Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cho doanh nghiệp sản xuất nhập đường để hạ giá
31 | 12 | 2009
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết sẽ cho doanh nghiệp sản xuất nhập đường nhằm hạ giá đường trong nước.

Thưa ông, năm 2010, xuất khẩu sẽ tập trung vào những mặt hàng nào?

Chúng ta vẫn tập trung những mặt hàng chủ lực, nông, lâm, thủy sản... Tuy nhiên, về số lượng, những mặt hàng này, trong điều kiện sản xuất cụ thể ở nước ta đã đạt ngưỡng trần. Vì thế, cần điều tiết về lượng để tránh thua thiệt về giá. Chẳng hạn, vào vụ thu hoạch cà phê, nếu không điều tiết, sẽ dẫn đến cảnh tranh bán, tranh mua, dẫn đến chuyện ép giá, thiệt hại cuối cùng vẫn là người nông dân.

Ông Nguyễn Thành Biên
Điều tiết các hàng nông sản, giống như cách chúng ta làm với gạo. Hiện giá gạo đang lên cao 50% so với cách đấy 2-3 tháng. Gạo 25% tấm thời gian trước, chúng ta bị ép giá dưới 400 USD/tấn, nhưng nay, Việt Nam đã thắng thầu các lô hàng sang Philippines, giá có thể lên đến 650-660 USD/tấn.

Cùng đó, cần tăng cường các mặt hàng công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến. Chúng ta phải hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, từ đó, đẩy mạnh các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, hàm lượng, công nghệ cao; chẳng hạn như các sản phẩm của Intel, Samsung, Canon. Đây là những mặt hàng đóng góp cho xuất khẩu rất nhiều.

Ông đánh giá thế nào về con số nhập siêu hơn 12 tỷ USD năm 2009?

Năm 2009, chịu tác động của giá cả thế giới, kim ngạch nhập khẩu giảm 15% so với năm 2008, giảm mạnh hơn so với xuất khẩu. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng, chúng ta thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, kiềm chế lạm phát.

Trong bối cảnh đó, nhập khẩu một số mặt hàng nguyên vật liệu tăng, như phân bón tăng 1,2 triệu tấn, thép 1,3 triệu tấn; nhập khẩu cao su, chất dẻo nguyên liệu hơn nửa triệu tấn... Tất nhiên, ở đây, doanh nghiệp cũng tranh thủ giá nguyên liệu đang thấp để nhập khẩu, chuẩn bị cho sản xuất.

Liên quan nhập siêu, năm 2009, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, chúng ta có quá tay khi bỏ ra hơn 1 tỷ USD để nhập hàng ô tô nguyên chiếc?

Do khó khăn chung của ngành ô tô thế giới ảnh hưởng đến sản xuất trong ô tô trong nước. Năm 2009, chúng ta giảm thuế VAT tới 50 %, thuế trước bạ 50%, điều đó làm tăng nhu cầu nhập khẩu. Đặc biệt, những ưu đãi này sẽ hết thời hạn trong năm 2009. Mặt khác, nhập khẩu linh kiện ô tô cũng gia tăng; nhập khẩu ô tô khách, vận tải tăng mạnh, khoảng 30%...

Tất nhiên, cân đối ngoại tệ cần sự điều hành linh hoạt và hiệu quả hơn. Nhà nước không chủ trương bán ngoại tệ cho doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, mà doanh nghiệp tự huy động từ các nguồn khác.

Năm 2009, giá đường có nhiều biến động thất thường, trong đó có yếu tố điều hành nhập khẩu?

Chúng ta có thể quyết định nhập khẩu nhiều đường hơn để điều tiết giá, tuy nhiên cần cân bằng, tính toán với lợi ích của các nhà sản xuất trong nước cũng như lợi ích của người trồng mía; làm sao hài hòa, chứ không thể vì giá đường cao mà cho nhập khẩu ồ ạt.

Tất nhiên, năm 2009, không chỉ chúng ta thiếu đường, mà nước như Ấn Độ cần triệu tấn, Indonesia cũng có kế hoạch nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn đường. Khan hiếm nguồn đường, nên đây là một trong những nguyên nhân đẩy giá đường lên cao.

Tới đây, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với bộ NN&PTNT để đưa ra biện pháp, điều hòa hạn ngạch thuế quan nhập khẩu cho các nhà máy có nhu cầu nhập nguyên liệu đường như sản xuất sữa, bánh kẹo, nước giải khát; không có chủ trương nhập khẩu để bán lẻ.



Theo Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường