Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển thủy điện: Vấn đề quản lý & đánh giá tác động môi trường
18 | 11 | 2009
Hiện nay, việc phát triển các dự án thủy điện đang được bàn thảo nhiều trong các kỳ họp của Quốc hội ,và dư luận, thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Hầu hết các đại biểu đều đồng tình Chính phủ phải tính đến vấn đề an toàn và tác động môi trường khi thực hiện các dự án thủy điện này. Vấn đề về quản lý quy hoạch thủy điện cũng là một vấn đề nổi cộm...

Thủy điện đe dọa rừng

Ông Đỗ Hữu Hào, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhìn nhận lũ có xu hướng mạnh lên là do rừng bị phá nhiều và một trong những thủ phạm tàn phá rừng nhanh nhất chính là thủy điện.

 
 Ông Đỗ Hữu Hào
 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, một trong những địa phương bị lũ tàn phá nặng nề nhất trong cơn bão Mirinae vừa qua, các dự án thủy điện đã và đang xóa sổ hàng ngàn héc ta rừng đầu nguồn của tỉnh này.

Ông Lê Hiếu Hòa, Phó giám đốc sở, cho biết chỉ riêng thủy điện Trà Xom sẽ làm gần 634 héc ta rừng xung yếu ở huyện Vĩnh Thạnh biến mất. Trên 1.000 héc ta rừng ở các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân (Bình Định) và Kbang (Gia Lai) cùng hàng ngàn héc ta rừng khác đang tiếp tục bị khai tử để nhường chỗ cho thủy điện.

 

 
 TS. Nguyễn Đình Hòe

TS. Nguyễn Đình Hòe, khoa Môi trường Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng hầu hết những nhà máy thủy điện đều nằm sâu trong rừng đầu nguồn. Muốn triển khai xây dựng, nhà đầu tư phải phá rừng để mở đường vận chuyển vật liệu xây dựng và máy móc thiết bị. Tiếp đó còn phải tiếp tục chặt phá để xây dựng những đường dây truyền tải điện đến nơi tiêu thụ. Vì vậy việc quy hoạch xây dựng hàng ngàn dự án thủy điện nhỏ sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn đối với sự tồn tại của rừng.

Trong phiên hợp Quốc hội sáng 13/11/2009, đại biểu Cầm Chí Kiên (đoàn Sơn La), Trần Thị Kim Phương (đoàn Hà Nội) cùng nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, để đảm bảo tuổi thọ của công trình, cần quan tâm giải pháp phát triển và bảo vệ rừng. Bảo vệ rừng, phát triển rừng phải được tính trên giá thành của mỗi kW điện, trên lợi ích của người dân. Theo bà Trần Thị Kim Phương phân tích, để có được 1 kW điện phải mất một diện tích rừng tương đối lớn, trong khi ảnh hưởng của rừng đối với kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân cũng rất lớn. Mất rừng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải hứng chịu những ảnh hưởng của thiên tai. Bà Trần Thị Kim Phương kiến nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ vấn đề này.

Đầu tư dự án thủy điện Lai Châu, Sơn La- Phải đánh giá cụ thể về mức độ an toàn của công trình

Trong kỳ họp khóa XII của Quốc hội, các đại biểu cho rằng Báo cáo của Chính phủ còn thiếu những phân tích cụ thể, chắc chắn về hiệu quả kinh tế-xã hội, tuổi thọ cũng như tính an toàn tuyệt đối của công trình, các phương án ứng phó khi có biến cố xảy ra, việc lựa chọn công nghệ, công tác di dân tái định cư, vấn đề môi trường, văn hóa…

Theo đại biểu Giàng A Chu (đoàn Yên Bái), do vị trí lựa chọn để xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu nằm trong khu vực có cấu trúc địa chất và kiến tạo phức tạp, xác suất xảy ra động đất khá cao, do vậy để có thể yên tâm về tính ổn định của công trình, đề nghị các cơ quan chức năng cần có sự đánh giá cụ thể, rõ ràng về những ảnh hưởng của hoạt động địa chấn ở khu vực này đến độ an toàn của công trình.

Ổn định đời sống của nhân dân vùng tái định cư phải đặt lên hàng đầu

Đại biểu Giàng A Chu nhấn mạnh, công tác di dân tái định cư phải được đặt lên hàng đầu bởi đây là phần công việc khó khăn nhất khi tiến hành xây dựng công trình thủy điện, bởi có làm tốt công tác này mới có thể giải phóng được mặt bằng. Ông cho rằng các điểm tái định cư chủ yếu phân bố ở huyện Mường Tè, trong khi đây là vùng đất cao, thiếu đất, nước phục vụ sản xuất, phương án hỗ trợ đặt ra chỉ quy định trong thời gian 2-3 năm thì chưa đủ thời gian để bà con có thể tự sản xuất, ổn định cuộc sống.

