Làng nghề và những giá trị kinh tế văn hóa
Cả nước hiện có khoảng 2.790 làng có nghề, trong đó hơn 2000 làng nghề truyền thống, các làng nghề này đã thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 11,0 triệu lao động thuộc 1,423 triệu hộ gia đình, trong đó có cả người già, thương binh, người tàn tật, trẻ em và lao động nông nhàn (Hiệp hội làng nghề Việt Nam, 2008), đem lại việc làm cho hơn 1,30 triệu thợ thủ công chuyên nghiệp và khoảng 3 - 5 triệu lao động thời vụ.
Ở đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là nơi có mật độ làng nghề lớn nhất cả nước với trên sấp sỉ 1000 làng nghề truyền thống, nổi tiếng như: gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc (Hà Đông), Tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), thêu XQ (Đà Lạt),v.v... Trong các nghề này, các nhóm nghề phổ biến và có giá trị kinh tế văn hóa cao nhất là nghề đồ gỗ mỹ nghệ, gốm sứ, mây tre đan, thêu gen dệt lụa và nghề dệt chiếu cói... Sự phân bố các làng nghề truyền thống thuộc các nhóm nghề quan trọng ở ĐBSH có thể mô tả như sau:
Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm của làng nghề không ngừng tăng lên, khoảng 750 triệu USD năm 2007; gần 1,0 tỷ USD năm 2008. Trước khủng hoảng kinh tế, việc làm tại các làng nghề tuy chưa đem lại thu nhập cao cho người lao động địa phương nhưng tương đối ổn định. Nhiều làng nghề như Đồng Kỵ, Đa Hội (Bắc Ninh), lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh (Hà Nội) có mức thu nhập trung bình 1,2 triệu đồng/người/tháng, công nhân kỹ thuật hoặc có tay nghề 3.0 triệu đồng/người/tháng. Theo các chuyên gia, nhờ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, nguyên phụ liệu nhập không đáng kể, thường chỉ chiếm 35% giá trị hàng hoá được sản xuất nên giá trị thực thu (hay giá kinh tế) của ngành thủ công mỹ nghệ ở các làng nghề có thể đạt tới 95-97%.
Các mặt hàng thủ công truyền thống của các làng nghề có nhiều tiềm năng về thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt nếu kết hợp chặt chẽ với ngành du lịch. Giá trị của các làng nghề không chỉ là tạo ra công ăn việc làm thu nhập cho người lao động hay các giá trị kinh tế khác, mà làng nghề còn có giá trị về văn hóa, lịch sử vô cùng quan trọng.
Làng nghề trong khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009
Tuy nhiên, các làng nghề hiện nay (cụ thể là các doanh nghiệp và hộ sản xuất) cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế năm vừa qua. “Tính đến tháng 3 năm 2009, có khoảng 60% doanh nghiệp làng nghề đang phải hoạt động cầm cự, khoảng 20% đang thoi thóp. Các doanh nghiệp này có thể sẽ phá sản nếu không có biện pháp mạnh hỗ trợ các làng nghề vượt qua khó khăn”. Năm 2009 sẽ có khoảng 5 triệu lao động làng nghề mất việc làm (kể cả công nhân thời vụ), trong đó các ngành như gốm sứ, mây tre, đan lát… sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. (Hiệp hội làng nghề Việt Nam). Còn theo Bộ NN&PTNT, từ báo cáo của 38 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho biết: đến giữa tháng 3/2009 đã có 9 làng nghề phá sản; 124 làng nghề sản xuất cầm chừng; khoảng 2.166 hộ kinh doanh và 2 DN phá sản, 468 DN sản xuất cầm chừng (chiếm khoảng 16% tổng số doanh nghiệp).
Những nguy cơ và các tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế đến sự phát triển của các làng nghề ngày càng cụ thể và hiện hữu:
- Thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, bị bế tắc khiến cho nguy cơ mất thị trường truyền thống ngày càng hiện hữu.
- Khi không bán được sản phẩm, đến lượt các doanh nghiệp, các hộ làm nghề sẽ rơi vào tình trạng sản xuất đình đốn, lao động mất việc và không có thu nhập.
