Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nuôi tôm càng xanh ở Kiên Giang
08 | 12 | 2009
Nuôi tôm càng xanh luân canh với vụ lúa đông xuân là mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế phá thế độc canh cây lúa, tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích được nhiều hộ dân ở hai huyện Giồng Riềng và Gò Quao (Kiên Giang) áp dụng. Vụ tôm năm nay, hầu hết các hộ nuôi đều trúng mùa, trúng giá, lợi nhuận gấp ba lần năm trước. Ðây là tín hiệu vui để Kiên Giang nhân rộng mô hình này thời gian tới.

Sau khi thu hoạch lúa vụ đông xuân, ông Ðặng Hoàng Sơn ngụ ấp Hòa A, xã Hòa Lợi, huyện Giồng Riềng thả nuôi 160 nghìn con tôm càng xanh giống trên diện tích hai ha. Nhờ nắm vững những kiến thức từ lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tổ chức và những kinh nghiệm qua nhiều năm nuôi thực tế, năm nay ông Sơn trúng đậm vụ tôm. Với giá bán tại ruộng 100.000 đồng/kg, vụ tôm này, ông Sơn thu nhập gần 200 triệu đồng, lợi nhuận gần 80 triệu đồng. Cũng như ông Sơn, một số hộ khác như ông Ðặng Quốc Việt, Nguyễn Hồng Liên... ngụ cùng ấp cũng thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng/ha. Theo tính toán của ông Sơn, nếu làm lúa hè thu mỗi ha trúng lắm cũng chỉ lời khoảng năm triệu đồng, nhưng rất cực, còn thay vụ lúa bằng vụ tôm càng xanh không chỉ hiệu quả kinh tế đạt cao gấp sáu, bảy lần trồng lúa mà còn nhàn rỗi hơn trong khâu thu hoạch và dễ tiêu thụ sản phẩm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng Nguyễn Văn Cơ cho biết: Phong trào nuôi tôm càng xanh thay cho vụ lúa hè thu đã được nông dân một số xã của huyện Giồng Riềng áp dụng từ năm 2007, với diện tích khoảng 20 ha/năm. Tuy nhiên, trước đây mô hình này còn mới mẻ, nông dân còn hạn chế về kỹ thuật, năng suất tôm không ổn định, bình quân chỉ khoảng 800 kg/ha. Năm 2009, huyện Giồng Riềng có khoảng gần 20 hộ áp dụng mô hình này với gần 20 ha, tập trung chủ yếu ở ấp Hòa A, xã Hòa Lợi và ấp Hòa Sơn, xã Hòa Thuận. Do địa hình ở những nơi đây trũng và chịu ảnh hưởng lớn bởi lượng nước lũ đổ về hằng năm nên ngập sâu từ tháng 7 đến tháng 11. Nếu sản xuất vụ lúa hè thu thì hiệu quả không cao. Nhưng yếu tố lý hóa vùng này lại rất phù hợp loài thủy sản này, vì vậy quy hoạch vùng này thành vùng nuôi tôm càng xanh là hợp lý nhất.

Cũng giống như Giồng Riềng, huyện Gò Quao cũng có môi trường sinh thái tương tự. Với hệ thống thủy lợi cơ bản hoàn chỉnh, địa bàn có nhiều kênh rạch chằng chịt, có dòng Cái Lớn, Cái Bé bao quanh tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phát triển mô hình nuôi thủy sản. Năm 2007, nhiều hộ dân ở hai xã Vĩnh Thắng và Vĩnh Tuy đã áp dụng mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Tuy diện tích nuôi chỉ hơn 40 ha và hiệu quả kinh tế không bằng ở huyện Giồng Riềng, nhưng nếu so sánh vụ tôm càng xanh với vụ lúa hè thu thì hiệu quả kinh tế vụ tôm vẫn cao hơn rất nhiều.

Từ hiệu quả bước đầu, huyện Giồng Riềng và Gò Quao đã xây dựng đề án phát triển nuôi tôm càng xanh tập trung giai đoạn từ nay đến năm 2015. Theo đó, Giồng Riềng sẽ phát triển diện tích lên đến 630 ha, Gò Quao thì khiêm tốn hơn với khoảng 80 ha. Tuy nhiên, để mô hình sản xuất này vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa căn cơ, bền vững, trước mắt hai địa phương này cần tháo gỡ các khó khăn. Trong đó cốt lõi vẫn là việc đầu tư kiến thiết cơ sở hạ tầng vùng quy hoạch, kiên cố hóa hệ thống bờ bao và thủy lợi nội đồng phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất. Mặt khác ngoài việc tìm hợp đồng bao tiêu sản phẩm, người nuôi tôm cũng rất cần được tiếp cận nhanh các nguồn vốn vay ưu đãi vì nuôi tôm đòi hỏi vốn đầu tư rất cao. Ðồng chí Nguyễn Văn Cơ cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ sản xuất vùng quy hoạch, huyện đang gấp rút kiến nghị tỉnh mở rộng vùng quy hoạch, cho xây dựng các cống máng để bơm tập trung chủ động nguồn nước, đồng thời đề nghị hạ thế nguồn điện để hạn chế chi phí bơm tưới. Riêng nguồn vốn vay tín dụng, đề nghị hệ thống ngân hàng nên thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, cho nông dân vay từ 50 triệu trở xuống không phải thế chấp tài sản, áp dụng lãi suất 0,65%/tháng.

Trong định hướng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh đến năm 2015, Kiên Giang sẽ xây dựng 5 vùng nuôi thủy sản, trong đó quy hoạch vùng nuôi tôm càng xanh tại hai huyện Giồng Riềng và Gò Quao. Theo đó, tỉnh sẽ gấp rút hoàn chỉnh các quy hoạch, dự án; đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, vùng sản xuất giống thủy sản tập trung; tổ chức tập huấn kỹ thuật có trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục xây dựng các điểm trình diễn giới thiệu quy trình, kỹ thuật tiên tiến; phối hợp ngành ngân hàng giải quyết cơ chế, chính sách cho nông dân vay vốn; nâng cao công tác tiếp thị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ...



Theo www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường