Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc: Nền kinh tế năng động nhất APEC
08 | 07 | 2007
Trung Quốc đang vươn lên hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), xuất khẩu và dự trữ ngoại tệ...

Trường Đại học Sheffield của Anh vừa đưa ra một báo cáo đặc biệt, theo đó đến năm 2015, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, sở hữu khoảng 27% tài sản toàn cầu?

Bản báo cáo nói trên do Đại học Sheffield và Đại học Michigan của Mỹ phối hợp soạn thảo. Trong bản báo cáo đặc biệt này, các nhà nghiên cứu dựa trên tài liệu của 9 cơ quan nổi tiếng thế giới như Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Cục tình báo Trung ương Mỹ... để phân tích, đánh giá và đưa ra dự báo sự phát triển của các nền kinh tế lớn toàn cầu vào năm 2015.

Sự trỗi dậy hoà bình của Trung Quốc

Theo bản báo cáo, điều đáng chú ý nhất là sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc những năm gần đây, mà người Trung Quốc thường gọi là “sự trỗi dậy hoà bình”.

Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục đạt trên dưới 10% trong hơn 10 năm qua, Trung Quốc ngày càng sở hữu số của cải vật chất chiếm tỷ lệ lớn của thế giới. Nếu như những năm 60 của thế kỷ 20, Trung Quốc chỉ sở hữu 5% của cải toàn cầu, thì tỷ lệ này sẽ là khoảng 27% vào năm 2015.

Ở thời điểm đó, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc sẽ làm thay đổi  cục diện của châu Á. Nguồn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc sẽ chiếm tỷ lệ tới 50% tổng lượng vốn đầu tư toàn cầu. Trung Quốc cũng sẽ trở thành trung tâm đầu tư, sản xuất và tiêu thụ của thế giới.

Sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc còn thể hiện ở những vùng nằm sâu trong lục địa. Không chỉ có khu vực ven biển thể hiện sức mạnh vươn ra thế giới trong nhiều năm nay mà cả vùng phía Tây, nơi vẫn bị đánh giá là chậm phát triển hơn các vùng khác của Trung Quốc, hiện cũng đã trỗi dậy mạnh mẽ.

Với chiến lược “Chấn hưng Đông Bắc”, các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang của Trung Quốc giáp Triều Tiên và Nga cũng đang hiện đại hoá, trở thành trung tâm thu hút đầu tư trong hai năm gần đây.

Cùng với sự vươn lên về kinh tế, vị thế Trung Quốc ngày càng tăng trên thế giới. Tiếng nói của Trung Quốc đã trở nên có trọng lượng trong các vấn đề toàn cầu như vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, Iran, đàm phán thương mại toàn cầu, cải tổ Liên hiệp quốc... Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đã vươn ra các châu lục.

Mới đây Trung Quốc đã liên tiếp tổ chức 2 sự kiện lớn là Hội nghị cấp cao kỷ niệm 15 năm quan hệ đối thoại Trung Quốc-ASEAN và Diễn đàn cấp cao Trung Quốc-châu Phi, thu hút hầu hết nguyên thủ 10 nước ASEAN và 48 nước châu Phi tham dự.

Theo đó, quan hệ kinh tế thương mại Trung Quốc-ASEAN và các nước châu Phi được nâng lên tầm cao mới.  Trung Quốc và ASEAN đã cam kết thành lập khu vực mậu dịch tự do vào năm 2010. Năm 2005, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và ASEAN đạt 130,37 tỷ USD, tăng 23,1% so với năm trước. Trung Quốc cũng đang thương lượng khoảng 2.500 vụ mua bán với khoảng 40 quốc gia châu Phi.

Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi tăng liên tục, năm 2005 là 40 tỷ USD; dự tính năm 2006 vượt mức 50 tỷ USD. Trung Quốc sẽ mở rộng quy mô viện trợ các nước châu Phi tăng gấp đôi vào năm 2009.

Tâm điểm thế giới về thu hút FDI và xuất khẩu

Về FDI, dự kiến năm nay Trung Quốc thu hút khoảng 70 tỷ USD và là nước đứng đầu châu Á về thu hút FDI. Tính đến cuối năm 2005, riêng số dự án đầu tư của các nước ASEAN tại Trung Quốc đã đạt khoảng 30 nghìn dự án, với số vốn đầu tư thực tế hơn 38 tỷ USD.

Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài để giảm áp lực cho đồng nội tệ, vì dự trữ ngoại tệ của nước này không ngừng tăng cao. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc hiện tăng khoảng 18 tỷ USD/tháng và vừa đạt con số kỷ lục 1.000 tỷ USD vào đầu tháng 11.

Trung Quốc hiện có lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất trên thế giới. Con số dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc đang gây lo ngại cho các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách, những người lo rằng việc mất cân bằng toàn cầu có thể dẫn đến đảo lộn nền kinh tế thế giới.

Động lực quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc là xuất khẩu. Quy mô, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này không ngừng tăng mạnh trong những năm gần đây. Tại Diễn đàn phát triển công nghiệp Trung Quốc ngày 5/11 vừa qua, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc thông báo, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này dự kiến đạt 1.700 tỉ USD trong năm nay, tăng 20% so với năm ngoái.

Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc này đạt hơn 1.272 tỉ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 691,2 tỉ USD, tăng 26,5% và nhập khẩu đạt 581,4 tỉ USD, tăng 21,7%.

Trong 5 năm qua, kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc từ vị trí thứ 6 đã vươn lên vị trí thứ 3 thế giới, với tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng năm vào khoảng 24,6%. Hiện nay, tỷ trọng hàng hoá của Trung Quốc ở thị trường Mỹ không ngừng gia tăng. Theo một báo cáo do Tổ chức thương mại của Hàn Quốc đưa ra thì năm 2000 tỷ trọng sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc tại thị trường Mỹ là 8,2% nhưng tới nửa đầu năm 2006 đã là 14,2%.

Tuy nhiên, các quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc cũng cho biết dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng lợi nhuận chưa thỏa đáng, vì hàng xuất khẩu chưa đạt giá trị gia tăng cao. Đây là thời điểm cần phải chuyển hướng từ số lượng sang chất lượng.

Bộ Thương mại Trung Quốc khuyến khích các doanh nghiệp chú trọng hơn đến sáng tạo công nghệ và đẩy mạnh việc thiết lập thương hiệu quốc tế, nhằm tăng giá trị của hàng xuất khẩu. Đồng thời, Trung Quốc sẽ duy trì tốc độ tăng nhập khẩu một cách hợp lý.

Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 11 của Bộ Thương mại Trung Quốc, nước này phấn đấu đưa tổng kim ngạch ngoại thương lên 2.300 tỷ USD vào năm 2010 với sự cân bằng trong cán cân xuất nhập khẩu và duy trì ở mức tăng trưởng hàng năm 10%.


Theo Vneconomy
Báo cáo phân tích thị trường