Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đắk Lắk: Cải tạo các vườn cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng các dòng cà phê vối cao sản chọn lọc
21 | 05 | 2010
Huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk) là một trong những vùng trọng điểm cà phê của tỉnh , mỗi năm cho thu nhập chiếm trên 70% giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đã đi đầu trong việc cải tạo các vườn cà phê bằng các dòng cà phê vối cao sản chọn lọc mang lại hiệu quả kinh tế khá cao so với trồng mới cà phê.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2015, huyện cơ bản cải tạo xong để có 100% diện tích vườn cây trẻ trong chu kỳ kinh doanh, với các dòng vô tính chọn lọc, đạt năng suất cao đảm bảo tính ổn định về sản lượng góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trồng cà phê.

Huyện Cư M’Gar có tổng diện tích cà phê kinh doanh cho thu hoạch trên 30.000 ha, trong đó có 1/3 diện tích là cà phê vối già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh cho năng suất thấp. Huyện đã liên kết với Viện Khoa học kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên xây dựng trên 1.000 mét vuông vườn nhân chồi với 5 dòng cà phê vối cao sản chọn lọc, gồm: TR 4, TR 5, TR 6, TR 7, TR 8.

Đây là những giống cà phê vối cho năng suất cao từ 4 đến 5 tấn cà phê nhân/ ha trở lên, cỡ hạt lớn, kháng bệnh gỉ sắt, chín tập trung, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương để chủ động cung ứng cho bà con nông dân các dân tộc về cải tạo các vườn cây cà phê kém hiệu quả kinh tế. Huyện cũng tổ chức xây dựng các mô hình trình diễn, tập huấn, hướng dẫn cụ thể từng thao tác, quy trình kỹ thuật chọn giống, phương pháp ghép chồi chẻ nối ngọn, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bón phân...cho cây cà phê.

Theo đánh giá của UBND huyện, việc cải tạo vườn cây cà phê vối theo phương pháp này không những chi phí thấp hơn nhiều lần so với đầu tư trồng mới mà chất lượng vườn cây lại đảm bảo hơn, cho năng suất cao, ổn định hơn, sớm đưa vườn cây vào kinh doanh cho thu hoạch. Qua thực tế, trên 3.000 ha cà phê của các hộ gia đình đồng bào các dân tộc ở các xã Quảng Phú, Ea Pốk, Ea Kiết, Quảng Hiệp, Ea H’đing...chỉ mới sau 3 năm cải tạo bằng phương pháp chẻ nối ngọn đã cho năng suất từ 3,4 đến 4 tấn cà phê nhân/ ha.

Từ kết quả của huyện Cư M’Gar về việc cải tạo vườn cây cà phê bằng các dòng cà phê vối cao sản chọn lọc, với phương pháp chẻ nối ngọn mang lại hiệu quả kinh tế cao, tỉnh Đắk Lắk đang nhân rộng để “cải lão” các vườn cà phê già cỗi nhằm tạo điều kiện phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người lao động.



(Theo TTXVN)
Báo cáo phân tích thị trường