Tại hội nghị diễn ra ở Pari hôm 8/12 do Viện Nghiên cứu Quốc tế (Ifri) của Pháp tổ chức, Tiến sỹ He Wenping, Giám đốc Văn phòng các vấn đề châu Phi thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh sẽ giảm bớt lượng nguyên vật liệu nhập khẩu, nhất là từ châu Phi, trong thời gian chờ đợi sự hồi phục của nền kinh tế thế giới, song bà cho rằng nguồn tiền dự trữ của Trung Quốc vẫn cần được chuyển cho các dự án tại châu Phi, bởi việc này có tác dụng như là đòn bẩy tăng trưởng được thực hiện bởi các công ty lớn của Trung Quốc như China Road and Bridge Corporation, China Overseas Engineering Corporation, China National Electronics, Import and Export Company - những công ty được cấp vốn vay với lãi suất ưu đãi là 2% từ nguồn tài chính không bao cạn của Ngân hàng Tín dụng Xuất khẩu (Eximbank).
Tại châu Phi, trong giai đoạn 2000-2006, các tập đoàn Trung Quốc đã xây dựng trên 6.000 km đường bộ, hơn 3.000 km đường sắt, cũng như số lượng lớn các tòa nhà công sở, trường học, bệnh viện, sân vận động và nhà ở xã hội. Tuy nhiên, những công trình này đã gây ra nhiều tranh cãi bởi vì phần lớn công việc trong dự án đều do công nhân Trung Quốc đảm nhiệm. Bà He Wenping thừa nhận: "Chúng tôi thường nghe thấy những lời phàn nàn. Tuy nhiên, lao động của chúng tôi có nhiều ưu điểm, đó là tính kỷ luật cao, sự cần cù, chấp nhận những điều kiện sống bấp bênh. Họ có thể chia sẻ với nhau miếng cơm, manh áo, ngủ chung một giường".
Trung Quốc đã thương lượng những dự án quan trọng về cơ sở hạ tầng với Ănggôla, Gabông, Cônggô, CHDC Cônggô, Angiêri, và đang đàm phán về các thoả thuận tương tự với Nigiêria, Ai Cập, Tandania. Bắc Kinh đánh giá châu Phi, hiện thiếu hụt khoảng 20 tỷ USD mỗi năm để đầu tư cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng, là một thị trường mà Trung Quốc không muốn để rơi vào tay những nước khác.