Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết có hai nguyên nhân khiến giá đường trong nước tháng 11 có thể giảm nhẹ:
Thứ nhất, nguồn cung sẽ tăng lên khi trong tháng 10/2009, toàn bộ 10 nhà máy đường ở Đồng bằng Sông Cửu Long và nhà máy đường Nước Trong (Đông Nam Bộ) đã đi vào hoạt động. Theo kế hoạch, cuối tháng 10/2009, các nhà máy đường An Khê và Kon Tum (Tây Nguyên) cũng sẽ vào vụ.
Tháng 11, sẽ có thêm các nhà máy đường ở Đông Nam Bộ, miền Trung - Tây Nguyên và miền Bắc vào sản xuất. Số nhà máy đường hoạt động trong tháng 11/2009 dự kiến lên tới 26/40 nhà máy. Sản lượng đường từ 15/10/2009 đến hết tháng 11/2009 có thể đạt 90.000 - 100.000 tấn.
Thứ hai, ngày 15/10 vừa qua, Bộ Công Thương có Thông tư số 29/2009/TT-BCT cho phép nhập khẩu bổ sung hạn ngạch thuế quan 10.000 tấn đường thô ngoài lượng hạn ngạch thuế quan đã được bổ sung lần thứ nhất tại Thông tư số 18/2009/TT-BCT ngày 3/7 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Thông tư có hiệu lực đến hết tháng 12/2009.
Cộng với lượng đường tồn kho là 39.400 tấn và số đường nhập khẩu tiếp tục nhập về thì nguồn cung đường hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và còn dự phòng cho tháng sau. Điều này sẽ kéo giá đường giảm hơn so với thời gian qua.
Cũng theo Cục Quản lý giá, từ 12/10 mía nguyên liệu ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng thêm 20.000 đồng/tấn. Giá thu mua mía 8 chữ đường tại ruộng hiện tại là 650.000 đồng/tấn, mía 10 chữ đường là 750.000 đồng/tấn. Cước vận chuyển mía từ ruộng về nhà máy đường cũng tăng thêm 5.000 đồng/tấn, và dao động từ 70.000 - 115.000 đồng/tấn. Như vậy giá mía 10 chữ đường khi về tới nhà máy hiện khoảng 820.000 - 865.000 đồng/tấn.