Các đại biểu Giàng A Chu, Nguyễn Đình Xuân- ủy viên ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đề nghị nâng thời gian hỗ trợ cho người dân tái định cư thời gian ít nhất là 5 năm trở lên, thậm chí có thể nhiều hơn nữa, đồng thời cũng cần có phương án không chỉ hỗ trợ về cơ sở hạ tầng mà phải đảm bảo quỹ đất cho sản xuất, có phương án để chuyển đổi ngành nghề cho dân, giúp họ có thu nhập. Các đại biểu cũng tán thành với phương án tái định cư tập trung theo nhóm các dân tộc để người dân phát huy bản sắc của dân tộc mình.

 
 Ông Nguyễn Đình Xuân
Quản lý phát triển thủy điện- nhìn từ thực tiễn

Năm 2005, Bộ Công nghiệp, nay là Bộ Công Thương, ký quyết định phê duyệt quy hoạch thủy điện nhỏ trên toàn quốc. Theo đó, cả nước chỉ có 239 dự án thủy điện nhỏ được đưa vào kế hoạch phát triển.

Nhưng đến nay, tổng số dự án thủy điện loại này trong kế hoạch phát triển của các địa phương đã lên đến hàng ngàn, trong đó chỉ riêng Tây Nguyên đã có ít nhất 335 dự án. Không ít địa phương không có trong danh mục của bản quy hoạch ban đầu, nay cũng xuất hiện với hàng chục và thậm chí hàng trăm dự án, như Lào Cai, Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum... Hầu hết những dự án mới nằm ngoài quy hoạch 2005 đều được Bộ Công Thương thỏa thuận cho các địa phương đưa vào kế hoạch triển khai thực hiện.

Trước thiệt hại quá lớn sau hai cơn bão vừa qua, lãnh đạo nhiều tỉnh ở miền Trung đã quy một phần trách nhiệm cho tình trạng phát triển ồ ạt thủy điện, chủ yếu là thủy điện nhỏ. Việc phát triển ồ ạt thủy điện nhỏ và buông lỏng quản lý đã để lại cho Việt Nam bài học đáng giá về tính toàn diện khi xem xét đánh giá hiệu quả của một dự án hay một chương trình đầu tư.

Luật pháp Việt Nam có quy định, mọi dự án thủy điện phải có đánh giá tác động môi trường. Với tình trạng quản lý phân tán về các tỉnh thì đây là một việc làm không dễ. Việc phê duyệt, thẩm định báo cáo tác động môi trường của những dự án thủy điện nhỏ, dưới 50 MW, đều được giao về cho tỉnh. Chưa nói đến vấn đề chuyên môn của cấp địa phương có đủ sức hay không, chỉ riêng việc đánh giá mang tính cô lập cũng đủ làm cho các báo cáo này không đủ mức độ tin cậy. Các nhà chuyên môn cho rằng, tác động môi trường của một dự án thủy điện phải được nghiên cứu, đánh giá tới tận vùng hạ lưu, nghĩa là tới cửa biển. Tuy nhiên, hầu hết các dự án nhỏ chỉ được nghiên cứu trong phạm vi lưu vực của một tỉnh hoặc một huyện.

 

Tổng hợp một số ý kiến công luận xoay quanh vấn đề phát triển thủy điện

·         Trước mắt, tôi đề nghị tạm dừng các dự án thủy điện miền Trung để chờ kết luận cuộc điều tra, sau đó mới tính làm gì tiếp. Tôi cũng đề nghị Quốc hội thành lập một ủy ban lâm thời điều tra về hiện trạng thủy điện, rừng, quản lý đất đai, tài nguyên... ở khu vực miền Trung.

(Ông Nguyễn Đình Xuân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội)

·         Khi tôi còn làm Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, chúng tôi có tham gia vào quá trình đầu tư các công trình thủy điện và đặt ra hai vấn đề, một là cân bằng nước cho sản xuất, hai là điều tiết lũ. Khi đó nhà đầu tư nói rằng nếu như thế thì đầu tư lớn quá. Vốn đầu tư rất cao nên họ không chấp nhận. Vì thế nên đập thủy điện hầu như không có chức năng điều tiết lũ.

(Ông Võ Minh Thức, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội)

·         Cần rà soát lại hệ thống thủy điện dưới góc độ an ninh môi trường. Loại bỏ bớt những dự án thủy điện không đảm bảo an ninh môi trường, một số nhà máy thủy điện cần thay đổi chức năng từ phát điện là chính sang thực hiện vai trò kho nước, điều tiết nước là chính suốt năm hoặc trong mùa mưa. Hạch toán các thiệt hại do thủy điện gây ra vào giá thành điện để tính toán đúng hiệu quả kinh tế... là những bước đi cần thiết.

(Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe, khoa Môi trường Đại học Quốc gia Hà Nội)

Lan anh (tổng hợp các nguồn)
Báo cáo phân tích thị trường