- Các khoản nợ trước đây không trả được khiến hộ nghề và các doanh nghiệp rơi vào tình trạng nợ nần.
- Khi thị trường truyền thống có nguy cơ bị mất, không có việc làm nên lao động lành nghề cũng tìm cách xa rời doanh nghiệp, đe dọa đến khả năng phục hồi sau này của các doanh nghiệp và làng nghề...
Một số người lạc quan hơn thì cho rằng, làng nghề là thể chế có khả năng thích ứng tốt hơn với các biến động kinh tế do cơ cấu sản xuất luôn đa dạng và có tính đệm rất cao. Các lao động ở làng nghề đa phần là lao động kiêm, nếu mất hoạt động phi nông nghiệp sẽ chuyển sang làm nghề nông hoặc các hoạt động khác vì thế sẽ giảm thiểu đáng kể những tác động xấu của khủng hoảng đến làng nghề.
Các chính sách hỗ trợ làng nghề của Chính Phủ
Cũng giống như cả nền kinh tế, Chính phủ muốn chia sẻ và hỗ trợ để các làng nghề mà cụ thể là các doanh nghiệp, hộ nghề và các lao động ở đó vượt qua những khó khăn trong khủng hoảng kinh tế. Chỉ trong một thời gian ngắn, các chính sách sau đây đã được triển khai:
1. Đó là việc hỗ trợ lãi suất 4% cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh (tức là vay vốn lưu động) - được gọi là gói kích cầu thứ nhất (Quyết định 131/2009/QĐ-TTg, tháng 1 năm 2009) của Thủ tướng Chính Phủ;
2. Tiếp theo là gói kích cầu thứ hai: cho các tổ chức, cá nhân vay vốn trung dài hạn của ngân hàng để đầu tư mới sản xuất kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng trong thời gian tối đa là 24 tháng.
3. Chính phủ cũng đã có quyết định về việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn, nhiều loại được hỗ trợ 100% lãi suất vay; thời hạn từ 12 đến 24 tháng. Quy định mới này đã tạo điều kiện cho DN thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, tranh thủ thời cơ mua sắm thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ phục vụ cho việc phát triển sản xuất kinh doanh khi kinh tế hồi phục (Thông tư liên tịch số 60/2009/TT-TCBNN).
4. Việc bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa (trong đó có DN làng nghề) vay vốn của các ngân hàng thương mại đã được giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thực hiện, và VDB đang tiếp tục ký thỏa thuận với các ngân hàng thương mại để mở rộng việc tiếp nhận và bảo lãnh cho DN vay vốn. Quy chế bảo lãnh cho DN vay vốn đã được sửa đổi, bổ sung về đối tượng, phạm vi, điều kiện và thời hạn bảo lãnh vay, có thêm nhiều thuận lợi cho DN.
Mục tiêu nghiên cứu
Từ bối cảnh đó cho thấy cần phải thực hiện một nghiên cứu đánh giá về thực trạng phát triển của làng nghề trong khủng hoảng kinh tế, những tác động của chính sách từ phía Nhà nước đối với làng nghề trong hoàn cảnh này. Các hướng đánh giá chính của nghiên cứu là:
Đánh giá được thực trạng tình hình khủng hoảng ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội làng nghề ở đồng bằng sông Hồng, quan trọng nhất là:
Ảnh hưởng đến thu nhập và công ăn việc làm của người lao động ở làng nghề
Ảnh hưởng đến tình hình sản xuất: thị trường, hiệu quả sản xuất, tính thanh khoản.
Đánh giá được kết quả và những tác động của các chính sách hỗ trợ làng nghề (kể các các chính sách của TW và các địa phương) trong thời gian vừa qua.
Qua sự đánh giá đó, nghiên cứu xem xét đến quá trình “tái cấu trúc”, quá trình thích nghi và biến đổi của làng nghề ở Đồng bằng Sông Hồng, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho quá trình phát triển làng nghề bền vững.
Đồng thời, nghiên cứu cũng đưa ra những đề xuất về các giải pháp chính sách tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn và tái cấu trúc doanh nghiệp để tiếp tục phát triển sau khủng hoảng.
AGROINFO (giới thiệu)