Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải pháp phát triển KT-XH năm 2009: Chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, kích cầu đầu tư và tiêu dùng
25 | 12 | 2008
Tối 24-12 tại TPHCM, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi họp báo về những nội dung sau khi kết thúc phiên họp thường kỳ tháng 12 của Chính phủ (trong 2 ngày 23 và 24-12) để kiểm điểm sự chỉ đạo và điều hành của Chính phủ trong năm 2008 và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) trong năm 2009. Cùng dự có các bộ trưởng: Công thương, Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) , Thông tin - Truyền thông (TT-TT), Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN VN).

6,23% - con số đáng nhớ!

Sản phẩm thuyền buồm cổ của Công ty Ái Đức (Thủ Đức TPHCM) đã được xuất khẩu qua nhiều nước. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Thông báo kết luận của Thủ tướng về những nội dung, kết quả KT-XH đạt được trong năm 2008, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Tuy năm 2008 tình hình KT- XH có nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao, lạm phát được kiềm chế và ngân hàng ổn định, các cân đối vĩ mô lớn giữ vững, an sinh xã hội được đảm bảo…

Kết quả đạt được trong năm qua được Chính phủ đúc kết gọn trong 10 chữ: Chủ động, linh hoạt, kiên quyết, kịp thời, toàn diện. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nhận thức rõ trách nhiệm trước nhân dân trong điều hành quản lý vừa qua còn một số tồn tại, nhất là chưa thực hiện đầy đủ một số kế hoạch, chỉ tiêu; công tác dự báo còn hạn chế...

Bộ trưởng Bộ KH - ĐT Võ Hồng Phúc bổ sung: Mức tăng trưởng GDP năm 2008 đạt 6,23%, chỉ số lạm phát đạt 19,9%... “Mặc dù chỉ số tăng trưởng không đạt được mục tiêu do Quốc hội đề ra là khoảng 7% nhưng Chính phủ nhận định trong bối cảnh tình hình KT-XH hiện nay, việc đạt 6,23% là con số ấn tượng, đáng nhớ vì chỉ số này tương đối cao so với khu vực”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói.

Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,79%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,33%; khu vực dịch vụ tăng 7,2%. Về an sinh xã hội, các bộ ngành, địa phương thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời để giảm bớt khó khăn cho người dân, nhất là người nghèo, các đối tượng chính sách, người hưởng lương thấp và nhất là vùng bị ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt.

Riêng Bộ trưởng Bộ TT- TT Lê Doãn Hợp cũng cho hay, bộ này đã hoàn thành tất cả các dự án, chương trình mà Chính phủ giao thực hiện trong năm. Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cũng thông tin thêm rằng Thủ tướng đánh giá cao đóng góp của báo chí trong hoạt động phát triển chung của đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm. “Trong năm 2009, bộ sẽ hoàn thành các mục tiêu không thua gì năm 2008, trong đó sẽ tập trung phát triển công nghệ thông tin, viễn thông” - ông Hợp nói.

Thử thách gay gắt

Công ty Lắp máy 45-1 thi công đuôi hơi Nhà máy điện Nhơn Trạch 1, tận dụng nguồn hơi từ 2 tổ máy để phát điện, công suất 150 MW. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Tuy nhiên, năm 2009 đặt ra rất nhiều nhiệm vụ nặng nề với những khó khăn thách thức hết sức gay gắt. Do vậy, các bộ ngành đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, cấp bách để thực hiện. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng: Sẽ tập trung mọi nỗ lực để chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội, phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế năm 2009 đạt khoảng 6,5% bằng các giải pháp cụ thể.

Về chính sách tài chính, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của quý IV năm 2008 và số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2009 của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông – lâm – thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; tạm hoàn 90% số thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hàng hóa thực xuất khẩu trong trường hợp doanh nghiệp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng và hoàn tiếp 10% khi có chứng từ thanh toán.

