Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Võ Hồng Phúc: Tăng trưởng tín dụng 25% là hợp lý
07 | 01 | 2010
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc đã khẳng định như vậy khi nois về một số vấn đề liên quan đến định hướng tái cấu trúc nền kinh tế hiện tại...

Yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải tái cấu trúc nền kinh tế, song nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng bởi dường như mới chỉ chuyển dịch được ở mặt chính sách, còn thực tế chưa được bao nhiêu?

- Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Thực tế thời gian qua VN đã thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế bằng các chính sách khác nhau nhưng sự chuyển dịch này chưa mạnh mẽ. Năm 2010 sẽ phải chú trọng hơn, chuyển dần từ công nghiệp gia công lắp ráp có giá trị thấp sang công nghiệp chế tạo; phát triển công nghiệp tạo mẫu trong các ngành có lợi thế để có thể tham gia vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao, có lợi nhuận lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu...

Bộ trưởng Bộ KH ĐT Võ Hồng Phúc

Trong khi thúc đẩy chuyển dịch mạnh cơ cấu của nền kinh tế và tăng tỉ trọng các ngành phi nông nghiệp trong cơ cấu tổng sản phẩm, cần nhận thức đúng vai trò quan trọng và lợi thế lớn của nền nông nghiệp trong việc bảo đảm an ninh, ổn định xã hội, tăng kim ngạch xuất khẩu.


Được biết, Thủ tướng cũng đã có gợi ý tham khảo mô hình Ủy ban Cải cách và phát triển của Trung Quốc trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế?

- Chúng tôi đã tìm hiểu mô hình này từ lâu. Mô hình này được chuyển đổi từ Ủy ban Kế hoạch quốc gia của Trung Quốc, họ tăng cường chức năng nhà nước về nghiên cứu hoạch định chính sách. Thực ra, một số nội dung Ủy ban Cải cách và phát triển thực hiện thì Bộ Kế hoạch-Đầu tư (KH-ĐT) đã làm và đã thực hiện một số nghiên cứu về chính sách. Nhưng tình hình ở VN hơi khác là chưa tập trung, nếu tập trung một số chức năng đang phân tán ở các bộ khác, lĩnh vực khác hoặc chưa ai làm thì Bộ KH-ĐT cũng sẽ phải chuyển đổi thành mô hình Ủy ban Cải cách và phát triển.

Ủy ban Cải cách và phát triển như vậy sẽ làm chức năng nghiên cứu chính sách nhiều hơn là quản lý Nhà nước? Trong khi đó, ủy ban này thậm chí có rất nhiều quyền lực để đưa ra những mô hình mới, đột phá?

- Ủy ban Cải cách và phát triển của Trung Quốc vừa thực hiện chức năng nghiên cứu vừa quản lý nhà nước. Thậm chí, trong khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước, ủy ban này quản lý đầu tư còn chặt chẽ hơn VN và không phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương. Chẳng hạn, đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư ra nước ngoài... đều phải có ý kiến của Ủy ban Cải cách và phát triển. Trung Quốc là quốc gia quá rộng lớn cần phải có cơ quan thật mạnh và tính tập trung rất cao.


Chúng tôi không nghĩ rằng sẽ có những quyền năng “tiền trảm hậu tấu” nhưng cần phải tăng cường khả năng nghiên cứu và tập trung quyền lực hơn, không nên để phân tán.

Quá trình tái cấu trúc cùng với xu hướng phục hồi kinh tế của cả thế giới, nhất là những nền kinh tế lớn xung quanh sẽ tác động thế nào tới VN?

- Suy giảm kinh tế chỉ xảy ra trong quý I, nhất là tháng 1-2009. Nhờ các giải pháp kích cầu và các giải pháp tổng thể khác, quý II đã tăng trưởng 4,4%, quý III là 5,7% và quý IV là 6,9%; cả năm 2009 vẫn đạt 5,32%, với đà này, khả năng tăng trưởng năm 2010 sẽ trên 6,5%.


Tốc độ tăng trưởng của VN trong nhiều thập kỷ qua luôn thấp hơn Trung Quốc khoảng 2% đến 3%. Năm 2010, Trung Quốc có chương trình phát triển kinh tế lớn, dự kiến GDP tăng trên 9%. Điều này sẽ ảnh hưởng tốt đến VN, có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng của VN vì nền kinh tế này sẽ tạo ra một loạt nhu cầu về sản phẩm, đặc biệt một số sản phẩm về tiêu dùng, lương thực thực phẩm.


Những năm vừa qua tăng trưởng duy trì ở tốc độ cao nhờ vào tăng trưởng đầu tư vốn, vốn đầu tư nước ngoài. Khả năng của năm 2010 sẽ như thế nào khi vừa phải duy trì tốc độ tăng trưởng cao vừa phải thắt chặt tín dụng?

- Tốc độ tăng trưởng năm 2010 sẽ tùy thuộc vào tác động đầu tư năm 2009 và những đầu tư cơ bản của Nhà nước, còn chính sách thắt chặt tín dụng không ảnh hưởng đến nền kinh tế vì thực chất không phải là thắt chặt tín dụng mà chỉ là đưa tăng trưởng tín dụng về mức hợp lý như trước đây. Thời gian qua, do suy thoái kinh tế, chúng ta phải nới lỏng chính sách tín dụng để kích cầu nên tăng trưởng tín dụng lên tới 37% đến 38%, năm 2010 đưa mức tăng trưởng tín dụng khoảng 25%.


Những năm trước, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế tới 7% đến 8% thì tăng trưởng tín dụng cũng chỉ ở mức 25% đến 27%. Đây là sự tăng trưởng lành mạnh, vừa bảo đảm tăng trưởng vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.



Theo Thái An- Báo Lao động
Báo cáo phân tích thị trường