Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dự thảo nghị định xuất khẩu gạo: Doanh nghiệp vừa và nhỏ hết cửa?
16 | 11 | 2009
Ngày 14-11, tại TPHCM, buổi hội thảo góp ý dự thảo Nghị định xuất khẩu gạo do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì, đã thu hút nhiều doanh nghiệp (DN), nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên trình bày một số nội dung chính trong dự thảo (lần thứ 4) trong đó cần thống nhất: gạo là ngành hàng kinh doanh có điều kiện (bao gồm điều kiện để được cấp giấy và thẩm quyền cấp giấy chứng nhận), về đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, cơ chế đảm bảo nông dân có lời, công bố giá sàn xuất khẩu, đấu thầu hợp đồng tập trung và quy định về dự trữ lưu thông. Mục đích cuối cùng là giải quyết hài hòa lợi ích DN, nông dân với thương nhân thu mua, chế biến, cung ứng, khuyến khích bà con yên tâm sản xuất.
Chưa thấy vai trò của thương nhân

GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, dự thảo lần này đã nêu ra tận cùng nhiều vấn đề, nhưng chưa thấy hình ảnh của thương nhân, lực lượng đóng vai trò không nhỏ trong chuỗi sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu gạo.

Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu ở XN Lương thực Sài Gòn Satake. Ảnh: THÀNH TÂM

Hiện nay, nông dân bán lúa, trong khi DN lại mua gạo về lau bóng và xuất khẩu. Nối khoảng cách này là các thương nhân (hay gọi thương lái). Đại bộ phận nông dân trồng lúa còn nghèo, bà con chỉ biết trồng lúa mà chưa biết bán cho ai, giá bao nhiêu, lúc nào cũng phập phồng và trông ngóng người mua. Vì thế, cần sắp xếp lại để bà con yên tâm sản xuất, nếu kéo dài tình cảnh trên, người trồng lúa tiếp tục nghèo, chỉ có DN xuất khẩu gạo giàu lên. Theo TS Võ Tòng Xuân, việc sửa đổi, điều chỉnh cần dựa trên 3 mục tiêu chính là đảm bảo năng suất và sản lượng hạt gạo làm ra, nông dân có lãi và an ninh lương thực.

Ông Trương Thanh Phong, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết, tương tự như Việt Nam, ở Thái Lan 70%-80% lượng gạo đưa vào các kho dự trữ thông qua thương nhân. Vì không phải nông dân Thái Lan nào cũng có điều kiện vận chuyển lúa, nhất là ở vùng sâu, đến kho chứa. Đòi hỏi DN xuất khẩu gạo phải mua lúa trực tiếp của nông dân để giảm bớt khâu trung gian như hiện nay là điều chưa khả thi.

Siết chặt điều kiện kinh doanh

Điều gây tranh cãi nhiều nhất và cũng có ý kiến trái ngược nhất là điều kiện để được xuất khẩu gạo, bao gồm: kho chứa, nhà máy xay xát, máy sấy và lượng gạo dự trữ lưu thông và khi ký hợp đồng. Phần lớn, DN, lãnh đạo các địa phương đều cho rằng, kinh doanh xuất khẩu gạo nhất thiết phải có kho chứa, để mua lúa gạo của dân, vì vậy DN nào không có đủ điều kiện này sẽ không được kinh doanh, cho dù DN thuê được kho bãi dài hạn.

Theo ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Mêkông Cần Thơ, một khi đầu tư kho bãi, nhà máy chế biến là DN đã có trình độ để kinh doanh và xuất khẩu gạo, không ai lại đi cho thuê. Việc cho thuê kho, nếu được đưa vào nghị định, sẽ làm rối rắm và phức tạp thêm trong quản lý và kiểm soát.

Ông Lê Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho rằng, nên giảm tỷ lệ gạo tồn kho trong lưu thông còn 10% trở xuống (dự thảo là 20%). Tỷ lệ này càng lớn sẽ đẩy chi phí lên cao, tạo gánh nặng lên DN, như ý kiến của TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, lúc đó DN sẽ ép lại giá mua của nông dân. Nhưng ông Nguyên và nhiều DN khác đồng ý phải có 50% chân hàng trong kho khi ký hợp đồng. Bởi nếu ký hợp đồng xong mới chạy đi mua hàng thì sẽ gây rối thị trường và nhiều khi không thể thực hiện được hợp đồng, làm giảm uy tín hình ảnh VN trên thế giới.

Ông Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Gạo Việt, cho rằng hãy để vai trò của thương mại đúng vị trí của nó trong việc kinh doanh xuất khẩu gạo. Những DN vừa và nhỏ có phân khúc thị trường riêng, DN lớn thường không chú trọng hợp đồng nhỏ. Chính những DN vừa và nhỏ chiếm lĩnh thị trường này trong thời gian qua và làm đa dạng hóa thị trường. Đề nghị Chính phủ xem lại tổng lượng gạo xuất khẩu của những hợp đồng này để có cái nhìn chính xác hơn vai trò, vị trí những DN này. Nếu chỉ vì nhà nước muốn dễ dàng quản lý mà lại kìm hãm sự phát triển của DN là không nên.

Chạy đua đầu tư kho?

Thái Lan, quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, nhưng theo ông Trương Thanh Phong, chỉ có 14-15 đầu mối xuất khẩu gạo, lúc nhiều nhất cũng chỉ khoảng 19-20 DN.

VN xuất khẩu gạo ít hơn Thái Lan lại có đến 205 DN tham gia.

Lãnh đạo tỉnh An Giang cho rằng, nhiều DN tham gia lẽ ra sẽ tạo ra sự cạnh tranh về giá để nông dân có lợi, nhưng ở Việt Nam, càng nhiều càng gây ra sự rối rắm, phức tạp do tính cộng đồng của DN không cao. Vì vậy, việc kinh doanh xuất khẩu gạo dứt khoát phải có điều kiện, phải mua lúa gạo của nông dân dự trữ.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trong phần nêu gợi ý, đưa ra viễn cảnh nhận được sự đồng tình của DN, đó là sẽ xảy ra việc các DN đua nhau xây dựng kho chứa và nhà máy chế biến để đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu gạo. Nếu có cả trăm DN đủ điều kiện này thì sẽ xảy ra tình trạng dư thừa kho bãi và công suất chế biến lúa gạo. Càng nhiều DN tham gia xuất khẩu càng chia nhỏ lượng gạo xuất của mỗi DN và càng làm tăng chi phí. Vậy có lãng phí không trong trường hợp này.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, nếu Nhà nước hạn chế DN xuất khẩu gạo thì sẽ vi phạm thông lệ quốc tế, nhưng điều này có thể làm được khi một tổ chức nào đó ngoài nhà nước. Ở các nước, vai trò của hiệp hội thể hiện rõ trong vấn đề này.



Theo SGGP Online
Báo cáo phân tích thị trường