3 để từ đó có thể xuất ngược trở lại Mỹ. Một số doanh nghiệp đã đặt trụ sở của mình tại các nước như Thái Lan, Ấn Độ, Xinh ga po để có thể tái xuất hàng đến Mỹ. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng tăng cường sản xuất các mặt hàng có hàm lượng giá trị cao hơn để tiếp tục chiếm lĩnh thị trường. Đây là những ứng phó rất thông minh với thời cuộc và thị trường mà trong khó khăn các doanh nghiệp Việt Nam đã tìm ra.

ThS Trần Ngọc Yến trao đổi với các đại biểu tại hội thảo
Thời qua diện tích nuôi cá tra bị sụt giảm mạnh, theo khảo sát của các chuyên gia thuộc AGROINFO tại một số vùng như An Giang còn khoảng 60% diện tích nuôi trồng. Có ý kiến cho rằng hiện phần lớn các doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng như doanh nghiêp Nam Việt hiện đang sản xuất 300 tấn/ ngày nhưng khi giá cá tra xuất khẩu tăng lên, các doanh nghiệp có thể sản xuất hết công suất trở lạithì chắc chắn giá nguyên liệu cũng lên và nhu cầu về nguyên liệu sẽ không được đáp ứng đủ và giá cá tra có thể sẽ tăng trong thời gian tới.

Những kiến nghị cho đơn vị tổ chức

Từ trước đến nay cũng chưa có một nghiên cứu nào đề cập đến vai trò và lợi nhuận của người chăn nuôi trong chuỗi giá trị thuỷ sản. Một số đại biểu cho rằng hiện tại vai trò của người nông dân, người cung cấp thức ăn, nhà máy chế biến hiện không công bằng. Người nông dân có thể lỗ nhưng trên thực tế doanh nghiệp chế biến chưa chắc đã lỗ như một số lời kêu ca gần đây. Theo tính toán thì các doanh nghiệp chế biến được hưởng 60% lợi ích giá trị trong khi chỉ có 12-15% giá trị thuỷ sản người nuôi trồng được hưởng. Chính vì vậy, các đại biểu rất mong trong thời gian sớm nhất AGROINFO có thể có những phân tích chuyên sâu hơn về vấn đề này để góp phần cung cấp thêm thông tin cho các doanh nghiệp.

Theo ý kiến của đại diện doanh nghiệp Cargill cho biết; từ trước đến nay doanh nghiệp rất thiếu thông tin về lĩnh vực thuỷ sản, các nguồn thông tin mà doanh nghiệp sử dụng thường phải mua, lấy nguồn từ nước ngoài, thông qua tổ chức hiệp hội. Đây là lần đầu tiên được tham dự hội thảo nhưng những thông tin mà hội thảo đem lại rất cần thiết cho doanh nghiệp. Ý kiến của đại diện doanh nghiệp Cagil cũng là sự đồng thuận chung của phần đông các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng những thông tin cung cấp là rất cần thiết và hữu ích tuy nhiên rất mong có những báo cáo phân tích chuyên sâu hơn về chuỗi giá trị, các yếu tố đầu vào, đầu ra của ngành hàng, so sánh về tương quan giá của một số nguyên liệu đầu vào....

Về những vấn đề này Thạc sĩ Trần Ngọc Yến thay cho biết Những báo cáo của AGROINFO mang tính chuyên sâu, phân tích, đánh giá tình hình thị trường dựa trên cả chuỗi sự kiện. Nguồn số liệu mà AGROINFO sử dụng trong báo là trích từ số liệu của Bộ NNvà PTNT, Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan, qua các kênh thông tin từ mạng lưới cộng tác viên ở các địa phương, các doanh nghiệp. Bên cạnh đó là tham khảo thêm các nguồn từ nước ngoài như Bộ Nông nghiệp Mỹ, các tổ chức quốc tế. Trong thời gian tới AGROINFO sẽ cố giắng thiết lập một mạng lưới cộng tác viên để cung cấp về giá các mặt hàng nông sản chính xác và kịp thời nhất, giảm bớt độ trễ như hiện nay. Để làm được điều này cũng rất cần sự hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp để có thể mở rộng phân tích thị trường, cung cấp tối đa thông tin cho doanh nghiệp như lời bà Phạm Hoàng Ngân- Phó giám đốc AGROINFO cho biết.



AGROINFO
Báo cáo phân tích thị trường