Còn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Nguyễn Văn Giàu cho biết: Trong năm 2009, ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; điều hành linh hoạt tỷ giá ngoại tệ theo tín hiệu thị trường, khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu và chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện cơ cấu lại thời hạn nợ và áp dụng các giải pháp xử lý nợ vay vốn ngân hàng phù hợp với quy định của pháp luật đối với các hộ nông dân bị thiệt hại do thiên tai và các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Tiếp tục điều chỉnh cơ cấu tín dụng phù hợp nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng thanh khoản cho các NHTM và nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Ông Giàu còn cho biết một thông tin mới nhất: Được sự đồng ý của Thủ tướng, bắt đầu từ hôm nay (25-12), Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh tăng 3% tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng do ngân hàng nhà nước công bố hàng ngày, làm cơ sở cho các ngân hàng thương mại giao dịch mua bán ngoại tệ so với ngày 24-12-2008.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, trong năm 2009 sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng, nhất là các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao và những hàng hóa tồn đọng như: sắt, thép, xi măng, phân bón, giấy, sản phẩm hóa chất.

Ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Trả lời câu hỏi của PV Báo SGGP về nguồn vốn kích cầu lấy từ đâu và sẽ đầu tư vào lĩnh vực nào, Bộ trưởng Bộ KH- ĐT cho biết: Trong điều kiện cấp bách nên Chính phủ quyết định lấy 1 tỷ USD (tương đương 17.000 tỷ đồng) từ nguồn dự trữ để hỗ trợ. Ngoài ra, nguồn vốn năm 2008 chi chưa hết hoặc không làm được lẽ ra phải cắt nhưng nay Chính phủ cho phép chuyển tiếp sang năm 2009 và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ đầu tư cho các công trình giao thông, trường học, bệnh viện. Bên cạnh đó, chính phủ còn có một loạt các chính sách khác như giảm thuế, miễn thuế, chống thất nghiệp…

Về sử dụng nguồn vốn, Thủ tướng đã kết luận sẽ dùng để hỗ trợ lãi suất trong năm 2009 cho các ngân hàng, để ngân hàng cho các doanh nghiệp, trong đó ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn với lãi suất được bù lãi nhằm giải quyết vấn đề khó khăn về việc làm, tiêu thụ sản phẩm, ngăn chặn tình trạng thất nghiệp. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, một số dùng cho việc xây dựng nhà xã hội, cho vay với hình thức hỗ trợ lãi suất. Hiện nay, đang còn nhiều ý kiến khác nhau nên Chính phủ giao cho Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính và NHNN xem xét mức bù lãi cụ thể. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh: Việc chi số tiền này được thực hiện công khai minh bạch, thông qua hệ thống ngân hàng.

Từ các gói kích cầu
Có khả năng tái lạm phát vào cuối năm 2009(?)

Hôm qua 24-12, tại hội thảo “Đánh giá tình hình phát triển kinh tế Việt Nam năm 2008 và quan điểm phát triển năm 2009” do Trường Đại học Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức, các ý kiến của các chuyên gia kinh tế đều thống nhất nhận định: Với cơ cấu kinh tế mà xuất nhập khẩu chiếm đến 60% GDP, kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là khu vực xuất khẩu và đầu tư do các “bạn hàng lớn” Mỹ, Nhật, EU, Australia đang đối mặt với suy thoái mạnh. Về cơ chế điều hành vĩ mô, Chính phủ cũng đã “bắt bệnh” nền kinh tế và liên tục đưa ra các “toa thuốc đặc trị” nhưng “toa thuốc” nào cũng có hai mặt. Các chuyên gia tại hội thảo dự báo tình trạng thiểu phát có thể kéo dài đến quý II và quý III năm 2009 nhưng không loại trừ cuối năm lại tái xuất nguy cơ lạm phát do các gói kích cầu gây ra. “Nguyên nhân gây ra lạm phát vẫn còn nguyên và có thể bộc phát bất cứ lúc nào” – TS Trần Du Lịch nhận định.

Hội thảo cũng đưa ra 3 kịch bản kinh tế 2009: Lạc quan: tăng trưởng 6,5%, lạm phát dưới 10%, kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi từ 2010. Trung tính: tăng trưởng 5,5%, lạm phát khoảng 6%-8%, kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi từ 2011. Xấu: tăng trưởng khoảng 4,5%, lạm phát trên 10%, kinh tế đình đốn.



Nguồn: SGGP Online
Báo cáo phân tích thị trường