Nỗ lực chèo chống...
Tăng trưởng GDP trong quý I chỉ đạt 3,1% (mức thấp nhất trong nhiều năm qua), song vẫn không cho thấy dấu hiệu đáng bi quan, nhất là trong xu hướng suy thoái chung của kinh tế thế giới. Đề xuất điều chỉnh mức bội chi ngân sách khoảng 8% GDP trong năm nay có khả năng làm tăng nợ công và nợ có bảo đảm từ 39,7% năm 2008 lên 45,8% trong năm 2009, tuy vậy triển vọng sẽ giảm khoảng 45,1% trong năm 2010. Điều đó cho thấy, gánh nặng nợ công của năm nay vẫn được duy trì ở mức vừa phải và nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, 3 tháng đầu năm nay xuất khẩu (XK) cả nước đạt 13,5 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2008. Mức tăng này rất khả quan trong bối cảnh các nước xung quanh suy giảm XK mạnh như Xin-ga-po giảm 23,7%, Trung Quốc 25,7%, Thái Lan 11,3%... XK tuy gặp khó, nhưng bù lại, tiêu thụ ở thị trường trong nước lại tăng mạnh nhờ những giải pháp kích cầu tiêu dùng của Chính phủ (tăng xấp xỉ 22%).
Để đạt được kết quả trên, Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt đến thúc đẩy sản xuất, XK, ban hành Nghị quyết số 30/2008/CP về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Theo đó, Chính phủ đưa ra các nhóm giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm tăng trưởng kinh tế; áp dụng nhiều chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) như chính sách miễn, giảm, hoãn, giãn thời gian nộp thuế..., chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt, áp dụng hỗ trợ lãi suất cho DN vay vốn lưu động để sản xuất, kinh doanh, đồng thời chỉ đạo quyết liệt việc đơn giản hóa các thủ tục hải quan, thủ tục hoàn thuế để tạo điều kiện tối đa cho DN XK. Các bộ, ngành triển khai kịp thời và đồng bộ các quy định của Nghị quyết số 30/2008/CP, góp phần giúp DN từng bước tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất, kinh doanh, XK.
Ưu tiên hỗ trợ người nghèo, thất nghiệp
Những giải pháp kích cầu nền kinh tế mà Chính phủ đã, đang triển khai tương đối hiệu quả như hỗ trợ lãi suất cho vay 4%; giảm 30% thuế thu nhập cho các DN nhỏ và vừa; giảm 50% thuế giá trị gia tăng với một số loại hàng hóa và dịch vụ; thay đổi chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng như điều chỉnh lãi suất cho vay, nới rộng biên độ tỷ giá giao dịch giữa USD/VND... đã phần nào hỗ trợ tiêu dùng, thu hút vốn vay, đẩy mạnh hoạt động đầu tư trong và ngoài nước. Mặc dù vậy, Chính phủ cũng cần xem xét và nghiên cứu thêm một số giải pháp khác nhằm kích thích tài chính, thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh XK, tăng doanh thu từ các lĩnh vực khác như tài chính, ngân hàng, du lịch, dịch vụ... để bù đắp thâm hụt ngân sách và gánh nặng nợ công của năm nay. Hạn chế tối đa việc sử dụng nguồn vốn trong nước để bù đắp thâm hụt ngân sách, vì sẽ làm tăng lượng cung tiền, hạn chế đầu tư tư nhân, gia tăng lạm phát và gây cản trở với tăng trưởng. Đặc biệt cẩn trọng khi áp dụng những biện pháp kích thích tài chính bổ sung và tránh chi tiêu vào những dự án đầu tư nhà nước có hiệu suất thu hồi thấp. Trước mắt, cần tập trung ưu tiên hỗ trợ xã hội cho người nghèo, người thất nghiệp; hỗ trợ cho khối các DN nhỏ và vừa và các ngành sản xuất có định hướng XK; tiếp tục tái cơ cấu các DN nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi triển khai các dự án FDI và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức.
Theo nhận định của các chuyên gia, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới chưa khả quan, song việc duy trì các chính sách tài chính đúng hướng và phù hợp với tình hình thực tế của Chính phủ đã khiến cho nền kinh tế tỏ rõ dấu hiệu phục hồi. Hy vọng, năm 2010 cán cân thanh toán tổng thể sẽ quay lại mức thặng dư, luồng vốn FDI, đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ tăng trở lại do điều kiện tài chính toàn cầu cũng như niềm tin của các nhà đầu tư được cải thiện.
Nền kinh tế vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn trong quý II, ngoài việc chịu tác động của tình hình thế giới, còn phụ thuộc phần lớn vào khả năng điều hành của Chính phủ. Vì vậy, mặc dù quý II dự báo GDP sẽ tăng cao hơn quý I (khoảng 3,5-4,2% theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhưng kết quả vẫn phải đợi từ gói các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng mà Chính phủ đã đưa ra.