Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quảng Nam: Xúc tiến thương mại đến các huyện
14 | 06 | 2007
Là địa phương có đến 50% đơn vị hành chính huyện, thị miền núi, có địa hình phức tạp, giao thông không thuận tiện, thu nhập bình quân đầu người thấp; phần lớn thuộc diện chính sách cần được trợ cước, trợ giá... ngành thương mại Quảng Nam đã đẩy mạnh hoạt động thương mại ở các vùng này bằng cách đưa hoạt động XTTM về tận các vùng quê.
Mở đầu của chương trình này trong năm nay, ngành Thương mại Quảng Nam đã tổ chức thành công Hội chợ Thương mại và giống cây trồng Hiệp Đức, tiếp đến là hội chợ Thương mại du lịch Phước Sơn. Đây là những huyện miền núi, dân cư thưa thớt, đời sống vật chất và tinh thần còn nhiều thiếu thốn. Khi Hội chợ về với những huyện này đã tạo nên một không khí của những ngày hội mua sắm sôi động. Các HCTL đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh và con người của những miền quê trong lòng du khách, đặc biệt đã mang lại hiệu quả kinh tế cho cả DN tham gia cũng như người dân địa phương. Các DN đã đạt được mục tiêu giới thiệu hàng hoá và thương hiệu. Nhiều giống cây trồng nổi tiếng của miền Tây Nam Bộ đã được các nhà vườn mang về cung ứng cho bà con với số lượng lớn.

Ông Nguyễn Hồng Vân, GĐ Sở Thương mại Quảng Nam khẳng định: “Tôi tin những loại cây này có thể sống được trên các vùng đất của Quảng Nam, phần còn lại, bà con nông dân cần tìm hiểu kỹ hơn về kỹ thuật trồng trọt và chăm sóc để nâng cao hiệu quả kinh tế. Tại vùng đất Tam Kỳ, chúng tôi chỉ trồng thử nghiệm cho vui nhưng cũng đã cho được kết quả tốt. Hi vọng những giống cây trồng này sẽ tạo thêm nguồn kinh tế nông sản mới cho bà con”.

Không chỉ có giống cây trồng, nhiều DN còn mạnh dạn giới thiệu với người dân miền núi những mặt hàng hạng “cao cấp” khác như giống thuỷ hải sản: baba, ếch, rùa, cá hồi, cá vàng… của Cty TNHH nuôi trồng thuỷ sản Thái Quý & D ; thực phẩm sạch của thế kỷ 21 – thịt đà điểu của Cty Khánh Việt; máy móc phục vụ sản xuất nông lâm ngư nghiệp của Cty CP SXTM Nguyễn Đức Báu; xe máy; thiết bị điện tử tin học, đồ gỗ, nước tinh khiết…

Các hội chợ triển lãm về miền quê đã thực sự tạo điều kiện mở rộng giao thương, phát triển kinh tế và quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm của DN, nhất là tiềm năng du lịch của địa phương mình đặc biệt là giúp các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa tiếp cận với các hoạt động XTTM. Từ những sản phẩm mang dấu ấn đậm đà của quê hương như bánh tráng Việt An, kẹo đậu Việt An, thổ cẩm của các đồng bào dân tộc ở Phước Sơn đến các sản phẩm từ gỗ như bàn ghế của hộ kinh doanh Đỗ Ngô cùng nhiều sản phẩm khác.

Để huy động được từ 70 đến gần 100 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến những hội chợ ở cấp huyện, nhất lại là những huyện miền núi Quảng Nam là cả một nỗ lực của đơn vị tổ chức. Nỗi e ngại của DN trước địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt…, thêm vào đó là dân cư thưa thớt và sức mua kém, doanh số bán ra không bù lỗ được cho chi phí vận chuyển, tham gia hội chợ. Thế nhưng, với sự quan tâm giúp đỡ của địa phương, sự hưởng ứng nhiệt tình của DN, đặc biệt là sự nỗ lực của ngành Thương mại Quảng Nam, của các nhà tổ chức Hội chợ… đã đem lại thành công cho các HCTL ở miền núi phía tây của Quảng Nam. Và cũng chỉ mới đây (từ ngày 1 đến 9/6/2007), Sở Thương mại cũng vừa tổ chức thành công Hội chợ mùa hè Tam Kỳ 2007 (chỉ trong một thời gian ngắn sau khi tổ chức Hội chợ tại Phước Sơn). Đại diện của Công ty Mai Hoa Kim, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức các HCTL trên, cho biết: “Chúng tôi không ngại việc tổ chức liên tục các HCTL tại cùng một địa phương như Quảng Nam. Vì mỗi vùng đất của Quảng Nam có một tiềm năng kinh tế, lợi thế riêng. Nếu như Hiệp Đức, Phước Sơn phát triển về kinh tế rừng, trồng trọt, chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ thì Điện Bàn lại có lợi thế về làng nghề; Đại Lộc có tiềm năng về làng nghề, trồng trọt, tiểu thủ công nghiệp, Hội An thì dịch vụ du lịch… Hơn nữa, vị trí địa lý của mỗi huyện cũng tương đối cách xa nhau nên sẽ không bị trùng lắp khi tổ chức mà còn tạo điều kiện để địa phương giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình”. Sau Tam Kỳ, Quảng Nam sẽ tổ chức các hội chợ khác lần lượt từ Hội An, Duy Xuyên, Núi Thành, Thăng Bình và tiếp đến sẽ là Điện Bàn (lần 2), Đại Lộc (lần 2), từ nay đến tháng 8/2007. Ngoài việc giới thiệu sản phẩm của DN trong và ngoài tỉnh, trao đổi hàng hoá, khuyến mại, cảm ơn, chăm sóc khách hàng, các HCTL còn tạo điều kiện để du khách khám phá tiềm năng kinh tế và mua sắm hàng hoá. Trọng trách sẽ còn đặt nặng hơn trên đôi vai của ngành thương mại, của nhà tổ chức và của mỗi địa phương để hoạt động thương mại nói chung và hoạt động XTTM nói riêng ngày càng mạnh hơn, góp phần tích cực đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Nam một cách bền vững. Thiết nghĩ, cần phải có sự ủng hộ nhiều hơn nữa của các cấp, các đơn vị để hoạt động này không đơn độc, không gây nhàm chán và duy trì được lâu dài.



Nguồn tin: Báo Thương mại
Báo cáo phân tích thị trường