Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những giải pháp bảo đảm đủ phân bón cho sản xuất nông nghiệp
18 | 03 | 2010
Nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp rất lớn, mặc dù tốc độ tăng bình quân hằng năm từ 10 đến 15%, nhưng ngành công nghiệp phân bón trong nước mới đáp ứng được 60% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu. Kế hoạch năm 2010 cần bảo đảm khoảng 9,1 triệu tấn phân bón các loại. Trong đó có 2 triệu tấn u-rê; 700 nghìn tấn SA; 750 nghìn tấn DAP; 3,3 triệu tấn NPK; 1,6 triệu tấn lân và 850 nghìn tấn ka-li.

Hiện các nhà máy phân bón có thể đáp ứng được 100% nhu cầu phân NPK và phân lân; 45% phân u-rê và 30% phân DAP. Riêng phân ka-li nhu cầu hằng năm từ 800 đến 900 nghìn  tấn, sản xuất trong nước vẫn chưa đáp ứng được, nên phải nhập khẩu 100% loại này.

Những năm qua, thị trường phân bón biến động mạnh, nhất là vào thời điểm cuối năm 2008 và đầu năm 2009, do suy thoái nền kinh tế toàn cầu đã đẩy giá phân bón tăng cao, gây nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Những loại phân bón sản xuất trong nước phần lớn ít bị ảnh hưởng khi thị trường biến động. Loại phân bón nhập khẩu nhiều như DAP, u-rê chịu tác động lớn của thị trường. Nhất là phân ka-li do nhập khẩu 100% thì hoàn toàn chịu tác động của thị trường và giá cả phân bón thế giới. Thông thường khi có lời thì các doanh nghiệp đổ xô nhập khẩu, gây lỗ; khi không có lời thì nhập khẩu ít hẳn, cung thấp hơn cầu, gây thiếu hụt nguồn phân bón cho sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, một số tư thương lợi dụng tình hình này, đẩy giá bán lên cao và đưa phân bón giả, phân bón kém chất lượng ra thị trường để kiếm lời, gây thiệt hại cho nông dân, nhất là phân bón ka-li, bởi loại phân này rất dễ làm giả.

Ðể bảo đảm đủ phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp với giá bán hợp lý cho nông dân, đồng thời ngăn chặn tình trạng phân bón kém chất lượng, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, Bộ Công thương cần chỉ đạo các nhà máy tăng cường sản xuất phân bón trong nước, nâng cao công suất để bảo đảm đủ, kịp thời phân bón cung ứng cho nông dân.

Hai là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công thương nắm sát diễn biến thị trường phân bón để chỉ đạo các doanh nghiệp nhập khẩu đủ phân bón về các cảng kịp thời vụ, nhất là việc nhập khẩu phân ka-li hiện nay còn thiếu.

Ba là, cần nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh phân bón, mang lại hiệu quả, như cách làm vừa qua của Công ty cổ phần Vật tư nông sản thể hiện ở các mặt: Sản xuất gắn chặt với kinh doanh nhập khẩu: bên cạnh việc nhập khẩu hơn 500 nghìn tấn phân bón hằng năm, công ty đã chú trọng đến việc phát triển sản xuất phân bón trong nước. Hiện nay công ty đã xây dựng được nhà máy sản xuất phân bón với công suất 200 nghìn tấn phân lân và 100 nghìn tấn NPK chất lượng cao ở Lào Cai. Tăng cường hợp tác mở rộng thị trường với nước ngoài và tổ chức hệ thống cung ứng phân bón: Công ty cổ phần Vật tư nông sản đã phối hợp với nhà cung cấp phân bón ka-li lớn nhất thế giới Belarusian Potash Company (BPC), tổ chức gần 500 đại lý phân bón đưa thẳng tới nông dân, bảo đảm chất lượng, kịp thời vụ, giá cả hợp lý. Công ty đã từng bước khẳng định thương hiệu, uy tín, lòng tin của mình với hàng trăm bạn hàng trong nước và quốc tế.

Từ kết quả sản xuất, kinh doanh phân bón phục vụ bà con nông dân của Công ty cổ phần Vật tư nông sản, xin kiến nghị một số vấn đề: Các ngân hàng thương mại cần tạo điều kiện về vốn vay cho các doanh nghiệp để sản xuất và nhập khẩu đủ phân bón cho sản xuất nông nghiệp. Nhà máy phân đạm Phú Mỹ cần duy trì thường xuyên lưu kho ở mức thấp nhất 70 nghìn tấn u-rê để ổn định thị trường, phòng khi biến động cung cầu, thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Nguyễn Hạc Thúy Phó Chủ tịch Thường trực kiêm
Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam



Theo www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường