Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá đường đã “hạ nhiệt”, cung đáp ứng cầu
08 | 09 | 2009
Sau thời gian dài giá đường tăng liên tiếp, có thời điểm lên tới 16.000 đồng/kg, từ tuần cuối tháng 8 đến nay giá đường đã có dấu hiệu giảm dần và ổn định.

Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, nguồn cung mặt hàng này sẽ đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường tăng mạnh trong thời gian qua do niên vụ 2008 - 2009, người dân nhiều địa phương đã bỏ mía sang trồng các cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nên diện tích trồng mía chỉ còn 271.100ha, giảm 7,6% so với niên vụ 2007 - 2008.

Ở một số địa phương, cây mía đã bị sâu bệnh tàn phá, gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng mía. Cùng với đó là thời tiết không thuận lợi, giá cả vật tư, phân bón, liên tục tăng cao nên giá thành đầu ra của cây mía cũng tăng theo.

Đặc biệt, giá bán đường tăng đột biến do vào đúng thời điểm các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo trong nước tăng cường thu mua đường chuẩn bị cho mùa sản xuất bánh Trung Thu và dịp Tết Nguyên đán sắp tới khiến cầu lớn hơn cung.

Bên cạnh đó, cũng do tác động của thị trường thế giới, vụ mía năm nay tại Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước mất mùa, diện tích mía bị thu hẹp nên nguồn cung hạn chế, giá đường giao dịch trên thị trường thế giới đã tăng mạnh từ 400 USD/tấn lên mức gần 600 USD/tấn, mức cao nhất từ trước đến nay.

Dù ít, nhiều, mỗi khi giá đường trên thị trường thế giới biến động, lập tức từ nhà máy, đại lý kinh doanh, tiểu thương trong nước đồng loạt nâng giá bán đường.

Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Võ Thành Đàng cho hay, những năm trước đây, vào thời điểm này đường từ các nước “ồ ạt” đổ vào Việt Nam, nhưng năm nay do giá đường thế giới và Việt Nam không có chênh lệch nhiều, thậm chí giá đường Trung Quốc còn cao hơn giá trong nước nên các doanh nghiệp cũng ít quan tâm đến việc nhập về bán.

Bên cạnh đó, công tác chống buôn lậu thời gian qua thực hiện tốt nên lượng đường nhập lậu giảm hẳn nên nguồn cung cũng hạn chế so với trước đây. Giá đường bán lẻ trong nước tăng cao hiện nay do thị trường quyết định, chứ không phải ảnh hưởng từ cung - cầu.

Việc nâng giá đường tăng tương ứng với giá thế giới là quy luật hội nhập thị trường tự nhiên chứ hoàn toàn không phải do thiếu đường hay đầu cơ.

Còn theo Tổ điều hành thị trường trong nước, giá đường tiếp tục tăng và tăng mạnh do vào giáp vụ, nhu cầu mua vào cao hơn để phục vụ Tết Trung thu và đặc biệt do tâm lý găm hàng trước biến động của giá đường thế giới nên giá bán buôn đường kính trắng liên tục được điều chỉnh tăng từ 2 đến 3 lần (ngày 4/8, 10/8 và 20/8).

Mức tăng lớn nhất tập trung vào đầu tháng; trong đó ở Hà Nội tăng từ 11% đến 12%; miền Trung tăng 12%, Thành phố Hồ Chí Minh tăng từ 6% đến 8%; các đợt điều chỉnh tiếp theo mức tăng đều dưới 5%. Hiện giá bán lẻ đường kính trong nước phổ biến ở mức từ 14.500 đồng đến 15.500 đồng/kg.

Tổ điều hành thị trường trong nước cũng cho hay, trước tình trạng giá đường bán lẻ tăng cao, một số siêu thị đã có biện pháp để bình ổn giá đường. Điển hình như hệ thống siêu thị Co.op Mart từ ngày 12/8 đã thực hiện giảm giá bán đường Bonsu, giá bán ra chỉ ở mức 13.000 đồng/kg và hạn chế mỗi khách hàng mua tối đa 3kg/lần để tránh tình trạng thu gom hàng.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện lượng đường tồn kho còn trên 100.000 tấn, lượng đường được phép nhập khẩu bổ sung cũng còn khoảng 40.000 tấn.

Bên cạnh đó còn có hai nhà máy đường ở Đồng bằng sông Cửu Long chính thức bước vào vụ sản xuất mới trong khi việc thu mua gom đường để chuẩn bị cho dịp Trung thu và dịp Tết Nguyên đán sắp tới đã được đáp ứng nên sẽ không có chuyện thiếu đường trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vụ mía đường mới sẽ bắt đầu vào khoảng tháng 10, việc giá đường tăng mạnh đã khiến một số nhà máy có ý định thu gom mía sản xuất sớm để tranh thủ bán sản phẩm lúc giá cao.

Vì vậy, các chuyên gia trong ngành cho rằng, giá tăng cao trước thời điểm diễn ra niên vụ mới đang khiến một số nhà máy muốn thu mua mía non ép sớm và người nông dân cũng muốn bán sớm để kiếm lợi nhuận cao hơn.

Nếu thực sự xảy ra tình trạng trên thì sẽ là mối nguy hại lớn cho an ninh đường trong nước, bởi khi ép sớm thì hiệu suất thu hồi đường không cao, khiến sản lượng sụt giảm, kéo theo nguồn cung đường thành phẩm từ nay đến cuối năm có nguy cơ thiếu hụt.

Trước tình hình trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã họp các công ty sản xuất đường, chỉ đạo quyết liệt về việc không khởi động ép mía sớm, trừ Nhà máy đường ở Hậu Giang ép mía thu hoạch sớm để chạy lũ.



Theo TTXVN
Báo cáo phân tích thị trường